Đối trị hôn trầm

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử và Nghi ngờ là 5 triền cái mà có lẽ bất kỳ hành giả nào khi tọa thiền công phu (Thiền, Tịnh, Mật) đều ít nhiều bị vướng mắc. Chính 5 chướng ngại này khiến hành giả khi tọa thiền tâm không an tịnh, lâu dần sinh chán nản làm cản trở công phu tu tiến, thoái tâm Bồ Đề. Vậy, hành giả phải làm sao để tránh hay đối trị HÔN TRẦM hầu giữ cho công phu được chuyên nhất?

    [​IMG]
    Như đã giảng trong các bài trước, Thiền Định không có nghĩa là Thiền mà bỏ Tịnh hay Mật, vì đó là chấp ngôn, chấp Pháp mà thôi. Thiền Định rốt ráo hàm nghĩa tọa thiền dụng công NHIẾP TÂM - TRỰC CHỈ PHẬT TÁNH, giúp hành giả chuyển mê khai ngộ, liễu Phàm nhập Thánh. Do đó, muốn công phu Thiền Định tu tiến, tránh bị 5 triền cái nói riêng cũng như nội ma – ngoại chướng nói chung khảo đảo, hoành hành thì hành giả trước phải:

    - Tịnh Giới nghiêm trì! Phái cư sĩ tại gia tối thiểu phải giữ Ngũ giới hay Thập giới. Phái tu sĩ xuất gia phải hành cho rốt ráo: “Tâm địa chẳng quấy tự tánh Giới” chớ không phải giữ 250 hay 348 điều Giới mà thôi. Còn đó lời Phật dạy: “Giới – Định – Huệ”; “Giới còn là Ta (Phật Pháp) còn vậy”!

    - Đoạn Tham - Sân - Si, tịnh Thân - Khẩu - Ý, nhiếp phục 6 căn khi duyên với cảnh trần. Ai có thể giữ “Thân - Tâm trong sạch” thì khi tọa thiền công phu sẽ rất ít gặp chướng ngại, chắc chắn thành tựu tu tiến.

    - Nếu không đoạn trừ tâm Sát - Đạo - Dâm - Vọng mà tu thiền thì chắc chắn sẽ lạc vào Tà Mị, quả báo thật khôn lường. Những ai hành thiền phải hết sức lưu ý! (xem bài viết trước)

    - Hành thập thiện, Pháp thí, phóng sanh, chia sẽ bớt khốn khó với tha nhân… mà vô ngã - vô cầu, lại không vì Thiện sự mà sao lãng việc tu hành tự độ - tự giác thì chắc chắn sẽ hỗ trợ đắc lực cho công phu thiền định mau chuyên nhất.

    Khi hành thiền, nếu không giữ được tỉnh giác thì hành giả sẽ rơi vào một trong ba trạng thái: hôn trầm, trạo cử và vô ký không. Vậy, HÔN TRẦM là gì? Đó là trạng thái thiếu tập trung, mất tỉnh giác, buồn ngủ, thậm chí là ngủ gục khi tọa thiền. Nguyên do có thể là:

    1. Về thân: do sức khỏe không tốt hay do lao động sinh kế khiến thân hao tổn nhiều sức lực, từ đó dẫn đến trạng thái mệt mỏi, uể oải, lười biếng, buồn ngủ hay ngủ gục khi tọa thiền.

    2. Về tâm: do hành giả mất tỉnh giác, thiếu tập trung vào Chánh niệm (niệm Phật) hay chiếu cố thoại đầu (tham Tổ sư thiền) khi tọa thiền mà khiến cho tâm niệm càng lúc càng rời rạc, tâm lực thất tán, yếu dần rồi cuối cùng chìm vào hôn trầm mê ngủ. Một lý do khác là do Tâm chịu ảnh hưởng từ Thân như đã nói ở trên. Điều này rõ ràng nhất khi Thân đang bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến Tâm lực khiến công phu vào lúc này rất khó chuyên nhất, dễ rơi vào hôn trầm thụy miên.

    [​IMG]

    Nếu tình trạng hôn trầm sâu, diễn ra lâu ngày sẽ trở thành Thiền bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe Thân tứ đại cũng như công phu nhiếp Tâm, chướng ngại tu tiến. Hệ lụy đó là: Thân sinh bệnh do ngồi sai tư thế; còn Tâm hành theo lối mòn trệ phược tương tự như tập khí thế gian, hễ hành giả tọa thiền trong phút chốc thì dù có cố gắng đến đâu cũng sẽ rơi vào hôn trầm khó thoát. Vì vậy, nhận biết, tránh và điều phục chướng hôn trầm là điều hết sức cần thiết cho hành giả tu Phật tọa thiền:

    1. Giữ gìn sức khỏe. Thế gian có câu: “Một khối óc minh mẫn chỉ có được trong một thân thể tráng kiện”, huống gì là tu Phật điều phục thân tâm. Thân thể khỏe mạnh giúp tinh thần sảng khoái, trí óc linh hoạt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công phu tọa thiền nhiếp tâm. Ngược lại, ngày nào cảm thấy mệt mỏi, uể oải… thì hành giả nên nghĩ ngơi dưỡng sức, không nên gắng gượng công phu mà hiệu quả chẳng bao nhiêu, đôi khi lợi bất cập hại thân tâm.

