Ăn chay là một hình thức tâm linh tôn giáo, đồng thời cũng là một cách thức giữ gìn sức khỏe rất tốt. Hãy cùng tìm hiểu ăn chay theo Phật giáo để biết thêm về nghi thức này. Theo Phật giáo, ăn chay là hình thức dưỡng tâm, dưỡng thân rất có lợi. Dưỡng tâm là nuôi dưỡng lòng từ bi, không sát sinh và tinh thần bình đẳng giữa người với người, giữa người với vật. Dưỡng thân là tốt cho sức khỏe, thanh lọc cơ thể, tránh khỏi bệnh tật. Chữ “chay” nguyên âm là “trai”, theo nghĩa tiếng Phạn là “thanh tịnh”. Ăn chay có hai cách gọi, “thời thực” là ăn bữa trưa vào giờ Ngọ và “phi thực” là ăn bữa trưa sau giờ Ngọ. Ăn chay dùng những chất thanh đạm, không ăn thịt, cá và các thứ có mùi vị nồng thuộc ngũ tân vị (hành, hẹ, tỏi, kiệu, hưng cừ). Chất thanh đạm tránh sát sinh, tránh gây nghiệp ác lại giúp con người buông bỏ tham lam, ham muốn về vật chất mà sinh lòng tranh đoạt. Không dùng những gia vị mùi nồng để tránh tanh hôi, tránh ham muốn nhục dục, giữ cho tâm hồn thanh thản. Thịt cá, gia vị cũng chứa những chất gây hại, tích tụ trong cơ thể, loại bỏ đi thì nhẹ nhàng, sảng khoái. Ăn chay có hai loại: ăn chay trường và ăn chay theo kỳ. Ăn chay trường là suốt đời tự nguyện dùng những chất thanh đạm kể trên. Còn ăn chay theo kì là ăn chay một số ngày trong tháng, trong năm, gồm có Nhị Trai, Tứ Trai, Lục Trai, Thập Trai, Nhất Ngoạt Trai, Tam Ngoạt Trai. Theo đó Nhị Trai là ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày mùng một và rằm. Tứ Trai là ăn chay bốn lần trong tháng, vào ngày mùng một, mùng tám, rằm, hăm ba (hoặc ba mươi, mùng một, mười bốn, hôm rằm). Lục trai là ăn chay trong các ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30. Thập Trai là ăn chay mười ngày trong mỗi tháng. Nhất Ngoạt Trai là ăn chay trong một tháng, vào tháng giêng, tháng bảy, hay tháng mười. Tam Ngoạt Trai là ăn chay liền trong 3 tháng ấy. Thông thường, ăn chay trường dành cho những người tu tập, quy y cửa Phật. Ăn chay theo kỳ dành cho Phật tử, những người tín Phật, tin theo lời Phật dạy. Đây cũng là cách để các Phật tử dần dần làm quen với đồ chay mà bỏ hẳn đồ mặn. Sưu tầm