Sáng ngủ dậy, ngồi tịnh tọa, hồi quang phản chiếu, phản tỉnh bản thân Phản tỉnh bản thân chính là tự mình hỏi mình. Dưới đây xin nêu ra 11 điều để bạn tự vấn mình: 1. Thử hỏi xem đối với cha mẹ, anh em, mình đã thực sự làm tròn đức tính “hiếu, đễ” hay chưa? 2. Thử hỏi xem mình có thể thực sự đối đãi với họ hàng, bạn bè một cách thành tâm hay chưa; khi cùng sống, cùng làm việc với nhau, có thể tín nhiệm, không nghi ngờ nhau hay chưa? 3. Thử hỏi xem khi một số tiền lớn bày ra trước mặt mình, mình có thể thực sự “thấy lợi nhớ nghĩa” hay chưa? Nếu lấy có hợp nhân nghĩa hay không? Có thể cự tuyệt tiền do tạo nghiệp mà có hay không? 4. Thử hỏi xem trong bốn oai nghi “đi, đứng, nằm, ngồi”, có bao giờ mình nghĩ đến việc báo đáp ân đức của trời đất, cha mẹ hay không? 5. Thử hỏi xem mỗi ngày từ sáng đến tối, có khoảng thời gian nào mình khởi phát thiện niệm làm lợi ích cho người khác hay không? 6. Thử hỏi xem nếu có một mỹ nhân ở trước mặt, mình có bị mê đắm, lưu luyến, muốn thân mật với người ấy hay không? 7. Thử hỏi xem nhìn thấy người khác danh lợi được như ý, mình có tâm đố kỵ với họ hay không? 8. Thử hỏi xem khi mình ở trong thuận cảnh có thể thực sự khiêm nhường, không ngạo mạn, không xa xỉ hay không? 9. Thử hỏi xem mình có thể không ức hiếp những người thân cô thế cô, nghèo cùng khốn khổ hay chưa? 10. Thử hỏi xem khi đồ ngon vật quý bày ra trên bàn ăn, mình có nghĩ còn bao nhiêu người chịu đói, chịu khát hay chưa? 11. Thử hỏi xem thấy người nghèo đói đến ăn xin mình có thể giúp đỡ người ta mà không mang tâm chán ghét hay chưa? Đây đều là những điều liên quan đến luân lý, đạo đức mà chúng ta gặp phải khi đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày. Lần lượt kiểm điểm từng điều, chúng ta mới biết mình làm vẫn chưa đủ. Khi đó, trong tâm mới phát khởi được sự hổ thẹn, áy náy. Tại sao phải tự vấn? Việc này có ý nghĩa rất sâu sắc. Nhờ tự vấn, chúng ta mới biết hóa ra mình vẫn chưa làm tròn bổn phận và trách nhiệm. Đối với cha mẹ chưa tận hiếu, đối với bạn bè chưa chân thành, nhìn thấy tiền tâm tham liền nổi lên, nhìn thấy sắc tâm dục liền trỗi dậy… Những điều này đều là căn bệnh chung của phàm phu chúng ta. Nhưng bình thường, chúng ta không nhận ra mình đang mắc bệnh. Chỉ có nhờ tu tâm dưỡng tánh, lúc mới ngủ dậy, khi nội tâm còn tương đối yên tịnh, phản chiếu lại mình, mới biết mình làm được còn rất ít. Tại sao phải sinh khởi tâm hổ thẹn? Nếu thực sự có tâm hổ thẹn thì chứng tỏ chúng ta đã có đôi chút tiến bộ. Nếu đầy rẫy thiếu sót, khuyết điểm mà chúng ta vẫn cho rằng mình hoàn hảo, mình là người thiện, mình rất thanh tịnh, mình thế này, mình thế kia… thì thực sự chúng ta đã hết thuốc chữa rồi! Người giảng: Thích Đại An Chùa Hoằng Pháp