Chuyện về hòn đá kê đầu người cho voi dẫm ở Bình Định (Kỳ 1)

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Hòn đá có tuổi cả trăm năm ở Bình Định với những câu chuyện rùng rợn bao quanh, vẫn gây ám ảnh, sợ hãi nặng nề đến ngày nay.

    [​IMG]
    Thượng tọa Thích Hồng Phương và hòn đá kỳ dị ở chùa Hương Quang

    Kỳ 1: Lời đồn về hòn đá kinh dị

    Bình Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất chứa đựng nhiều bí ẩn, đau thương. Nơi đây, từng xảy ra cuộc tàn sát đẫm máu của vua Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn.

    Trước đó, là cuộc tương tàn của Vương triều Vijaya rực rỡ. Vậy nên, vùng đất này, từng gốc cây ngọn cỏ, cũng đều là chứng nhân của đổ máu.

    Hòn đá bí ẩn, nơi mà theo lời kể của các cụ, là chỗ kê đầu nạn nhân cho voi dẫm, là một vật chứng đau thương kinh hoàng, không ai muốn nhớ. Nhưng, những câu chuyện rùng rợn quanh hòn đá, vẫn gây ám ảnh, sợ hãi đến ngày nay.

    Câu chuyện hàng ngàn người bị voi dẫm bẹp đầu trên hòn đá, rồi lời đồn hàng chục người mất mạng khi ngồi lên hòn đá này trong thời gian gần đây, vẫn là câu chuyện gây hãi hùng với vùng quê của vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

    Hiểu về Bình Định, hiểu về nền văn hóa Chăm ở đất Bình Định, không ai hơn được Nguyễn Vĩnh Hảo. Anh vốn là một võ sư khét tiếng, lại là một nhà sưu tầm cổ vật Chăm hàng đầu, cả đời mê mải với những món đồ, với văn hóa Chăm đất Bình Định.

    Vậy nên, không chỉ giới nhà báo, cả giới nghiên cứu văn hóa, khi đến Bình Định, thường tìm gặp Nguyễn Vĩnh Hảo. Nguyễn Vĩnh Hảo bảo: “Ở Bình Định có 2 hòn đá chất chứa oan hồn, mà Vĩnh Hảo là người nắm rõ nhất. Có hai thông tin đặc biệt, mà không ai biết. Đó là, hòn đá chặt đầu ở chùa Thập Pháp, mà mọi người đã biết, chính là viên bạch ngọc khổng lồ. Đó là viên ngọc, chứ không phải đá thường.

    Dân chơi cổ vật và dân sành đá đều biết, nhưng trụ trì ngôi chùa cũng không biết đâu. Mình nói ra như thế, để nhà chùa, cũng như các cơ quan chức năng sớm biết, để có cách bảo vệ hòn đá, chứ để tơ hơ giữa trời, làm bậc thềm lên xuống như thế, e rằng không an toàn trước con mắt nhòm ngó của bọn trộm.

    Còn hòn đá thứ hai, mới kinh khủng hơn nhiều. Hòn đá này là nơi kê đầu những nghĩa quân, những người thân thích nhà Tây Sơn để voi dẫm. Hòn đá ấy chứa chất nhiều oan hồn lắm, và các oan hồn đó còn giết thêm nhiều người nữa. Hiện hòn đá đang được cất giữ ở một ngôi chùa thuộc huyện Tây Sơn”.

    Theo chỉ dẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo, tôi nhằm hướng sân bay Phù Cát, rẽ tiếp gần chục km, thì đến thôn Bến Đức (xã Tây An, Tây Sơn, Bình Định).

    Ngôi chùa Hương Quang nằm ở cuối làng. Ngôi chùa xây 2 tầng, trông như tòa biệt thự, chứ không giống chùa ngoài Bắc. Tuy nhiên, ngôi chùa chưa trát gia, sơn màu, nên trông không được bắt mắt.

    Ngôi chùa xây to, nhưng lại ở mảnh đất chật hẹp. Rất nhiều ô tô, xe máy đỗ dọc ven đường dẫn vào chùa. Đi nhiều chùa lớn, bé ở Bình Định, thấy chùa nào cũng vắng như chùa… Bà Đanh, nên tôi khá ngạc nhiên khi ngôi chùa chẳng có tí tiếng tăm nào, đặt ở ngôi làng heo hút, lại đông khách đến vậy.

    [​IMG]
    Thượng tọa Hồng Phương trong một buổi giảng đạo pháp

    Vào chùa, thấy mùi thuốc bắc lan tỏa, thấy đống thuốc lớn bé chất ngập trong mấy gian phòng lớn, mới biết rằng nhà chùa có thêm nghề bốc thuốc và khách phương xa tìm đến chùa chủ yếu là để bốc thuốc.

