Gặp những điều không may mắn, tai ương, vận đen kéo đến nhiều người thường than “gặp nghiệp chướng”. Dân gian đúc kết, nghiệp chướng như người có lỗi, tích tụ từ nhiều năm, nhiều đời, mà khi có lỗi phải xin lỗi, phải sống tốt, thực sự thành tâm hối cải. Cũng có không ít gia chủ, nghĩ mình gặp “nghiệp chướng” đã tìm mọi cách để hóa giải, cả núi tiền đổ vào lễ lạt, tìm thầy cao tay để mong thoát khỏi vận hạn. Trong khi “nghiệp” vẫn treo lơ lửng… Trong dân gian khi bất kỳ ai đó gặp điều không may mắn từ khi mới sinh ra hay trong cuộc sống thường nhật đều buông sẵn câu than thở: “kiếp trước… làm gì nên tội để bây giờ gặp nghiệp chướng thế này”. Tôi đã nhiều lần nghe như vậy nên cũng thắc mắc muốn tìm hiểu nghiệp chướng là gì? Tu tại tâm là hình thức được nhiều người lựa chọn. Ảnh minh họa. “Nghiệp chướng” qua góc nhìn của nhà tâm linh học Tìm đến những nhà nghiên cứu tâm linh, thiếu tướng, nhà văn Chu Phác nói với tôi ngắn gọn, dễ hiểu: “Nghiệp chướng thường được tích tụ lâu, thậm chí từ kiếp trước (với những người tin có tiền kiếp, có kiếp sau gọi chung là luân hồi chuyển kiếp-PV); cũng có khi nghiệp chướng được dựng lên ngay trong cuộc sống hiện tại, những người trong gia đình gây ra và báo ứng vào con cái, anh em, người thân của họ. Vì thế dân gian vẫn nói: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. “Nghiệp” đơn giản là người sống mắc lỗi và tai ương được trả cho người khác với mức độ nặng nhẹ khác nhau”. Với những người theo đạo Phật thì nghiệp chướng có gì đó gần với thuyết nhân quả, “gieo nhân nào nhận quả ấy”. Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của một số chuyên gia nghiên cứu tâm linh thì nghiệp chướng còn nặng nề hơn nhân- quả, bởi nó không chỉ trả cho một người mà nó trả cho nhiều người, kéo dài cho nhiều đời kế tiếp. Điều không nên Những điều không may mắn xảy đến, nhiều người không biết nguyên nhân từ đâu, không ít người hoang mang tìm đến những thầy bói, những cô đồng để tìm lý do của tiền kiếp. Nhiều người quá tin thầy, mang rất nhiều tiền trao cho thầy làm đại lễ giải hạn, cúng tế triền miên mong hóa giải nghiệp chướng. Nhưng tai ương vẫn cứ sầm sập kéo đến bất chấp việc cúng lễ có thành tâm đến đâu. Thậm chí, nhiều người cứ tin rằng, những thầy bói, hay “thầy phù thủy” cao tay có thể hóa giải được nghiệp chướng. Có những người thì tìm đến cửa Phật, mong sự ăn năn sẽ tạo điều tốt đẹp giảm đi tai ương. Tôi chưa biết thực hư những câu chuyện nghiệp chướng như thế nào. Nhưng qua những nhà ngoại cảm, những người mà chúng ta vẫn bán tín bán nghi rằng: Họ gặp gỡ nói chuyện được với người đã khuất thì nghiệp chướng quả là đáng sợ. Nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Sinh (Hải Dương) kể câu chuyện về bà Nguyễn Thị Mùi (Hoành Bồ- Quảng Ninh) có con bị kết án tử hình đã thi hành án, nấm mồ con đã được chôn cất trong Khe Luồn nhưng vẫn một mực đội đơn đi kêu oan cho con. Bà cứ tin con bị oan là do điềm mộng báo về. Cứ theo mộng mị, người đàn bà mất con ấy từ Quảng Ninh lần tìm đến Hải Dương “áp vong”. Trong lần nghe “cô đồng” nói con bà chết vì nghiệp chướng từ người cha “trả” về cho con. (Ông chồng bà Mùi trước đây đã từng ăn trộm tượng phật ở chùa). Trước những lời nói “như đúng rồi” ấy, tôi gặp bà Mùi tìm hiểu thêm, bà kể lại: “Năm ấy, tôi sinh thằng con trai (đã qua đời ấy), khi cháu còn bế ngửa thì có chuyện ông chồng tôi ăn trộm tượng Phật. Ngày ấy, ông ta là kẻ nát rượu, vũ phu. Một lần ra chùa, ma xui, quỷ khiến thế nào, ông ấy lấy luôn pho tượng di-lặc về nhà, giấu trong bồ thóc. Khi ấy, đặt con ngủ, tôi ra lấy thóc đi xay, vừa mở cái nón ra thấy ngay ông tượng mở đôi mắt trừng trừng nhìn. Tôi sợ quá ngất lịm đi, trước đó tôi còn nghe thấy tiếng thằng con trai khóc hét lên. Chuyện trộm tượng Phật là có thật, nhưng tôi không ngờ rằng nghiệp chướng của cha lại báo oán về con trai tôi nặng như thế”. Về sau, đem chuyện này kể lại với nhiều nhà ngoại cảm, tôi được nghe phán “tội lấy trộm, phá hủy tượng phật thì nghiệp nặng lắm”. Cũng qua những người nghiên cứu tâm linh, tôi được nghe nhiều chuyện khó tin nhưng nhiều người vẫn cho