Lạ lùng cử nhân đột ngột xuất gia

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Sau khi tốt nghiệp khoa Hán-Nôm - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, Phạm Văn Đức đã xuống tóc quy y cửa Phật. Quyết định từng khiến gia đình, bạn bè ngỡ ngàng được chàng cử nhân này lý giải trong một chữ “duyên”.

    Bỏ nghiệp, từ thân, quyết vào chùa

    Tôi vẫn gọi cái quyết định đi tu của Đức là một “bất ngờ hợp lý”. Sở dĩ như vậy vì tôi quen Đức trong một đội tình nguyện của trường thời sinh viên. Chẳng cần nói đến ngành học liên quan đến chữ Hán mà Đức vừa tốt nghiệp, những am hiểu về việc tâm linh, một chút Phật học và cả “nghề” lễ bái tuần rằm, mùng 1 cũng đủ để hiểu cái quyết định kia chẳng phải là ngẫu nhiên. Chúng tôi vẫn bảo Đức có duyên với nghiệp hương khói, đình chùa.

    Sau mấy lần hẹn, tôi cũng đã gặp được thầy tiểu Phạm Văn Đức với pháp danh Thích Minh Hạnh tại chùa Hưng Long (thôn Đông Trù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - nơi cậu đang tu hành. Đức tiếp tôi trong bộ áo nâu sồng và cái chào vái tay của người nhà chùa, như đánh dấu một con người hoàn toàn khác trong vẻ ngoài của cậu.

    Thật khó tin, một chàng sinh viên sôi nổi, thích tham gia các hoạt động tình nguyện mới đây thôi, nay đã thành một nhà sư nơi cửa thiền. Âu cũng là số phận, là cái duyên của mỗi người như nhân gian đã nói. Ngày mà Đức từ thân vào chùa là một cú sốc cho cả gia đình, nhưng với chàng trai trẻ thì tâm đã nguyện, lòng chẳng còn vương vấn trần tục.

    Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Vũ Thư, Thái Bình, từ nhỏ Đức đã chịu ảnh hưởng từ gia đình bên ngoại có truyền thống xuất gia (em ông ngoại, bác ruột của mẹ đều đã đi tu). Đức từng ở chùa năm 10 tuổi, chính vì vậy mà cảnh sinh hoạt, không gian trong chùa không còn xa lạ với cậu.

    Trong quá trình học tập, Đức cũng tự tìm hiểu cho mình những kiến thức về Phật học, từ đó mà tư tưởng tu hành cứ lớn dần lên. Thi đỗ đại học năm 2009, Đức vào ngành Hán-Nôm, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội - một ngành học liên quan đến chữ Hán lại ít nhiều tác động đến tư tưởng của chàng cử nhân 23 tuổi này.

    Được gia đình, dòng họ kỳ vọng vào một tương lai xán lạn, ngay cả bố của Đức cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho cậu một công việc tốt sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng cuối cùng chẳng ai ngờ Đức lại quyết định bỏ lại tất cả vào chùa đi tu.

    Ban đầu tiếp xúc, tôi vẫn còn hơi e ngại bởi sợ phạm đến những quy tắc của người tu hành. Nhưng sau những câu chuyện trải lòng của Đức, tôi đã tìm lại được cảm giác trò chuyện thân mật. Giờ nhìn Đức trầm tư hơn trước, duy chỉ có cung cách nói chuyện là vẫn giữ được sự hoạt ngôn, chắc chắn, hiểu biết vốn có. Cậu cũng không ngại nói về quyết định, những mâu thuẫn nội tâm cũng như những chuyện hỉ, nộ khi tu hành, về điều mà người tu hành cần có, đó là đức tin, là chữ tâm trong người.

    Trong xã hội vẫn thường có quan niệm về những người đang có cuộc sống bình thường đi tu hành là do gặp phải biến cố lớn trong cuộc đời, ly tan cửa nhà, sự nghiệp đổ vỡ, trắc trở trong tình duyên... Chính vì vậy mà đã có không ít người nghĩ tới những nguyên nhân tiêu cực để lý giải cho việc Đức xuất gia, nhất là tại làng quê cậu sống không tránh khỏi chuyện gièm pha.

    Đức là con trưởng trong gia đình và cũng là đích tôn của dòng họ - người sẽ gánh vác trách nhiệm trưởng họ trong tương lai, sau Đức còn 2 em gái. Chính vì vậy mà Đức đã nhận sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình - đặc biệt là bố của cậu, thậm chí ông còn đòi… từ con.

    Theo lý giải của Đức, đi tu chẳng phải là sự mất mát về con người, cũng không phải một chuyện gì ghê gớm, nhưng quan niệm của gia đình thì khác, nhất là đối với một gia đình nông thôn gia giáo như dòng họ của Đức. Bởi thế mới có cuộc đấu tranh vô cùng lớn trong nội tâm nhà sư trẻ đứng giữa hai dòng nước, chọn chữ “hiếu” hay chữ “đạo”.

    [​IMG]
    Hiện tại, Phạm Văn Đức đang tu tại chùa Hưng Long (Đông Mỹ, Hà Nội)

    Đức tâm sự, đã có những lúc nghĩ thương cha xót mẹ, nhớ gia đình, đã có lúc đấu tranh tâm lý đến cao trào để lựa chọn, nhưng rồi cái nghiệp nó vẫn thắng. Với gia đình, khi đồng ý ký vào tờ giấy cam kết giao cúng con cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc... “mất” con, bởi lẽ Đức sẽ chỉ về nhà lo hậu sự khi “cha già mẹ héo”, từ nay sẽ cắt ái, từ thân. Một quyết định không mấy dễ dàng với chàng trai 9x, một người trẻ mới bước vào đời.