    Nhiều khách tìm đến chùa, chưa vào chùa vội, mà họ thắp nhang trên chiếc bàn đá ngoài trời, đặt ngay trước chùa. Phía sau phiến đá nhỏ đặt bát nhang, là hồ nước nhỏ, cùng hòn giả sơn. Giữa hồ nước nhân tạo, là tảng đá vuông vức, đặt trên bệ xây bằng những hòn cuội, nhô lên khỏi mặt nước. Nhìn hòn đá ấy, và trông khuôn mặt những người khói nhang, khấn vái thành kính, tôi tin rằng đây chính là hòn đá chất chứa oan hồn mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo kể tôi nghe.

    Đang hý hoáy chụp ảnh, thì một sư thầy, khuôn mặt hiền lành, trong bộ áo nâu sồng đi ra. Tôi giới thiệu là nhà báo và hỏi về hòn đá, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo kể, muốn tìm hiểu về hòn đá, sư thầy rất nhiệt tình, cởi mở. Sư thầy mời tôi lên tầng trên uống trà, chờ thầy bốc nốt thuốc cho bệnh nhân, rồi sẽ tiếp chuyện.

    Tầng trên ngôi chùa là một gian phòng lớn, nơi có nhiều bàn ghế, như một lớp học. Có mấy đệ tử ngồi đọc kinh ở trên này. Tìm hiểu qua các đệ tử, mới biết thượng tọa Thích Hồng Phương theo phái Mật Tông. Ông theo Phật, nhưng nghiên cứu nhiều về lĩnh vực bùa ngải, nên không chỉ là một nhà sư ông còn là một thầy pháp.

    [​IMG]
    Thượng tọa Thích Hồng Phương và hòn đá kỳ dị ở chùa Hương Quang

    Điều đặc biệt, ông còn là một thầy thuốc nổi tiếng, chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Chẳng thế mà ngôi chùa hẻo lánh này rất đông bệnh nhân kéo đến và khắp tầng một ngôi chùa là những tải thuốc lớn bé chất ngất. Bốc thuốc đến gần trưa, thì thượng tọa Thích Hồng Phương lên tầng trên tiếp khách. Ông thắp nén nhang ở ban thờ, ngồi trì chú một lát, rồi tiếp phóng viên.

    Thượng tọa Hồng Phương nhấp ly trà nóng, suy tư như thể sắp xếp lại câu chuyện cho gọn ghẽ, rồi bắt đầu thuật lại những chuyện ly kỳ về hòn đá, mà đến bản thân ông, vốn là một pháp sư nổi tiếng, cũng có lúc phải táng đởm kinh hồn. “Chuyện bắt đầu vào năm 2006, cách nay 8 năm, tui về xã Nhơn Hậu, sau khi viếng chùa xong, thì sư Vạn Toàn hỏi tui: “Ở đây có hòn đá ghê gớm lắm, thầy có biết không?”. Vừa nghe thầy Vạn Toàn nói hai chữ hòn đá, tui đã có cảm giác ớn lạnh chạy dọc thân thể.

    Những câu chuyện như thế xảy đến quanh tui là chuyện bình thường, tui coi không ra gì, nên tui bảo với thầy Vạn Toàn: “Tui biết, nhưng tui không quan tâm”. Tui chỉ nói vậy, rồi tui về. Không tiếp tục câu chuyện ấy với thầy Vạn Toàn nữa”. Thượng tọa Thích Hồng Phương bắt đầu câu chuyện về hòn đá, đầy màu sắc kỳ bí.

    Bẵng đi thời gian, chừng vài tháng, quay lại xã Nhơn Hậu (An Nhơn, Bình Định), cách xã Tây An 20 cây số, sư thầy Vạn Toàn mang khuôn mặt rầu rĩ kể với sư thầy Hồng Phương: “Hòn đá ấy gây nhiều tai họa quá thầy ạ. Tui cũng muốn hóa giải nó, nhưng sức tui có hạn, động vào hòn đá vong mạng chứ chẳng chơi. Suy đi tính lại, xét cả vùng này không ai có năng lực mạnh mẽ như thầy, chỉ có thầy mới giúp được chúng sinh trong vùng này thôi”.

    Nghe sư Vạn Toàn nói giọng khẩn cầu, thượng tọa Hồng Phương mới lắng nghe câu chuyện, tìm hiểu về hòn đá. Khi đó, hòn đá nằm ở chân gò đất, cạnh con đường của ngôi làng làm gốm lâu đời thuộc xã Nhơn Hậu. Ngôi làng ấy có tháp chăm Cánh Tiên, trông như người con gái đang múa và cũng là nơi có di chỉ thành Hoàng Đế.