là có thật. Chị Thái Vân (cộng tác viên của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) kể lại cho tôi câu chuyện về một gia đình ở Thái Bình. Gia đình này có 5 người con trai, cụ nội họ do mâu thuẫn chẳng may đánh chết con trai độc nhất của nhà hàng xóm. “Oan oan tương báo” của hai nhà mãi ba đời sau mới nguôi ngoai, nhưng cũng lúc ấy tai họa liên tục đổ lên đầu nhà có 5 suất đinh. Đầu tiên ông bố gặp tai nạn qua đời, rồi thầy phán trùng tang. Sau thời gian ngắn cậu con trai chết bất đắc kỳ tử vì cảm nắng. Đi xem bói thầy phán nhà có trùng tang nếu không trấn yểm, lễ lạt tùng sẽ bắt hết trai đinh. Còn ông Chu Phác thì nhìn nhận: “Đó là nghiệp tích tụ từ kiếp trước đòi trả”. Cách hóa giải hiệu quả nhất là hối cải và sống tốt Một bậc Tôn sư của đạo Phật trong bài thuyết pháp đã cho rằng: “Thể xác thân: Biểu hiện bằng hành động. Thể cảm thọ hay thể vía : Biểu hiện bằng tình cảm. Thể trí: Biểu hiện bằng tư tưởng. Tam thể này thường xuyên gây chướng nghiệp, vì thế mà con người cứ mãi trôi lăn trong lục đạo luân hồi . Đối với một linh hồn trải qua vô số kiếp tiến hóa nơi cõi trần gian này đã tạo ra biết bao nghiệp chướng . Đến khi phát tâm ăn chay, tập làm điều thiện, cải sửa tâm tư, tu hành từ bực hạ thừa tiến dần qua thượng thừa, thọ pháp thiền định. Nhưng vì nghiệp chướng đã gieo tạo từ vô số kiếp đã kết thành trược khối nặng nề, luôn ám ảnh, thế nên không thể tu hành trong đôi ba năm mà có thể hoàn toàn hóa giải hết được”. Nhiều người tin rằng, muốn hóa giải nghiệp chướng chỉ còn cách ăn chay, niệm Phật một cách thành tâm. Nhưng một số người mê muội cho rằng cứ sám hối thật nhiều thì nghiệp chướng sẽ tiêu tan nên chẳng màng xác thân hao mòn ngày đêm tụng niệm mà nghiệp chướng vẫn còn nguyên. Lý giải điều này, các bậc cao tu, pháp sư Tịnh Không (Tạp chí Phật học) cho rằng: Bởi vì nghiệp chướng của người này quá nhiều. Do đó công đức niệm Phật của một ngày đêm dù là giúp họ tiêu trừ đi rất nhiều mà vẫn chưa dứt sạch. Cho nên cần phải mỗi ngày đến niệm Phật, mỗi ngày giảm bớt thêm nghiệp chướng. Phật dạy chúng ta rằng: năng lực quan trọng nhất để giải trừ nghiệp chướng trong lúc niệm Phật là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Với ba yếu tố này năng lực của không xen tạp mạnh nhất, nếu quý vị giữ được liên tục không gián đoạn trong ba năm, cho dù nghiệp chướng sâu dày bao nhiêu của vô lượng kiếp đều có thể giải trừ hết. Nhìn nhận thực tế này, nhà xã hội học, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng: Người ta không muốn nói về những chuyện đời phức tạp nên họ đã kiếm tìm vào sự huyền bí. Người dân đến và tin sự huyền bí là đã chối bỏ thực tại. Họ đặt niềm tin ở những chỗ khác siêu thoát hơn, thanh thản hơn, thậm chí nó cũng cao thượng hơn. Có những chuyện các nhà khoa học đến cắt nghĩa lại gặp khó khăn nhất định nhưng không phải không cắt nghĩa được. Vấn đề này, nhìn theo góc độ tâm lý – xã hội học thì chúng ta đang ở trong thế giới đa cực, mong muốn rất nhiều do người ta muốn thay đổi. Khi chưa thay đổi được thì họ tìm vào tất cả những chuyện kỳ vĩ để hướng suy nghĩ, tâm tư vào đó. TS Trịnh Hòa Bình. Người đang bỏ nhiều tâm sức nghiên cứu về nghiệp chướng, Thiếu tướng, Nhà văn Chu Phác khẳng định: “Hóa giải nghiệp chướng không hề đơn giản, nhiều người mất cả núi tiền cũng không được. Điều này cũng giống như người có lỗi, khi xin lỗi tùy từng lỗi họ được tha thứ ngay, nhưng có lỗi không thể tha thứ. Muốn chuộc lỗi ấy người ta phải tu nhân, tích đức làm nhiều việc tốt bù trì cho người khác để được thanh thản trong tâm. Đấy là một cách để hóa giải nghiệp chướng”. Hướng thiện giúp con người ta cư xử có tình người hơn “Dù con người ta gặp điều không may, dù hóa giải được hay không, nhưng họ tin vào Phật, vào sự siêu nhiên đó cũng là một cách giải thoát. Có một điều, nếu có nhiều người tin theo Phật, làm theo lời Phật dạy, họ sẽ không dám làm điều ác. Điều này, xét về mặt xã hội là tốt bởi con người sẽ hành xử với nhau có tình người hơn, chứ không mang tính cơ học như con người trần tục của xã hội hiện đại” (Nhà xã hội học,TS Trịnh Hòa Bình) Sưu tầm