Ấn tượng về đám tang không tiếng khóc thật sâu đậm trong chúng tôi, dẫu biết cái chết đến không trừ trẻ già, xong đối diện với nó một cách chủ động thì không phải ai cũng làm được… Trong cuộc sống có sinh ắt có tử, có hợp thì có chia, có thịnh vượng thì có suy tàn, có phát triển thì có diệt vong, có cao thì có thấp. Chân lý đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng ý thức được. Đã tham dự nhiều đám tang, đa số chúng tôi nhận thấy là tiếng khóc, tiếng gào thét não lòng. Mà người chết thì cũng đâu có sống lại được? Chúng tôi đã đến dự một đám tang của một người quen tại số nhà 45 Trường Chinh, phường Lương Khánh Thiện, Tp.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đám tang đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ: Khi tham dự đám tang chúng tôi thấy không kèn, không trống, không tiếng khóc, không tiếng nhị kéo đến nao lòng mà thay vào đó là tiếng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” được phát ra từ chiếc đài niệm Phật, và của những người đến dự đám tang. Được biết gia đình tin kính Tam Bảo nhiều đời, con cháu đều quy Y Tam Bảo, đặc biệt người con thứ ba có nguyện lớn và đã xuất gia được khá lâu. Các nghi thức từ khâm liệm, phát tang, đến lúc di quan và hạ huyệt gia chủ đều cung thỉnh 30 chư tăng, ni về làm lễ theo nghi thức Phật giáo. Bên cạnh linh cữu đặt chính giữa nhà, cao và trang nghiêm là bàn thờ Phật, gia chủ đã sắp sẵn lễ với đầy đủ hương, đăng, hoa, trà, quả, thực phía trên cao là tượng Tam Thánh Tây Phương. Đôi đèn hai bên sáng rực như những ánh hòa quang của Chư Phật tiếp dẫn cụ ông về với miền Tây phương cực lạc. Qua câu chuyện với người cháu nội của cụ tôi mới biết cụ bà ăn chay trường, thường xuyên tụng Kinh lễ Phật có lẽ vì thế mà cụ hiểu rõ lẽ vô thường, nên khi cụ ông mất, cụ bà vẫn giữ tâm kiên cố lạ thường. Cụ bà còn khuyên con cháu dẫu biết cụ ông ra đi là mất mát lớn, thiếu hụt tình cảm sâu sắc, xong đức Phật có dạy thân người là vô thường, hôm nay còn ở với ta, nhưng biết đâu nay mai chẳng còn gần ta, vậy thì bố các con cũng vậy, dù chúng ta muốn nhưng cũng không thể nào làm cho bố các con sống lại được, các con hãy để bố yên nghỉ, hãy nhất tâm niệm Phật nguyện cầu cho bố các con nhờ oai lực chư Phật, sự hộ trì của chư Tăng mà tiếp dẫn về Tây phương cực lạc. Như vậy là cách báo hiếu tuyệt vời nhất mà ta đã được học trong kinh sách. Ấn tượng về đám tang không tiếng khóc thật sâu đậm trong chúng tôi, dẫu biết cái chết đến không trừ trẻ già, xong đối diện với nó một cách chủ động thì không phải ai cũng làm được… Trong cuốn sách Chủ động cái chết để tái sinh trong một kiếp sống tốt đẹp hơn đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có viết “Nếu ta chấp nhận cái chết là một thành phần của sự sống, ta sẽ đối phó dễ dàng hơn khi cái chết xảy đến. Trong thâm tâm, ta biết rằng cái chết rồi sẽ mang ta đi, nhưng ta cứ nhất quyết không nghĩ đến nó, tình trạng như vậy chẳng những không hợp lý chút nào mà còn thật tai hại. Cũng giống như khi ta không công nhận sự già nua là thành phần bất khả phân của sự sinh tồn, ta gạt bỏ nó ra và không nghĩ tới nó. Hậu quả ta sẽ trở nên bất lực trước sự hiện diện của nó. Khi tuổi già đến và lúc đó ta phải chấp nhận nó thì quả là một điều khó khăn.” An Bình