Ngôi chùa có kiến trúc “5 không” độc đáo Ngôi chùa có kiến trúc “5 không” độc đáo

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Những ngày này, người dân lại nô nức đổ về các ngôi chùa lớn để vãng cảnh lễ Phật. Trong số đó, chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng bởi kiến trúc riêng biệt “5 không” độc đáo. Đây là ngôi chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật lớn nhất Việt Nam, khơi gợi cái tâm thiện nguyện, trút đi mọi nỗi muộn phiền trong lòng du khách đặt chân đến nơi này.

    Ngày lễ đầu năm, lối nhỏ ngoằn ngoèo vào chùa Kỳ Quang 2 trên đường Lê Hoàng Phái, quận Gò Vấp, như đông đúc hẳn bởi dòng du khách thập phương đổ về lễ phật, cầu an. Để tìm hiểu rõ hơn những nét kiến trúc độc đáo nơi đây, chúng tôi đã được thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 chia sẻ: “Chùa Kỳ Quang 2 đến nay đã gần 90 tuổi, lúc đầu, đây chỉ là một ngôi chùa làng do sư bà Diệu Hạnh lập nên cho người dân địa phương tới cúng bái, có tên là Thanh Châu Tự. Bà được xem là vị tổ sư sáng lập nên ngôi chùa, đến đời vị trụ trì thứ hai đổi tên thành chùa Kỳ Quang 2. Sau này ngôi chùa dần được xây dựng và tu bổ như kiến trúc hiện nay”.

    Đi từ cổng chùa, điểm dừng chân đầu tiên cho du khách hành hương chính là đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Tượng vua Hùng ngồi uy nghi được đặt trên phiến đá hình vuông, màu xanh tượng trưng cho sự tích bánh chưng, bánh dày. Sau lưng là trống đồng Đông Sơn, xung quanh là chim hồng, chim nhạn và con chim phụng khổng lồ phía trên đỉnh đầu. Đây thể hiện quan niệm dân gian về tứ linh (long, lân, quy, phụng) hội tụ, phò trợ cho đất nước yên bình, quốc thái dân an”, sư thầy cho biết. Và du khách vãng cảnh có thể chiêm bái để cầu mong một năm bình an và mọi điều tốt đẹp.

    [​IMG]
    Kiến trúc bên ngoài độc đáo của chùa Kỳ Quang 2. Ảnh:Linh Nguyễn

    “Người vãng cảnh chùa phải thật có lòng thành tâm mới hiểu hết được ý nghĩa và giá trị của những địa điểm trong chùa. Tổng thể ngôi chùa gồm 18 ngọn núi được mô phỏng theo 5 non 7 núi (Ngũ hành Sơn và Thất Sơn), 11 hang động. Núi nâng đỡ chùa, chùa ở trên núi, tức Phật pháp luôn hướng về cõi hư không, thanh tịnh. Ở 4 góc chùa có 4 thác nước từ núi đổ xuống như đem đến sức sống cho muôn loài vào những ngày đầu xuân này, đó cũng thể hiện niềm tri ân đối với tổ tiên, ông bà trong lòng mỗi du khách thập phương”, sư thầy chia sẻ.

    Có lẽ điều đặc biệt nhất làm nên “thương hiệu” cho ngôi chùa này chính là đặc điểm “5 không”: Không cột, không tường, không nóc, không đà, không cửa. Nói về điều này, sư thầy Thích Thiện Chiếu giải thích: “Đây là kiến trúc dựa trên quan niệm của Phật giáo: 9 phương trời, 10 phương Phật. Chùa không xây cột bởi cột tượng trưng cho cột trói tinh thần làm nên sự oán hận thù hằn, không cột sẽ tạo nên sự giải thoát cho con người khỏi những khổ đau đời thường. Cửa tượng trưng cho sự ngăn cách, co cụm. Ở đây, cửa thiền luôn rộng mở cho thập loại chúng sinh, thì xây cửa làm gì cho tốn công thừa thãi? Đà, nói một cách bình dân như “kỳ đà cản mũi” là tắc nghẽn xui xẻo, nên chùa không xây đà là vì thế.Tường là bảo vệ, nhưng cũng là sự giới hạn chật hẹp. Phật pháp vốn vô biên sao lại có tường? Nóc, mái chỉ gây ngáng trở sự vươn lên của 9 phương trời, 10 phương Phật trong chốn tâm linh này”. Vì vậy, ngôi chùa không hề có một sự ngăn cách nào đối với bên ngoài, luôn rộng mở đón những du khách từ khắp nơi đổ về hành hương. Đặc biệt, khi đã “leo” lên được 9 phương trời, 10 phương Phật ở trung tâm ngôi chùa rồi, ta sẽ có cảm giác kỳ lạ như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh vậy.

    Được biết, chùa Kỳ Quang 2 là ngôi chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật lớn nhất Việt Nam từ năm 1995 cùng nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác. Vì vậy, đến vãng cảnh chùa, ta bỗng động lòng trắc ẩn trước những mảnh đời bất hạnh và hướng tâm làm điều thiện. Điều đó không phải tới đâu ta cũng có được. Những gương mặt, tiếng cười khiếm khuyết của trẻ thơ như làm chùn chân du khách lưu luyến không muốn rời!

    Đi lễ chùa, tâm lý của du khách thập phương thường chuẩn bị nhiều đồ lễ để chứng tỏ lòng thành của mình. Vậy nhưng, vị trụ trì chùa Kỳ Quang 2 nhắc nhở: “Đi chùa quan trọng là lòng thành tâm. Nếu chuẩn bị nhiều đồ lễ nhưng không có lòng thành kính thì chư Phật cũng không nhận. Chỉ cần một nén nhang và thành tâm khấn vái là đủ cho du khách khi tới đây. Có chăng cũng chỉ nên cầm một chén nước dâng lễ hay một bao gạo nhỏ cho những đứa trẻ mồ côi ở đây là được. Khi chúng ta làm việc thiện, ắt sẽ được Phật pháp che chở, phù hộ”
    Linh Nguyễn​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người