Đang là tiểu thương giàu có, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sỉ đột ngột ngộ đạo và quy y cửa phật. Họ cùng từ bỏ cuộc sống phú quý, sửa sang tư gia trở thành nơi thờ Phật. Để tạo điều kiện cho vợ an tâm theo nghiệp tu hành, ông Sỉ đã làm đơn ly hôn với mong muốn vợ mình rủ bỏ đời trần. Hiện vợ chồng ông, người là sư cô, người là cư sĩ tại tịnh xá Ngọc Tuyết (trên đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP.HCM). Nữ đại gia đột ngột quy y cửa phật Tịnh xá Ngọc Tuyết còn được gọi với cái tên gần gũi là chùa bà Tuyết hay chùa của hai vợ chồng tiểu thương. Tỳ kheo Thích nữ Liên Tuyết, trụ trì tịnh xá cho biết nơi đây vốn là căn nhà khang trang của gia đình mình. Từ năm 2000 bà quyết định dọn bỏ tất cả đồ đạc trong nhà, sửa sang thành tịnh xá. Cũng từ đó người dân trong vùng quen gọi nhà bằng tên mới: Chùa bà Tuyết. Hồi ức quá khứ, sư nữ Liên Tuyết trầm giọng cho biết mình tên thật là Đoàn Thị Ngọc Sương (67 tuổi). Bà trước đây chuyên kinh doanh mặt hàng văn phòng phẩm và cho thuê xe du lịch. Ở địa phương gia đình bà Sương được đánh giá thuộc hàng đại gia, thời điểm cách đây 20 năm gia đình đã có đến hai chiếc ô tô, nhà cao tầng. Đúng lúc thời vận đang ăn nên làm ra, mỗi ngày lãi đến 5-7 triệu đồng nhưng bà Sương bất ngờ dừng hẳn mọi công việc để xuống tóc đi tu. Bà bộc bạch từ nhỏ đã nuôi ý nguyện xuất gia nhưng chưa thành, đến năm 40 tuổi căn duyên giữa mình với cửa Phật mới “chín”: “Tôi xuất gia tại tổ đình Ngọc Phương ở quận Gò Vấp, được sư phụ đặt cho pháp danh là Liên Tuyết”. Cũng theo lời bà, trước khi giác ngộ đạo Phật, bà đang kinh doanh văn phòng phẩm ở Quận 1. Trong số những khách hàng, bà chủ thường xuyên tiếp xúc với các nhà sư nữ. Sau những cuộc chuyện trò ngắn ở quầy, bà Sương cùng chồng thi thoảng lại lên chùa dâng hương. Sư cô Thích nữ Liên Tuyết “Tôi rất hứng thú nghe kinh Phật, nhiều hôm đứng nghe chăm chú đến nỗi quên cả việc bán buôn”, bà nhớ lại. Tuy nhiên cơ duyên trực tiếp đưa mình vào con đường Phật pháp như lời bà bộc bạch là những giấc chiêm bao mà bà tin rằng đức Phật hiển linh. Lạ lùng hơn, từ chỗ con người tính toán thiệt hơn trong buôn bán, bà Sương đột ngột gọi chồng con lại bàn giao mọi công việc và trình bày ý nguyện đi tu. Thời điểm xuất gia, con gái út bà Sương chỉ mới học lớp 3. Hai con gái lớn của bà khóc mếu vì thương mẹ, phần không hiểu tại sao gia đình đang êm ấm bà lại đột ngột vứt bỏ tất cả. Nhà tu hành thổ lộ dù thương chồng con thật sự nhưng tình cảm riêng không đủ níu kéo bà ở lại chốn trần tục. Quyết là làm, bà từ giã chồng con lên tổ đình Ngọc Phương xin xuống tóc. Kể lại những “điềm lạ” cho rằng bản thân mình có mối lương duyên với Phật pháp, sư cô cho hay nhiều đêm đang ngủ cùng chồng bỗng dưng ngồi dậy đọc kinh thuộc vanh vách. Ngay người nhà còn nghi ngờ, dắt bà đến bệnh viện kiểm tra thần kinh nhưng bác sĩ cho biết không hề mắc bệnh tật gì: “Một số bạn bè thấy tôi bỏ ngang công việc cũng chửi mắng thậm tệ. Họ đề nghị sang nhượng quầy tạp hoá sẽ chi tiền lãi nhưng đã đi tu, thử hỏi bon chen để làm gì”. Đó cũng là lí do vì sao vị sư nữ cương quyết bán luôn hai chiếc xe du lịch, lấy tiền cúng dường. Đang tận hưởng cuộc sống giàu sang, đột ngột hay tin bà Sương đi tu, ai nấy đều bất ngờ. Nhiều hàng xóm không tin, cho rằng bà buôn bán đổ bể nên vào chùa trốn nợ. Họ thuê hẳn cả xe lên tận chùa tìm hiểu thực hư. Mãi đến lúc tận mắt chứng kiến cảnh bà nằm giường tre, ăn chay mọi người mới hết lời nể phục. Cư sĩ Nguyễn Thanh Sỉ xin làm đệ tử của vợ cũ Bà thừa nhận thời gian mới