    Vì “duyên” chọn 3 tấc áo nâu sồng

    Đức tâm tình, quyết định đi tu của cậu đã được lên kế hoạch trước đó 1 năm - khi vẫn còn đang là sinh viên, mọi sự đã được chuẩn bị. Cái duyên đến thì như một quy luật tự nhiên ở đời. Khi lựa chọn chữ "đạo", ở một góc độ nào đó Đức bị người đời nhìn nhận là bất hiếu khi từ bỏ gia đình đã có công nuôi nấng, chăm sóc, cho ăn học nhưng lại từ thân đi tu, không có trách nhiệm với gia đình, phụng dưỡng cha mẹ về già, bỏ hương hỏa tổ tiên.

    Chính Đức cũng đã suy nghĩ rất nhiều về chữ “hiếu” trước khi quyết định, bởi đã là con người, không ai là không có tình cảm với gia đình, với đấng sinh thành. Để chọn cửa chùa làm nơi dung thân, chàng trai trẻ đã được cái duyên thấm trọn.

    Dân gian quan niệm số mệnh con người do con tạo xoay vần, do thiên cơ định sẵn. Quy y cửa Phật với Đức cũng như một cái duyên đã định. Trong xã hội hiện đại, chuyện người trẻ đi tu không hiếm, nhưng chuyện cử nhân đi tu lại là điều đáng quan tâm. Người ta sẽ đặt ra một câu hỏi, môi trường đại học phải chăng khiến con người ta dễ “giác ngộ”? Đó là câu chuyện của những người trí thức trẻ ngộ đạo, lại có cả kiến thức được trau dồi qua sách vở và đến với đạo theo cái duyên như trường hợp của Đức.

    Chính cái duyên gặp được người thầy của mình trong lần đi thực tập dập văn bia tại chùa Sùng Phúc (Từ Liêm-Hà Nội) cũng là động lực để Đức quyết tâm đến với cửa phật hơn.

    Đức chia sẻ, sau khi gặp thầy của mình là đại đức Thích Minh Tiến trong chuyến thực tập, được thầy chăm lo, tận tình giúp đỡ, lại đúng cái duyên khi thầy không chỉ chuyên tâm vào việc cúng bái, mà còn có học vấn và làm trên Trung ương Giáo hội. Đặc biệt, thông tin đại đức cũng xuất gia đi tu sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ đã giúp Đức có thêm quyết tâm đưa ra quyết định lớn trong cuộc đời mình. Như một cuộc đời được lặp lại, gặp một cử nhân đi tu bái làm thầy, đến đây, cái duyên coi như đã đủ vẹn toàn.

    [​IMG]
    Phạm Văn Đức (trái) khi còn là sinh viên

    Khi duyên đã đến, khi tâm hướng Phật đã trọn, quyết định của Đức được đưa ra khá dứt khoát với một tâm lý vững vàng. Đức cho biết, những kiến thức sau 4 năm đại học vẫn sẽ được cậu sử dụng trong quá trình tu tập. Bởi chữ Hán thông, có kiến thức về Phật học sẽ giúp Đức trong quá trình học tập các sách về Phật, sau này có thể làm giảng sư trên Học viện Phật giáo giúp các tăng, ni. Đây là một điều đáng quý trong nghiệp đi tu của những người trẻ. Thành quả của Phật giáo Việt Nam ở những thế hệ này không chỉ là cái tâm mà còn là những nhà sư có tri thức, uyên thâm về Phật học và những giáo lý kinh điển của đạo Phật.

    Nói về những mối quan hệ bên ngoài, nhà sư trẻ này tâm sự, cái duyên của mình với bạn bè, người thân chỉ đến vậy nên không có gì đáng tiếc. Thời gian theo nghiệp tu hành, Đức vẫn có thể gặp những người thân, bạn bè, vẫn có thể giúp đỡ họ trong phạm vi cho phép. Nhưng dù sao, giờ đây Đức cũng là người nhà chùa, ở một cuộc sống khác xa với đời thường trước đây. Người tu hành có những giới luật mà nhất nhất toàn tâm phải theo, chính vì vậy mà nhất cử nhất động đều thuộc sự quản lý của nhà chùa cũng như sư thầy.

    Đức tu theo phái Đại thừa, Tịnh độ Mật tông (niệm Phật là chủ yếu, thiền là phụ), không sát sinh, không ăn mặn. Hằng ngày Đức dậy từ 4h sáng chắp táp, niệm Phật, làm công việc trong chùa, đọc sách, tụng kinh... 5h chiều đóng cổng chùa, không liên quan gì đến thế giới bên ngoài. Nghiệp tu bắt đầu từ đây với chàng cử nhân trẻ. Âu cũng là cái duyên, là cái nghiệp mỗi người đều phải lựa chọn cho riêng mình.

    Đức đã vì đạo từ bỏ gia đình cùng tương lai phía trước để vận vào mình 3 tấc áo nâu sồng nơi cửa Phật. Không phải ai cũng ngộ đạo và dám quyết định theo nghiệp tu hành như Đức. Vì chữ duyên mà chọn nghiệp, đó là cái đáng quý của những người trí thức tu hành.
    Theo Hải Đăng - Lao Động
     
    Last edited: 16/4/15

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người