Cứu cánh phóng sanh

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Kính thưa các hành giả! Từ xưa đến nay, ít nhiều chúng ta cũng đã từng nghe giảng và thực hành việc phóng sanh.

    [​IMG]

    Có thể nói, việc làm này luôn mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như: tăng trưởng lòng từ bi, được sống lâu, ít bệnh tật, miễn tai trừ nạn, có con cháu để thừa tự, hóa giải oán kết,… Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa hay cứu cánh của việc phóng sanh. Bởi vậy, người viết xin được chia sẻ với các hành giả đôi điều nhận thức của mình về việc phóng sanh để chúng ta có thể cùng nhau thực hiện việc này một cách rốt ráo.

    [​IMG]

    Vậy phóng sanh là gì? Phóng có nghĩa là thả ra, là cứu lấy; Sanh có nghĩa là sanh mạng của tất cả chúng sanh có tình thức đang bị giam cầm, đang bị đe dọa đến tính mạng; Phóng sanh là cứu lấy những chúng sanh đang bị giam cầm, đang bị đe dọa đến tính mạng làm cho chúng được an vui, giải thoát.
    null

    Kính thưa các hành giả! Thường thì chúng ta hay phóng sanh những loài có thân nhỏ như: ốc, cá, ếch, cua, rắn, chim,… chứ ít người nào phóng sanh những loài có thân lớn như heo, bò, trâu, dê… Trong khi đó, dù là loài nhỏ hay loài lớn, chúng đều bị con người giam cầm, sát hại để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, vui chơi, giải trí của mình. Có phải chúng ta quan niệm rằng cứu nhiều con vật mới được nhiều lợi ích, còn cứu ít thì công đức, phước báu cũng ít theo?

    Nếu chúng ta phóng sanh với nhận thức như vậy thì hẹp hòi lắm, ích kỷ lắm. Bởi vì sao? Bởi vì chúng ta còn so đo, tính toán, phân biệt. Phóng sanh với tâm như thế thì sao làm sao có công đức, phước báu vô lượng được? Dù là người hay vật, dù loài lớn hay loài nhỏ, khi sự sống bị đe dọa, cũng đều kinh hãi như nhau, đều sợ chết như nhau và đều muốn được sống như nhau, chỉ khác ở hình thức biểu hiện mà thôi. Do vậy, chúng ta nên phóng sanh với tâm bình đẳng. Chúng sinh nào cần cứu khổ, cứu nạn, nếu đủ duyên, chúng ta nên cứu ngay, đừng so đo, tính toán và cũng đừng phân biệt ít nhiều.

    [​IMG]
    Một điều đáng lưu ý nữa là, chúng ta thường hướng ra bên ngoài chứ không hướng vào bên trong chính chúng ta để phóng sanh, do vậy mà chưa được gọi là rốt ráo.

    Có người sẽ hỏi rằng: Thưa hành giả! Chúng ta đâu có gì để mà phóng sanh.

    Đáp: Thưa có đấy! Đó là chúng ta phóng sanh chính chúng ta.

    [​IMG]

    Như các hành giả đã biết, loài vật thì bị giam cầm ở ao, chậu, lồng, chuồng,… rồi bị đem ra chiên, xào, nấu nướng… Sự khổ đau của thân và tâm không thể nào kể xiết. Chúng ta cứu chúng thoát khỏi nơi giam cầm, thoát khỏi nguy cơ bị giết hại, đem lại niềm an vui cho chúng, kéo dài tuổi thọ cho chúng, đó gọi là phóng sanh. Còn con người chúng ta thì bị giam cầm trong ao ngục của tham, của sân, của si,… gọi chung là ao ngục phiền não. Tham sân si thúc đẩy chúng ta tạo tác các ác nghiệp. Chúng giết mất cái thân người của chúng ta mà không hề hay biết, lại vô tâm đối với chúng. Việc phóng sanh loài vật sẽ đem lại cho chúng ta phước báu cõi trời, cõi người.