    2. Trước khi tọa thiền, hành giả hãy rửa mặt bằng nước lạnh, uống một ngụm trà nóng (nếu có thể), xong vận động nhẹ tay chân cho máu huyết lưu thông, tinh thần thêm tỉnh táo. Sau đó, tiến hành lạy sám hối trước bàn thờ Phật giúp vừa giải trừ nghiệp chướng, vừa tránh được hôn trầm thụy miên có thể xảy ra sau đó khi hành thiền.

    3. Khi tọa thiền, nếu NIỆM PHẬT thì hành giả hãy tập trung tâm lực sao cho “niệm niệm nối nhau tương tục, đều đặn chuyên nhất, tránh niệm chậm quá dễ bị hôn trầm. Tâm niệm đến đâu, tai lắng nghe rõ ràng minh bạch đến đó, trí ghi nhận khắc sâu không sót”. Công phu niệm Phật miên mật như thế chắc chắn sẽ không rơi vào hôn trầm chướng ngại.

    4. Khi tọa thiền, nếu THAM TỔ SƯ THIỀN thì hành giả hãy chiếu cố thoại đầu sao cho Chánh Nghi không gián đoạn. Nếu thiếu nghi tình thì “tham thoại đầu” sẽ thành “niệm thoại đầu”, công phu lạc lối. Để chánh nghi không gián đoạn thì tâm khởi thoại đầu sao cho liên tục tiếp nối, không kẽ hở đan xen, nên gọi là “chiếu cố”. Nếu nghi tình miên mật thì chắc chắn sẽ không rơi vào hôn trầm chướng ngại.

    5. Trước khi bắt đầu rơi vào hôn trầm, thường không khó để nhận biết dấu hiệu mà kịp thời điều phục. Đó là tâm niệm mông lung không còn miên mật nữa do sự tập trung tỉnh giác bị sao lãng; niệm lực vì vậy yếu dần, thất tán; tâm thái mê mờ trệ phược; về thân thì cảm giác buồn ngủ bao trùm, miệng hay ngáp, đầu hơi nghiêng ngã khiến thân tọa không còn vững, theo thời gian sẽ gây cong vẹo cột sống (cổ, lưng)…, tình trạng mệt mỏi càng gia tăng do ngồi sai tư thế. Lúc này, hành giả nên theo những cách sau để đối trị:

    a. Niệm Phật hay khởi thoại đầu bằng MIỆNG cho thật lớn tiếng để “vực dậy” tâm mình. MIỆNG NIỆM LỚN TIẾNG liên tục như thế cho đến khi hoàn toàn tỉnh giác mới trở về TÂM NIỆM như bình thường. Đây gọi là phép CAO THANH TRÌ, có công năng phá tan hôn trầm chướng trệ rất hiệu quả.

    b. Hành giả mở mắt, kéo mạnh 2 lỗ tai, sau đó xoa bóp tay chân, vai, cổ, gáy cho tỉnh.

    c. Nếu vẫn còn cảm giác buồn ngủ thì đứng lên, rửa mặt bằng nước lạnh, uống một ngụm trà nóng cho tỉnh táo. Nếu hành thiền về đêm thì có thể hướng mắt về nơi có ánh sáng hay nhìn lên các vì sao cũng giúp hôn trầm thụy miên tan mất.

    d. Nếu vẫn chưa có kết quả thì hãy đi Kinh hành, vừa bước vừa tâm niệm hay cao thinh niệm.

    e. Nếu các cách trên vẫn không hiệu quả thì hành giả hãy nghĩ ngơi, dưỡng sức điều thân là tốt nhất. Sau khi thân tâm được nghĩ dưỡng khỏe lại thì mới tiếp tục hạ thủ công phu.

    6. Nếu hành thiền tại tư gia, hành giả có thể nhờ người thân để ý, nhắc nhở giúp mình nếu thấy có dấu hiệu hôn trầm từ biểu hiện của Thân như đã nói ở trên, tránh để hôn trầm lặp đi lặp lại nhiều lần thành lối mòn tâm thức làm ảnh hưởng trệ phược thân tâm, chướng ngại tu tiến.
    Một biểu hiện khác gần giống với Hôn trầm là Vô Ký Không, biểu hiện của TÂM SI. Đây là do hành giả để tâm Không mà tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ khiến cho niệm tuyệt nên rơi vào pháp trói buộc biên kiến, là một trong những Thiền bệnh mà người tu Phật phải tránh. Tâm thái khù khờ si muội, trơ như gỗ đá trước mọi sự của Vô Ký Không quyết không phải là Tâm tịch tĩnh vi diệu, vô lượng Từ Bi - Trí Huệ của tánh Phật. Nó hoàn toàn khác với tâm Vô Niệm, vốn là thành tựu tu hành Kiến Tánh như đã giảng trước đây. Hành giả chỉ cần trực tâm nhiếp niệm liền tự thoát khỏi Vô Ký mà thôi!

    Chúc tất cả tỉnh tâm TU PHẬT!

    DIỆU nam mô A Di Đà Phật _()_
    Cổ Tự chơn ngôn: Cổ cổ diệu hám yết đế hồng tát đa, hám tát đa hồng diệu thiên, hám ưu tát đa, hám ưu mưu ni A Di Đà Phật. Cổ cổ diệu hám án a ác a vạn diệu huệ tát đa ác, hám a hật hồng, hám ưu tát đa hồng ưu tà không hồng hật Phật mật diệu cổ từ A Di Đà Phật _()_
    Tĩnh Tâm​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người