Đền ở hồ Trúc Bạch dự kiến xây với giá 19 tỷ đồng thờ ai?

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Hồ Trúc Bạch là một trong những hồ nổi tiếng và đẹp nhất của thủ đô Hà Nội. Phía Bắc hồ, nơi giáp với chân dốc đường Thanh Niên có đảo nhỏ, cây cối um tùm. Một kiến trúc văn hóa trên đảo sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp của hồ và cảnh quan. Thế nhưng, tại sao hàng chục năm qua vẫn chưa thể xây dựng được một ngôi đền như dự tính? Vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại gây tranh cãi xuất phát từ việc: Ngôi đền đó xây dựng lên để thờ vị thần nào?

    [​IMG]
    Bản vẽ công bố dự án đền Thủy Trung Tiên và cầu đá vào đảo bên đường Thanh Niên

    Hiện tại, trên vỉa hè đường Thanh Niên, đối diện với đảo hồ Trúc Bạch, Phòng Văn hóa Thông tin, UBND quận Ba Đình đã cho công bố "Dự án phục dựng đền Thủy Trung Tiên và Dự án xây dựng cầu đá từ đường Thanh niên vào đảo hồ Trúc Bạch”. Theo đó, tổng mức đầu tư xây dựng đền Thủy Trung Tiên xấp xỉ 14 tỉ đồng. Hạng mục xây dựng cầu đá từ đường Thanh Niên vào đảo dài 18m, gồm 5 nhịp, mỗi nhịp 3,6m chiều rộng mặt cầu là 2,25m sẽ huy động xã hội hóa 100% với tổng mức đầu tư trên 5 tỉ đồng. Như vậy, tổng 2 công trình đền Thủy Trung Tiên và cầu đá sẽ khoảng 19 tỉ đồng.

    Nhìn vào sơ đồ thiết kế đền Thủy Trung Tiên và cầu đá, ta thấy công trình đền đã "bê tông hóa” toàn bộ khuôn viên gần 500 m2 trên đảo. Có lẽ vì thế mà sau 10 năm (từ 2005) ấp ủ, dự án đã phình to từ 3 tỷ lên 13 tỷ đồng? (tất nhiên còn yếu tố khác là giá vật liệu, nhân công tăng). Về khía cạnh quy hoạch kiến trúc, việc xây dựng hoành tráng, chiếm hết phần đất trên đảo có phải là một cách làm hay để tạo thêm vẻ đẹp cảnh quan cho hồ và xung quanh? Có lẽ chỉ cần xây dựng trên đảo một công trình tín ngưỡng khoảng vài chục đến dưới 100m2 ở giữa đảo, còn xung quanh trồng cây thưa thoáng sẽ tạo cảnh đẹp hơn.

    Về khía cạnh tín ngưỡng, tên gọi đền là Thủy Trung Tiên sẽ được đông đảo giới khoa học chấp nhận. Bởi lẽ, tên gọi đền Cẩu Nhi sẽ lại nổ ra một cuộc tranh cãi lớn như đã từng xảy ra trong quá khứ hàng chục năm trước. Nhưng ngôi đền xây dựng xong sẽ thờ vị thần nào? Năm 2005, UBND quận Ba Đình đã có chủ trương xây dựng đền Cẩu Nhi nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học.

    Vì lẽ, chủ thể được thờ là sẽ là một vị chó con. Và khi khấn "tín chủ” sẽ lầm rầm: "kính thỉnh cẩu nhi đại vương”? Nguyên do xuất phát từ ý kiến của một số nhà nghiên cứu căn cứ vào sách "Tây Hồ chí”. Hiện cuốn này đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A3192.1/2. Đối lập với ý kiến này, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng đền trên đảo hồ Trúc Bạch thờ Thần cá. Số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng đền thờ Mẫu Thoải (đọc chệch từ Mẫu Thủy). Căn cứ là từ bức ảnh chụp thời Pháp năm 1912 có chữ "Thủy Trung Tiên Từ” và được ghi chú là "Đền cá”.

    Vậy ngôi đền Thủy Trung Tiên sẽ thờ vị thần nào? Bản vẽ dự án không thể hiện điều đó. Ông Nghiêm Đức Hùng – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (UBND quận Ba Đình) không cho biết ngôi đền sẽ thờ vị thần nào. Trong văn bản thông báo số 405/TB-BVĐ ngày 19.12.2014 của Ban vận động kinh phí xã hội hóa xây dựng đền Thủy Trung Tiên và cầu đá từ đường Thanh Niên vào đảo cũng không nêu chủ thể được thờ là ai.

    Trong khi đó, hiện trạng trên đảo lại khiến người viết vô cùng băn khoăn. Giữa nhà bia khắc năm 1987 ghi rõ là "Di tích Cẩu Nhi”. Phía sau lại có ban và tượng thờ "Đức vua cha Ngọc Hoàng”. Còn phía xa bên mép đảo lại có một miếu nhỏ dựng tạm, có tượng thờ "Cô Chín”.

    Vậy, ngôi đền Thủy Trung Tiên sẽ thờ vị thần nào? Thờ một vị hay là tất cả các vị thần đã được nêu trong bài viết? Hay còn bổ sung thêm vị thần nào nữa không? Câu hỏi này xin dành cho Phòng Văn hóa Thông tin và UBND quận Ba Đình trả lời.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người