    Thế nhưng, ở cõi trời, chúng ta khó mà tạo phước, khó mà tu tập được, bởi vì khi ấy chúng ta không có thân người, chỉ ở đó hưởng hết phước rồi lại theo nghiệp mà thọ sanh nơi năm cảnh giới Người, A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Nếu may mắn đủ phước thì chúng ta được làm người, còn thiếu phước thì chúng ta sẽ bị đọa vào các đường ác, chịu khổ vô cùng. Cõi trời đã vậy, cõi người cũng không đảm bảo. Nhờ cái nhân phóng sanh đời trước mà kiếp này chúng ta được giàu sang, phú quý. Nhưng mấy ai được giàu sang, phú quý mà biết tu tập tạo phước, tạo công đức đâu. Có chăng cũng chỉ là số ít nhờ vào nhân duyên tu tập nhiều kiếp và năng lực tâm nguyện của bản thân họ. Còn lại đa phần chúng ta chỉ hưởng phước báu rồi theo đó mà tạo bất thiện nghiệp, không tu tập được gì. Do vậy, trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có nói: “ Giàu sang học đạo là khó”. Mà đã tạo bất thiện nghiệp thì chỉ có khổ chứ không thể có vui, lại khó mà có được cái thân người này lần nữa. Ôi! Đọc đến đây, hành giả chúng ta không cảm thấy thương xót cho chính mình hay sao?
    Chúng ta thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, cũng biết được Ngài hay hóa thân để cứu độ chúng sanh trong sáu cảnh giới. Nơi nào cần cứu khổ thì Ngài liền xuất hiện để đem đến sự an vui, chấm dứt mọi khổ đau cho chúng sanh nơi đó. Nếu các hành giả suy xét vấn đề này thì chính các hành giả đều là Bồ-tát Quán Thế Âm. Tại sao thế? Bởi vì chúng ta quán thấy được sự khổ đau, cảm nhận được sự cầu cứu của những chúng sanh đang bị giam cầm, sắp bị giết hại. Để rồi chúng ta phát khởi lòng từ bi đến nơi ấy mua chuộc chúng và thả chúng đến những nơi an toàn, để chúng được tự do tung tăng bơi lội, được tự do bay lượn trên bầu trời ấm áp. Thấy chúng vui vẻ, hạnh phúc, chúng ta cũng vui theo, hạnh phúc theo và từ đó cảm nhận được sự an lạc nơi nội tâm mình.

    [​IMG]

    Thế nhưng, chúng ta lại quên rằng chính mình cũng là một chúng sanh đang bị giam cầm, sắp bị giết hại bởi phiền não của tham, sân, si. Chúng ta bị trói chặt bởi sợi dây ái dục, chúng ta bị thiêu đốt bởi ngọn lửa sân hận, chúng ta bị giam cầm bởi tà kiến, cao ngạo, vô minh…. Những thứ ấy làm cho chúng ta trở nên tối tăm như rơi xuống vực thẳm, không tìm thấy được ánh sáng chân lý và cuối cùng phải trầm luân trong vô lượng kiếp, lặn hụp trong sanh tử luân hồi, chịu không biết bao nhiêu là thống khổ.

    Các hành giả phải nên nhận thức được điều này, đừng chỉ hướng ra bên ngoài mà nên soi vào chính mình, để nghe được âm thanh khổ đau trong tâm thức của chính mình, rồi từ đó, lấy giáo pháp của Đức Phật mà rửa sạch các phiền não. Mỗi lời dạy của Đức Phật là một toa thuốc để chữa lành tâm bệnh của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta tinh tấn thực hành theo lời của Ngài đã dạy, không những chúng ta sẽ hết bệnh mà còn vượt thoát sinh tử khổ đau đến Niết-bàn an vui, tịch diệt. Như thế thì chúng ta đã “phóng sanh” chính chúng ta rồi vậy! Đây cũng là sự cứu cánh của việc phóng sanh.

    Các hành giả cũng nên biết rằng để phóng sanh các loài vật, ngoài lòng từ bi, sự hoan hỷ,… còn phải có phương tiện để giúp chúng thoát ra những nơi khổ đau, chẳng hạn như là: tiền, xe, thuyền,… Đối với việc “phóng sanh” chính mình, ngoài sự nhận thức được nỗi khổ đau do phiền não đem lại, biết được phương pháp nào để đối trị những phiền não đó, hành giả còn cần phải tinh tấn học hỏi, tinh tấn tu tập theo một pháp môn mình đã chọn thì mới có thể giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi. Một khi đã ra khỏi tam giới rồi thì không có một ao ngục nào có thể giam hãm chúng ta nữa, cũng không còn nghiệp lực nào chi phối chúng ta nữa, chỉ có hạnh phúc của Niết-bàn mà thôi!

    Nói tóm lại, phóng sanh các loài vật là hình tướng bên ngoài để chúng ta nhìn vào đó mà hướng về lại chính mình, soi vào nội tâm của mình. Nhận thức được mình đang bị giam hãm bởi những ao ngục phiền não nào, rồi tinh tấn hành trì tu tập, phá vỡ cái ao ngục phiền não đó để giải thoát khỏi sanh tử, luân hồi thì việc “phóng sanh” ấy mới chính thật là rốt ráo.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người