vào chùa, cuộc sống thay đổi chóng vánh nhưng cố gắng vượt qua. Đó là chưa kể đến những “bài kiểm tra” thực tế nhà chùa đưa ra để thử thách liệu đã một lòng hướng Phật hay chưa. Bộc bạch ý nguyện xuất gia, bà mỉm cười giải thích vắn tắt muốn gửi thân chốn thanh tịnh, từ bỏ cuộc sống bươn chải, một số người dối trá, lừa lọc “buôn chín bán mười”. “Trước khi xuất gia tôi đã thường xuyên đến chùa, về sau liên tục nằm mộng lạ nên quyết sẽ đi tu bởi căn duyên đã tới. Tôi cũng mong muốn bản thân mình xuất gia sẽ tạo phúc đức cho chồng và các con sau này”, bà bày tỏ. Chồng dắt vợ lên toà án xin ly hôn để cùng đi tu Ngày ngày quét dọn tịnh xá Ngọc Tuyết là một người đàn ông ngoài tuổi 60, ông là cư sĩ Nguyễn Thanh Sỉ, chồng trước đây của sư trụ trì Liên Tuyết. Nếu không phải phật tử thường xuyên hay người địa phương, hiếm ai biết được mối quan hệ quá khứ giữa họ. Họ cũng không ngần ngại giấu diếm quá khứ bởi như lời bà: “Có quá khứ mới có tương lai, bản thân chúng tôi ngày trước là vợ chồng nhưng bây giờ cùng chung kẻ tu hành. Ông ấy tình nguyện ở lại chùa nhang khói, quét dọn chùa đợi đến lúc chín duyên sẽ quy y”. Cùng chung tâm nguyện với vợ cũ, cư sĩ Thiện Từ (pháp danh của ông Sỉ) kể lại buổi tối trước lúc vợ lên chùa, ông và các con ngậm ngùi nước mắt. Thế nhưng biết tính vợ, ông không ngăn cản mà tự hứa với người bạn đời sẽ nuôi dưỡng cô con gái út thật chu đáo. Để vợ không vướng bận chuyện đời tư, chính hai người lên toà án giải quyết thủ tục ly hôn. “Lúc đầu người ta cứ nghĩ giữa chúng tôi có tranh chấp tài sản nên ly hôn để chia nhau. Thế nhưng khi biết rõ mọi chuyện, vị chánh án tạo điều kiện hết sức thuận lợi”, ông nói. Ni sư cùng các đệ tử trong tịnh xá Vị cư sĩ lần nữa khẳng định việc vợ cũ đi tu hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tâm chứ không phải vì bất cứ nguyên cớ nào. Vợ chồng ông lúc đó đang sống cảnh giàu sang, con cái đề huề là niềm mơ ước của rất nhiều gia đình khác. Sau thời gian xuất gia hành đạo, sư Liên Tuyết được sư phụ cho phép về thành lập tịnh xá tại tư gia theo ý nguyện, ông Sỉ vì mộ Phật pháp mà tình nguyện xin theo tu. “Ngày trước là vợ chồng nhưng hiện nay tôi là đệ tử của sư cô. Thú thực lúc mới thay đổi cách xưng hô thấy ngượng nhưng rồi thành quen. Đã lâu rồi chúng tôi chỉ xem nhau là bạn tu”, ông bộc bạch. Năm 2000, khi về thành lập tịnh xá tại nhà riêng, họ chịu không ít điều tiếng thế gian, như “xây chùa nhằm chiếm lợi tiền cúng dường của phật tử”. Chỉ riêng việc cặp vợ chồng đã ly hôn này tu chung nhà cũng từng là đều tài “nóng” ở địa phương. “Người ta dè bỉu ghê lắm, nào là vợ chồng sống chung thì tu sao đặng. Có người lại phao tin vỡ nợ bán hết tài sản, quẫn trí nên đi tu. Bây giờ thì ai nấy đều biết rõ tấm lòng”, một người dân xác nhận. Với sư sư Tuyết, bà tâm niệm đã xuất gia hành đạo, chuyện gánh chịu điều tiếng là tất nhiên. Miễn sao thành tâm ắt có ngày sự thật tự sáng tỏ. Cũng như bà và đệ tử Thiện Từ giờ đây, những ai hiểu rõ hết lời cảm phục. Thành công lớn nhất của tịnh xá Ngọc Tuyết như lời cư sĩ Thiện Từ tự hào ngày một đông phật tử đến học hỏi kinh pháp. Đặc biệt nhiều Phật tử trước đây vốn thuộc dân “giang hồ” chốn chợ búa từ ngày quy y nhà Phật trở đã thay đổi tâm tính. Dùng đạo pháp hướng thiện cũng chính là tâm nguyện của bà. Từ quan hệ vợ chồng, phút chốc trở thành sư phụ - đệ tử chốn cửa Phật. Từ cuộc sống giàu sang, phút chốc rũ bỏ tất cả theo nghiệp tu hành. Sau 40 năm chung sống, đôi vợ chồng ly hôn để cùng nhau tu hành, hẳn là chuyện hiếm thấy trên đời. Theo Xa lộ pháp luật