Bài kinh “Chuyện người gia chủ (tiền thân Gahapati)” trong “Kinh Tiểu bộ”, tập V, HT. Thích Minh Châu dịch, nhà xuất bản TPHCM, PL 2545-2001, từ trang 405. I) Xuất xứ Bài kinh “Chuyện người gia chủ (tiền thân Gahapati)” trong “Kinh Tiểu bộ”, tập V, HT. Thích Minh Châu dịch, nhà xuất bản TPHCM, PL 2545-2001, từ trang 405. II) Dẫn nhập Kinh Phật vốn thường đề cập đến những vấn đề lớn, thuộc vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan…, về vô thường, vô ngã, khổ, không… Nhưng cũng có nhiều bài kinh nói về những khía cạnh của cuộc đời, sự bội bạc, lừa dối, phản trắc trong đời sống vợ chồng, như bài kinh “Chuyện người gia chủ”. Với cặp mắt thường tình, chúng ta có thể thấy trước hết đây là một truyện kể đánh ghen. Nhưng xét kỹ, bài kinh không xuất phát từ tâm ghen tuông thường tình, ích kỷ, mà còn đi vào chiều sâu, với quan điểm của giáo pháp về tà hạnh, về đạo đức, về phản ứng giáo dục. Bài kinh là một bài học về luân lý Phật giáo. III) Mục tiêu của bài viết Giới thiệu quan điểm Phật giáo và cách xử sự theo quan điểm Phật giáo đối với hành vi ngoại tình, lang chạ của người phụ nữ. IV) Toàn văn bài kinh “Chuyện người gia chủ (Tiền thân Gahapati) Cả hai, ta không nhẫn..., Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỷ-kheo thối thất tinh tấn. Trong lúc nói chuyện, bậc Ðạo Sư bảo: - Không bao giờ có thể canh giữ nữ nhân được. Sau khi làm ác, chúng dùng mọi cách lừa dối chồng. Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh ra làm con một người gia chủ ở nước Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình. Người vợ mới cưới theo ác giới, thông gian với một người thôn trưởng. Bồ-tát biết được, tìm cách bắt quả tang. Lúc bấy giờ, tất cả thóc lúa đều bị trôi mất trong mùa mưa, vì thế có nạn đói. Nhưng đó cũng là thời các cây lúa bắt đầu mọc. Tất cả dân làng cùng đi đến vị thôn trưởng và thưa: - Chúng tôi đang đói, hãy cho chúng tôi mượn cái gì để ăn. Hai tháng nữa, khi chúng tôi gặt hái, chúng tôi sẽ trả lúa. Họ nhận được từ tay thôn trưởng một con bò già và ăn thịt con bò ấy. Một hôm người thôn trưởng chờ Bồ-tát đi ra ngoài, liền đi vào nhà. Trong khi chúng đang hưởng hoan lạc với nhau thì Bồ-tát từ cổng làng đi về nhà. Người đàn bà ấy hướng mặt về phía cổng làng, thấy Bồ-tát đi về, liền báo cho thôn trưởng biết. Thôn trưởng hoảng hốt run sợ. Nữ nhân ấy nói: - Chớ sợ, em đã có cách và bày mưu. Hãy làm như ông đang đến đòi tiền thịt. Em sẽ leo lên vựa lúa đứng trước cửa và nói: Không có lúa! Còn ông đứng giữa nhà đòi nằng nặc: Nhà chúng tôi có trẻ con. Hãy trả tiền thịt đây! Nói vậy xong, nữ nhân ấy leo lên vựa lúa, ngồi trước cửa vựa lúa. Người kia đứng giữa nhà và la to: - Hãy trả tiền thịt đi! Nữ nhân ấy nói: - Trong vựa không có lúa. Khi nào gặt lúa, tôi sẽ trả. Hãy đi đi! Khi vào nhà, Bồ-tát thấy chúng làm như vậy, liền suy nghĩ: "Ðây là mưu mô do ác nữ nhân này bày ra", liền gọi người thôn trưởng và nói: - Này ông thôn trưởng, chúng tôi ăn thịt con bò già của ông, có hứa đến hai tháng nữa chúng tôi mới trả lúa. Nửa tháng chưa qua, sao