Cách TP.HCM 50km (tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) có một ngôi chùa được người dân nơi đây gọi với cái tên rất chân quê: “chùa Tổ Đỉa”. Đây là nơi lưu truyền câu chuyện ly kỳ về một vị sư có đạo hiệu Thích Thiện Hiếu đã đem thân mình cho đỉa hút máu, giúp người dân địa phương yên tâm trên bước đường lập nghiệp. Đại hùng bửu điện chùa Hưng Long ngày nay - Ảnh: H.Vân Ngôi cổ tự thuộc ấp 4, xã Tân Định được hình thành và xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII (năm 1768). Ngôi chùa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đối với người dân địa phương mà còn là nơi nhà sư Thích Thiện Hiếu đã bố thí thân tứ đại cho đỉa hút máu, giúp người dân nơi đây yên tâm sinh sống, khai khẩn đất hoang. Theo người dân bản địa kể lại, sư thầy Thích Thiện Hiếu xuất gia tu học tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) - ngài khai sơn chùa Linh Sơn ở tỉnh Tây Ninh rồi đi tứ xứ truyền đạo. Sau đó, thầy về lại vùng đất Thới Hòa, huyện Bến Cát; tại đây, dưới gốc cây trâm, ngài đã lập một am nhỏ tu hành. Cảnh vật ở đây yên tĩnh, rất thích hợp cho việc tu học, trước am nhỏ là một đầm lầy, người dân không dám làm ăn sinh sống vì có rất nhiều đỉa, trâu bò không dám xuống đầm vì sợ đỉa cắn. Nghĩ nhà sư có thể giúp, người dân khẩn thiết mong thầy giúp đỡ. Trước hoàn cảnh khó khăn của người dân - chỉ vì con đỉa mà không làm ăn gì được nên nhà sư Thiện Hiếu đã hứa sẽ dùng thân mình cho đỉa hút máu, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân. Sau khi phát nguyện, sư thầy Thiện Hiếu đã ngồi tĩnh tâm trước đầm, có hàng nghìn con đỉa đã vây lại cắn, hút máu thầy nhưng sư thầy vẫn ngồi im cho tới khi viên tịch. Điều kỳ lạ từ ngày đó không còn đỉa xuất hiện nữa. Để tỏ lòng biết ơn sư thầy Thiện Hiếu người dân đã góp tiền xây cất ngôi chùa với tên gọi Long Hưng hay còn gọi là chùa Tổ Đỉa. Tháp lưu nhục thân Tổ khai sơn chùa Tổ Đỉa Ngôi chùa là nơi linh thiêng được người dân địa phương và vùng lân cận truyền nhau về sự tích tổ đỉa dù chưa biết thực hư của câu chuyện như thế nào. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp Mỹ cứu nước, ngôi cổ tự cũng là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Ngôi chùa bị giặc đánh bom và sau đó được người dân địa phương chung tay góp sức trùng tu; đến nay ngôi chùa rất khang trang. Đến năm 2001 ngôi chùa đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh. Chùa Long Hưng đón rất nhiều du khách thập phương đến lễ bái, cầu nguyện thành kính, thắp hương tri ân vị Tổ khai sơn - sư thầy Thích Thiện Hiếu đã tạo cuộc sống thanh bình cho người dân nhờ hạnh Bồ-tát của mình. Theo Hà Vân