Bất luận là xưa hay nay thì trong một mối quan hệ giữa người với người, ta cũng đều muốn tiếp xúc với người thành thật. Có người thường nói rằng: "Lương tâm, thành thật là gì, có mang ra để ăn được đâu, cũng chẳng ra làm ra tiền bạc, người thành thật có khi còn chịu thiệt". Tuy nhiên có những thứ không bao giờ dùng tiền bạc mà đánh giá được. Có câu chuyện cổ như sau Lỗ Tông Đạo là người An Huy, sống vào thời nhà Tống. Ông là người nổi tiếng cương trực, thẳng thắn, trọng lời hứa và thành thật. Ông là thầy giáo dạy học của Thái tử Dụ Đức, con trai vua Tống Chân Tông. Có một lần, ông đến quán rượu uống rượu cùng một người bạn. Đúng lúc ấy, vua Tống Chân Tông có việc gấp cần triệu kiến ông vào cung ngay lập tức. Nhà vua đã phái sứ giả đến nhà của Lỗ Tông Đạo truyền lệnh, nhưng vị sứ giả chờ mãi mới thấy Lỗ Tông Đạo trở về. Vị sứ giả vô cùng lo lắng nới với Lỗ Tông Đạo: “Nếu Hoàng thượng chất vấn ngài thì ngài sẽ ăn nói như thế nào đây?” Lỗ Tông Đạo điềm tĩnh trả lời: “Ta sẽ theo sự thực mà trả lời!” Vị sứ giả càng hối hoảng nói: “Chẳng lẽ ngài không biết, nNếu ngài nói sự thực ra, chắc chắn sẽ bị Thánh Thượng giáng tội?” Lỗ Tông Đạo nghiêm mặt nói: “Nếu ta nói dối, sẽ phạm tội khi quân. Tội ấy còn lớn hơn nhiều” (tội khi quân là tội nói dối, lừa gạt vua). Lỗ Tông Đạo lên đường vào cung, nhận lỗi và nói: “Thần có người bạn cũ tới chơi, nhưng bởi vì gia cảnh bần hàn, không có chén, bàn. Cho nên, thần đã mời bạn đến quán rượu. Vì thế mà đến trễ, thỉnh xin Bệ hạ trị tội!” Không ngờ, vua Tống Chân Tông nghe xong, chẳng những không trách cứ mà trái lại, còn khen ngợi lòng trung thành, chân thật của ông. Cũng bởi thế, nhà vua nhận định rằng trong tương lai, Lỗ Tông Đạo là người có thể tin được, trọng đụng được. Vua Tống Chân Tông còn thường đem nhận định này của mình nói cho Hoàng hậu biết. Khi vua Tống Chân Tông qua đời, con trai ông là Tống Nhân Tông lên trị vì. Bởi vì tuổi còn nhỏ nên thái hậu là người nắm giữ việc triều chính và lúc ấy, Lỗ Tông Đạo quả nhiên rất được cất nhắc và trọng dụng. Lỗ Tông Đạo một lòng trung thành, chân thật, không bao giờ bán đứng lương tâm của mình. Ông luôn đi con đường ngay chính, không suy xét thiệt hơn, nên cả đời ông sống quang minh chính đại, được người đời kính trọng. Người trung thực trong bất cứ hoàn cảnh nào đều được tín nhiệm, đánh giá cao. Thế nhưng, xã hội ngày nay, không ít người vì lợi ích cá nhân mà dối trá, lừa người, mang lại rất nhiều cái hại. Nói dối làm cho con người đánh mất bản thân, đánh mất lý trí, sống trong sự giả dối của chính lương tâm. Nói dối quen miệng sẽ trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa. Theo quan điểm đạo Phật, nói dối ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Nói dối phá hoại sự ổn định đó. Con người chỉ có thể sống chung với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, tin cậy rằng, trong giao tiếp, mọi người đều nói thật. Nếu mọi người đều nói dối, thì đó là dấu hiệu của xã hội giải thể và tan rã. Người ta vẫn có câu: "Khi nói ra một lời nói dối thì phải mất thêm 10 câu nói dối nữa bao biện cho câu ban đầu". Nghĩa là, lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác rồi một lời nói dối khác nữa, còn nghiêm trọng hơn, cho tới khi bản thân mình cũng bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do mình tạo ra. Một con người như thế ngày càng tách rời xa đích giải thoát và giác ngộ, ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi, khó gỡ ra được. Một người đã sống không thật với người khác, và với bản thân mình, thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật. Thế mới nói, “Thành tín” là đạo đức tốt đẹp của con người. Con người ta đôi khi vì lợi ích, thiệt hơn, được mất mà lừa dối người khác, nhưng cuối cùng, sau khi trải qua rồi quay đầu nhìn lại mới thấy, thứ mà mình đánh mất (thành tín) là vô giá mà thứ mình tranh được lại chỉ là phù du. Phong Linh (TH)/Khoevadep