nay ông lại đến đòi? Ông đến đây phải vì lý do khác. Tôi không ưa hành động của ông làm. Nữ nhân vô hạnh ác giới này biết rằng trong vựa không có lúa, nay lại leo lên vựa lúa và nói to: Không có lúa! Còn ông lại bảo: Hãy đưa đây! Ta không ưa hành động của hai người! Ðể nêu rõ ý nghĩa này, Bồ-tát đọc những bài kệ: Cả hai, ta không nhẫn, Cả hai, ta không ưa. Nữ nhân này leo lên Ðứng một bên vựa lúa, Lại nói lớn lên rằng: Tôi không thể trả được! Nghe đây, ông thôn trưởng, Ta sống cực khổ thay, Mượn con bò già, gầy, Sau hai tháng mới trả, Thời chưa đến, đòi nợ, Ta không thích chuyện đó! Nói vậy xong, Bồ-tát nằm lấy cái búi tóc người thôn trưởng, kéo ra sân quăng gã xuống và nói: - Mày là thôn trưởng lại vi phạm của cải trong nhà người khác! Bồ-tát nói lên những lời mỉa mai, đánh gã cho đến kiệt sức, nắm cổ gã và tống ra ngoài nhà. Còn nữ nhân ác hạnh kia, Bồ-tát nắm lấy tóc, lôi nó từ vựa lúa xuống, đánh ngã nhào và dọa: - Nếu ngươi còn làm như vậy nữa, ngươi sẽ biết tay ta! Từ đấy trở đi tên thôn trưởng không dám nhìn ngôi nhà ấy nữa, còn người vợ không dám phạm tội, cho đến ý nghĩ cũng không! * Sau khi nói lên Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo thối thất đắc quả Dự-lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, người gia chủ trừng phạt tên thôn trưởng là Ta vậy.” V) Phân tích sơ lược Đây là một câu truyện kể về trường hợp ngoại tình, nhưng có nhiều gút mắc. Trong đó, người đàn bà ngoại tình lập mưu đánh lừa chồng của mình. Trong bài kinh, đức Bồ tát là người chồng bị lừa dối. Phán đoán và phản ứng của Đức Bồ tát có thể coi là trong quan điểm và trong giới hạn của đạo Phật. Một hình mẫu trong những trường hợp như thế, qua nhân vật Đức Bồ tát, không phải là người quá hiền từ đến mức ngây thơ, ngu ngơ, nói gì tin đó, mà là người có trí, biết phân tích sự việc, có phản ứng cứng rắn, nhằm mục tiêu giáo dục người vợ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, ngăn chận bàn tay kẻ xấu ác từ bên ngoài. Trong truyện kể, Bồ tát có dùng đến bạo lực, đánh gã chim chuột lẫn người vợ trắc nết. Bài kinh khẳng định hiệu quả tác động tích cực của hành động cứng rắn đó. “Từ đấy trở đi tên thôn trưởng không dám nhìn ngôi nhà ấy nữa, còn người vợ không dám phạm tội, cho đến ý nghĩ cũng không”. Bài kinh gợi ý cho chúng ta về hành động cứng rắn để giữ gìn đạo lý, lẽ phải. Đó là việc làm có thể chấp nhận trong đạo Phật. Không phải đạo Phật chủ trương ai nói gì tin đó, không suy xét phán đoán, nhẫn nhịn, trước cái sai, cái ác, bỏ qua tội lỗi. Cái sai, cái ác phải được ngăn chặn, trừng phạt. Đạo Phật chủ trương như vậy. VI) Ứng dụng trong đời sống Suy nghĩ và hành động của Đức Bồ tát trong bài kinh là một hình mẫu để chúng ta ứng dụng trong đời sống. Việc giữ gìn chính hạnh giới không tà dâm cần phải đi đôi với việc ngăn chặn tà hành, chống lại sự thông gian, phản trắc. Bài kinh tụng là một câu chuyện đánh ghen, nhưng không kích thích sự nổi giận mù quáng, mà nhấn mạnh đến hiệu quả của việc răn đe, ngăn chận, vốn rất cần trong cuộc sống. Minh Thạnh