    Tìm hiểu về hòn đá, qua các cụ già, thượng tọa Thích Hồng Phương biết rằng, hòn đá vốn nằm ở chân một quả đồi thấp, cách làng một đoạn. Hòn đá đã nằm ở chân quả đồi đó hàng trăm năm trước. Đời nọ đời kia các cụ trong làng truyền lại rằng, ngày xưa, Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn bằng cách giết sạch tướng sĩ, gia quyến nhà Tây Sơn. Chém người nhiều quá mỏi tay, hỏng gươm đao, nên họ nghĩ ra cách giết người nhàn hạ, nhưng vô cùng man rợ, đó là dùng voi dẫm đạp. Vua Nguyễn sai người lên núi đào về tổng cộng 6 hòn đá lớn, vuông vức, đặt 6 hòn đá ở pháp trường.

    Chẳng cần thành án, chẳng cần tuyên bố, quân lính cứ dắt “tù binh” đến chỗ hòn đá, trói gô lại, ấn đầu xuống mặt tảng đá, rồi sai voi dẫm bẹp đầu. Chỉ một cú dẫm của con voi nặng vài tấn, thì cái đầu người bằng quả dừa còn gì là hình hài nữa. Theo lời các cụ, đã có cả ngàn người bị hành hình theo cách đó và mỗi hòn đá thấm máu của cả ngàn người vô tội. Nỗi oan hờn chồng chất ám vào hòn đá, khiến nó ám ảnh cư dân thời bấy giờ trong từng giấc ngủ. Thời gian trôi đi, thế sự đổi thay, người già chết đi, con trẻ lớn lên, rồi 6 hòn đá đó cũng dần bị quên lãng. 5 hòn đá thất lạc đi đâu, không ai rõ.

    Cũng có thể chúng chìm dưới lòng đất, hoặc bị đem nung vôi. Chỉ còn hòn đá ở xóm làm gốm thuộc xã Nhơn Hậu là vẫn còn chỏng chơ ở dưới chân quả đồi. Chỉ còn một số người già biết đến những câu chuyện rùng rợn xung quanh hòn đá thông qua lời kể của cha ông. Thế hệ trẻ nghe chuyện kể về hòn đá thì biết vậy, nửa tin nửa ngờ, chứ cũng chẳng để tâm. Hòn đá nằm chìm trong bụi cỏ rậm rạp, nơi ít người qua lại.

    Theo lời kể của sư Vạn Toàn, một ngày, cách nay chừng 15 năm, một ông thầy pháp, còn gọi là thầy phù thủy, người xã Nhơn Hậu đã thuê người khiêng hòn đá về nhà mình. Đời cha ông này cũng là thầy pháp, nổi tiếng cả một vùng, có khả năng điều khiển âm binh, làm bùa mê ngải lú, thậm chí tài năng đến nỗi có thể giết người, hoặc chí ít cũng khiến công danh ai đó bại hoại bằng thứ gọi là bùa ếm.

    Người ta còn đồn rằng, ông có khả năng sai âm binh xóa sạch trí nhớ của ai đó, thậm chí điều khiển để những vật cản như ô tô biến mất trước mắt ai đó, khiến họ không nhìn thấy, cứ thế lao đầu vào chết tươi. Đến đời ông này, ngoài sở học của cha, thì phiêu lưu khắp nơi tầm sư học đạo, nên cũng trở thành thầy phù thủy lỗi lạc. Ông này nói với sư Vạn Toàn rằng, ông ta mang hòn đá về với mục đích sai khiến âm binh.

    Theo ông ta, đã có cả ngàn mạng người chết tại hòn đá này một cách oan sai thảm khốc, linh hồn họ mãi mãi vưởng vất bên hòn đá, không siêu thoát được. Những oan hồn này rất dữ dằn, nên thầy phù thủy chinh phục được những oan hồn đó, sẽ điều khiển oan hồn làm được những việc kinh thiên động địa.

    Thế nhưng, một chuyện ngẫu nhiên xảy ra, khiến mọi người sợ hãi, đó là, buổi sáng chuyển được hòn đá về nhà, thì buổi chiều ông thầy pháp lên cơn tai biến, lăn đùng ra chết. Người con trai nghe dân làng kể về hòn đá, sợ hãi quá, nên sau khi táng liệm xong cho cha, đã hô hào mọi người khiêng ra gò đất thấp ngoài cánh đồng sát con đường dẫn vào làng và vứt hòn đá ở đó. Từ bấy, không ai dám tiến đến gần hòn đá đó nữa.
    Còn tiếp…
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người