Lễ hội đầu năm cũng là dịp các thầy hành nghề bói dạo vào mùa... làm ăn. Địa bàn xuất hiện của các thầy bói dạo chủ yếu vẫn là các lễ hội, điểm di tích - nơi tập trung đông người qua lại. Dù kiếm lời hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày, song nghề bói toán cũng gây ra không ít chuyện dở khóc, dở cười cho cả người bói và người coi bói. Bói tay là hình thức xem số phổ biến được nhiều thầy bói sử dụng để hành nghề. Bói dạo “dàn trận”, bủa vây di tích Đánh trúng vào tâm lý tò mò, muốn đoán vận đầu năm, các thầy bói dạo đã tung nhiều chiêu để thu hút khách. Tại một số lễ hội, di tích như chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), dọc hành lang dẫn vào di tích, các thầy bói ngồi la liệt với nhiều chiêu trò để hút khách như: Bói sai, đền tiền gấp đôi; bói có bảo hành... Tại đền Đa Hòa (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), trên mỗi manh chiếc nhỏ trải trước điện thờ có 3 - 5 người hành nghề xóc thẻ, giải tử vi. Số tiền phải trả cho mỗi lần xóc thẻ là tùy tâm, tuy nhiên, số tiền để nhận được thẻ và đọc thẻ là trên dưới 20.000 đồng/lượt. Sau quy trình rút thẻ (do cụ từ trông đền thực hiện), chúng tôi được chỉ dẫn sang nhận thẻ ở phòng kế bên. Tại đây, một thầy đầu đội khăn xếp miệng liến thoắng hướng dẫn giải nội dung lá thẻ cho khách. Chờ đến lượt, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi với vị khách nào, ông thầy này cũng lặp đi lặp lại đôi ba câu: “Vận tốt, làm ăn phát đạt, xuất hành thông” hoặc “năm nay trắc trở, đi đứng dễ gặp việc chẳng lành...” và tựu chung là “cần phải làm lễ giải hạn”. Nói rồi, “thầy” cũng nhắc khéo: “Tôi không cúng, nhưng có quen biết một số thầy cúng cao tay lắm”. Chẳng biết lời giải của thầy tốt xấu ra sao, chỉ thấy khách chen vào rồi lại đi ra, người hỉ hả, kẻ cau mày, âu sầu. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, chục người vào xóc thẻ, “thầy” đã bỏ túi gần 300.000 đồng. “Nói là tùy tâm, chứ thực tình có ai dám để thầy phán suông. Ít thì đôi chục, nhiều thì tiền trăm biếu thầy đấy”, cô Nguyễn Thị Mai (trú tại xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) - một người đến rút thẻ - cho biết. Dọc theo lối dẫn vào các điểm di tích, lễ hội, không khó để bắt gặp các “thầy" hành nghề bói giăng khắp trong, ngoài di tích. Tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), những ngày này hiện có không dưới hai chục thầy tướng số, thầy bói các loại tụ tập hành nghề. Chỉ tính đoạn đường dẫn lên bảo tháp và tượng phật, các thầy bói cũng xuất hiện la liệt hai bên đường, với đủ các hình thức như: Bói tay, xem tướng, thậm chí là... bói chân, bói mặt. “Mỗi người có biệt tài riêng, đó là nhãn quan chỉ những người trong nghề mới có, chứ không phải ai cũng làm được”, một thầy bói tên Lương cho chúng tôi biết. Tò mò về chiêu bói lạ, một cô bạn đi cùng ngỏ ý muốn bói mặt để kiểm nghiệm đúng sai. Nhận 50.000 đồng từ phía cô bạn, ông thầy này liền phán thao thao bất tuyệt. Được một hồi, đám bạn không khỏi phì cười khi ông thầy mạnh miệng phán cô bạn, với dáng người mập mạp, đã có chồng và chuẩn bị sinh con. Còn cô bạn được phen đỏ mặt và muốn cười ngất. “Mình nghe mà cứ bấm bụng cười, nào mình đã yêu đương gì đâu mà bảo người ta đã có chồng và sắp sinh con”, cô bạn cho biết. Đáng lưu ý, thời buổi công nghệ thông tin, các thầy bói cũng năng động áp dụng những tiến bộ này vào việc hành nghề. Bên cạnh những “thầy bà” đi bói dạo, còn xuất hiện những thầy bói mang vỏ bọc trí thức, hoặc những thầy bói dưới danh nghĩa nhà nghiên cứu về tâm linh với ý đồ chiếm sự tin tưởng của cả những người có học thức. Họ đắt khách không chỉ dịp đầu năm mà hoạt động suốt năm. Người muốn coi bói phải gọi điện đăng ký lịch hẹn. Theo lời giới thiệu của một nữ thầy bói tên Nguyễn Thị Hạnh - đang hành nghề tại khu di tích chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), lần đầu tiên, nhiều người được biết đến “công nghệ bói” mà bà “thầy” sành điệu này sử dụng. “Chúng tôi đã nghiên cứu và sử dụng cả thành tựu khoa học, thiên văn, tướng số kết hợp để đoán mệnh, chứ không chỉ là dựa vào sách kinh dịch, các thuyết về ngũ hành thời xưa nên độ chính xác rất cao”. Vừa nói, vị thầy bói vừa lướt nhanh chiếc iPad cho chúng tôi xem qua một số trang bói quảng cáo là “bà góp công, góp sức gây dựng”. Tuy nhiên, lấy lý do đây là hình thức bói mới, chưa được đông người biết đến nên bà Hạnh cho hay, chỉ áp dụng bói tại nhà riêng. “Ai có nhu cầu tôi mới bói, còn không thì cứ liên hệ qua điện thoại làm việc cho tiện”, vị bói nữ nói thêm. Xin bồi thường để... tiếp tục hành nghề Tò mò tìm đến thầy bói, không ít người đã mất tiền oan mà còn mua lo vào thân, bởi những lời thầy phán đều động chạm tới cuộc sống của họ, “lời thầy nói đúng với hoàn cảnh” đang trải. Cũng giống như bao nhiêu người khác, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (trú tại xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) vô tình nghe được lời truyền tai về tài phán của “thánh” Vọng (tên thật là Lê Thanh Vọng, trú tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên), đã hăm hở cùng một số chị em khăn gói tìm thầy nhờ xem vận đầu năm mới. Tuy nhiên, khi chị vừa đặt lễ liền bị thầy “gieo”: “Gia đình gia chủ năm nay sẽ gặp nhiều tai ương. Không trình đền là không xong đâu, vong mạng như chơi”. Vừa nghe đến đó, chị Hạnh ngồi sụp xuống ghế, gương mặt thất thần. Thấy vậy, thầy liền trấn an và nói sẽ hẹn gặp chị sau để sắp lễ, thầy sẽ giải giúp. Thấy vẻ mặt lo lắng của chị, một số người dân trong làng liền can chị đừng tin, vì thầy bói Vọng chỉ phán xằng và “thầy” từng phải đi tù về tội “hành nghề mê tín dị đoan”, lợi dụng tín ngường để trục lợi (Báo Lao Động & Đời sống từng có loạt bài phản ánh, vạch trần trò lừa đảo của “thánh” Vọng). Chỉ đến khi xem nội dung các bài báo viết về hành vi lừa đảo của ông Lê Thanh Vọng, chị Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm vì trút bỏ được tâm lý nặng nề, hoang mang. “Nghe đồn thầy tài, ai ngờ lại là lừa đảo, cũng may là mình được thức tỉnh sớm, chứ không thì hậu quả không biết thế nào”, chị Hạnh tâm sự. Trong chuyến viếng thăm chùa Phật Tích mới đây, tình cờ, chúng tôi gặp lại một người quen, vốn là một thầy xem số có tiếng ở quê nhà. Những tình tiết nực cười khi thầy bói đóng vai người đi xem bói khiến câu chuyện càng trở nên thú vị, sự “đụng hàng” ngẫu hứng là câu trả lời xác thực cho những lời phán xằng, lợi dụng tâm lý nhẹ dạ của người dân để kiếm tiền bất chính. Sau đôi câu chuyện, chúng tôi đã lôi kéo anh Nguyễn Văn Quý - người đồng hương và cũng là một thầy bói - vào xem bói tại một sạp hàng gần chùa. Theo lời đề nghị, anh Quý đã im lặng, mặc cho gã thầy bói cầm tay chỉ chỏ và phán rằng: Anh từng có một đời vợ, nhưng không có con, gia đình có 5 anh, chị em... Quá bức xúc, anh Quý đã không kiềm chế nổi và mắng xa xả vào mặt vị thầy bói dạo này, bởi những thông tin thầy phán hoàn toàn trật lất. Ai nấy đều mặt đỏ tía tai, người phán thì ngượng nghịu, còn khách hàng thì giận sôi tiết. Khi anh Quý dọa sẽ báo bảo vệ về hành vi bói toán mê tín dị đoan, lừa đảo, vị thầy bói liền xin xỏ và mong được... bồi thường cho yên chuyện. “Bói toán thì cũng phải có tâm, có cơ sở chứ, đằng này giơ cái tay người ta lên và phán xằng bậy rồi thu tiền”, anh Qúy cho hay. Rõ ràng, việc xem bói, hành nghề mê tín dị đoan của một số đối tượng đã gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Hệ lụy của việc làm này khiến không ít gia đình bỏ bê công việc, tốn kém tiền của, công sức để mua lo âu vào người. Đặc biệt, một số người nghèo, vì quá mê tín, sau khi nghe thầy bói nói dọa (cốt để moi tiền) đã phải chạy vạy vay nợ, tốn kém bạc triệu để sắp lễ giải hạn, khiến cảnh nghèo lại càng thêm túng quẫn. Có trường hợp hoang mang lo sợ đến phát bệnh tâm thần, phải đi điều trị bệnh viện dài ngày, thậm chí có người quá tiêu cực nghĩ quẩn dẫn đến vợ chồng lục đục, tan cửa nát nhà... Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần chấn chỉnh việc lợi dụng mê tín, dị đoan hành nghề bói toán, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Theo quy định tại Điều 247 Bộ Luật Hình sự năm 1999, người hành nghề mê tín, dị đoan xác định là một tội phạm: Dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.