Đôi Dòng Tỏ Bày

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Là người học Phật chúng ta phải lấy chuyện giải thoát sanh tử luân hồi làm đại sự, tất cả mọi điều khác trên thế gian đều là thứ yếu. Trên con đường học đạo, tìm được đúng pháp môn hợp với căn cơ của mình rất quan trọng, nhưng điều tối quan trọng hơn cả là chọn pháp môn hợp với thời cơ. Ví như người vận y phục phải phù hợp theo mùa: mùa đông mặc áo bông, mùa hạ mặc áo vải. Nếu có một bộ y phục đẹp và vừa ý với mình nhưng mặc không đúng mùa thì cũng trở nên vô dụng. Trong kinh Đại Tập nói rằng thời Chánh Pháp (gồm 1.000 năm từ lúc Phật thành đạo) tu Giới Luật được thành tựu. Thời Tượng Pháp (1.000 năm kế tiếp) tu Thiền Quán được thành tựu. Thời Mạt Pháp (10.000 năm tiếp theo) tu Tịnh Độ được thành tựu. Hiện nay Phật lịch của chúng ta là năm 2554 (2010 DL) tức là chúng ta đang ở vào thời kỳ Mạt Pháp. Cho nên nếu người tu Phật thời nay muốn thành tựu lý tưởng giải thoát thì nên tu theo pháp môn Tịnh Độ (hay còn gọi là Niệm Phật).

    Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng rằng:
    Thời Mạt Pháp ức ức người tu hành hiếm có người đắc đạo. Duy chỉ có pháp môn Niệm Phật A Di Đà mà ra khỏi luân hồi.

    Đã là một Phật tử tức là con Phật, chúng ta không thể không vâng theo lời dạy của đấng cha lành là đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng sanh thời xưa nhờ có phước báu nhiều nên mới có thể gặp được Phật và các bậc chứng đạo A La Hán, Bồ Tát để tu hành sớm ngày chứng quả. Thời nay do cách xa thời của Phật quá nhiều, phước báu của chúng sanh rất ít nhưng trái lại nghiệp chướng quá sâu dày. Nếu tu theo các pháp môn khác khó bề thành tựu cũng như khó tìm được người chứng quả để học đạo. Vì đã biết trước điều ấy nên đức Phật Thích Ca mới từ bi thương xót chỉ bày chúng ta tu theo pháp Niệm Phật (hay còn gọi là pháp môn Tịnh Độ). Tu theo pháp môn này được thành tựu vào thời bây giờ vì nhờ vào nguyện lực của một vị Phật, hiện ngài chưa nhập diệt và vẫn còn đang nói pháp tại cõi Tây Phương Cực Lạc, cách thế giới Ta Bà chúng ta 10 muôn ức cõi Phật. Thuở lâu xa trước khi ngài thành Phật, tiền thân của ngài là tỳ kheo Pháp Tạng đã có lời thệ nguyện cứu độ chúng sanh như sau:

    Khi tôi thành Phật chúng sanh trong mười phương lúc lâm chung chí tâm niệm danh hiệu tôi dẫu từ một niệm cho đến mười niệm, nếu tôi không hiện thân ra trước mặt người ấy để tiếp dẫn về cõi nước tôi, tôi thề sẽ không ở ngôi vị Chánh Đẳng Chánh Giác. (Kinh Vô Lượng Thọ – nguyện thứ 18)

    Vị tỳ kheo ấy nay đã thành Phật được 10 kiếp hiệu là A Di Đà. Nếu ai TIN nghe theo lời trên, một lòng NGUYỆN được sanh về Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà sau khi mãn thân người, từ giờ cho đến ngày cuối đời chuyên TRÌ NIỆM danh hiệu A Di Đà Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sanh (vãng sanh là khi lâm chung được Phật cùng Thánh chúng đến tiếp dẫn về cõi Phật.) Đó chính là pháp tu Tịnh Độ. Người tu theo các pháp môn khác để giải thoát sanh tử phải dùng tự lực của mình để đoạn hết các Kiến – Tư phiền não nên phải mất vô lượng kiếp mới thành tựu. Ví như đức Phật Thích Ca tu hành tại thế gian Ta Bà này đã mất 3 đại a tăng kỳ (tức 3 giai đoạn vô lượng kiếp không thể tính kể ra số được) mới thành Phật. Thế nhưng nếu chúng ta nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà, không cần phải đoạn hết các phiền não và quyết tu cho được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nơi ấy tuổi thọ của chúng sanh dài vô hạn cũng như được gần gũi với Phật và các vị bồ tát để học đạo thì chúng ta sẽ sớm ngày thành đạo quả. Như vậy Tịnh Độ pháp môn chỉ cần một đời hiện tại là chúng ta có thể thành công. Tu như thế được gọi là vừa có tự lực vừa có tha lực (tự nổ lực niệm Phật và tha lực tiếp dẫn vãng sanh của Phật). Người tu theo các pháp môn khác gọi là tự lực (tự mình tu cho đến khi phiền não dứt sạch và chứng được một trong bốn quả vị Thanh Văn mới có thể tự giải thoát khỏi vòng luân hồi.)

    Người tu theo pháp tự lực tựa như con mọt ở cuối thân tre muốn thoát ra khỏi ống tre phải đục thủng từng đốt tre theo chiều dọc từ gốc lên tới ngọn mới có thể chui được ra ngoài. Người tu theo pháp tha lực ví như con mọt đục ngang thân tre để chui ra ngoài rất mau chóng không cần mất nhiều thời gian. Hiểu được lý này chúng ta không thể bỏ qua pháp môn Tịnh Độ, chỉ cần một đời là có thể đạt được lý tưởng giải thoát. Điều này cũng không nằm ngoài lý nhân quả trong nhà Phật: gieo nhân nào gặt quả nấy. Nhân niệm Phật thì quả sẽ là thành Phật.

    Để giúp cho các bạn đang cầu đạo tìm đúng hướng đi trên con đường giải thoát cũng như hợp với căn cơ của người bận rộn thời nay, Đường Về Cõi Tịnh được mở ra với mong ước các bạn có thêm sự tham khảo cần thiết cho việc tự học tự tu. Các tài liệu hầu hết được chúng tôi thu thập từ các chư cổ đức đã đi trước và các vị tổ sư Tịnh Độ qua các bài viết và lời giảng từ xưa đến nay.

    Nếu như việc làm này có chút công đức nào, chúng tôi xin thành tâm hồi hướng tất cả cho chúng sanh thập phương thế giới, nguyện cùng kết pháp duyên, đồng sanh Tây Phương đồng thành Phật đạo.

    Cao Nguyên Tình Xanh Washington
    17 tháng 8 năm Canh Dần 2010
    BBT Đường Về Cõi Tịnh
    Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn vãng sanh

    [​IMG]
    Nếu ai tin tưởng và một lòng nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc, chí tâm niệm hồng danh A Di Đà Phật đến cuối đời sẽ được Tây Phương Tam Thánh hiện thân đến tiếp dẫn vãng sanh. Từ trái qua phải: Đại Thế Chí bồ tát, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm bồ tát (3 vị này được gọi là Tây Phương Tam Thánh).
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người