Con người sống thường có thói quen lấy người khác để làm thước đo cho mình, tính toán ganh đua, cuối cùng quên mất bản thân mình là ai… Trong cuộc sống, mọi việc đều có nhân quả, được và mất. Danh lợi, giàu sang chẳng thể mang đi được, chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng thì lúc ra đi cũng chẳng mang theo được gì. Con người sống thường có thói quen lấy người khác ra làm thước đo cho bản thân mình, cả đời tính toán, ganh đua, chạy theo danh lợi, quyền lực, để cuối cùng chẳng biết bản thân mình là ai, vì điều gì mà mình tồn tại, mà phấn đấu… Hạnh phúc, bình an là điều mà ai cũng mong muốn có được trong cuộc sống này. Nhưng hạnh phúc, bình an không đến từ việc tranh giành, tính toán mà đến từ điều khác. Bình an cần nhất là phải bình an trong tâm hồn, điều này là quan trọng nhất. Tức là phải vứt bỏ những hiềm thù, ghen ghét, bất hòa, lo toan và tính toán để chọn lấy một tâm hồn an nhàn, hướng thiện. Để có một tâm hồn bình an, ta cần loại bỏ những điều tiêu cực, nhận lấy những điều tốt nhất, không chạy theo những điều mình không vươn tới, mà an vui trong địa vị, hoàn cảnh và đời sống mình đang có. Còn hạnh phúc là hai từ khó đạt đến nhất, nhưng khi đạt đến rồi thì ta đã trở thành một viên ngọc quý trong thửa ruộng đầy sình lầy. Hạnh phúc không những ta sống bình an, mà sống hạnh phúc còn làm thăng tiến đời sống bình an đến một ngưỡng tạm gọi là "cho đi". Có một công nhân vệ sinh, hàng đêm khi con trai đã yên giấc, ông vác chổi ra muôn nẻo đường trong thành phố để giúp cho những con đường này quang đãng, sạch sẽ. Cuộc sống bôn ba vất vả, phải lăn lộn lao động để nuôi con ăn học, ngoài ra phải gánh vác cho mẹ già đang nằm bệnh. Ban ngày, ông giúp bếp ăn từ thiện bệnh viện để có những bữa cơm cho bệnh nhân và gia đình nghèo của họ trong suốt quá trình dưỡng bệnh tại viện. Thế mà ông cho cuộc sống là hạnh phúc. Vậy hạnh phúc ở đâu? Hạnh phúc của ông được phát sinh, khi ông triển nở bình an ấy cho mọi người, ông sinh ích cho mọi người bằng đời sống tốt lành, chu toàn trách nhiệm của một người cha, một người con trong gia đình. Song, hoàn cảnh không hơn gì ai nhưng ông đã hy sinh thời gian, công sức để phục vụ bếp ăn từ thiện. Đây phải chăng là hạnh phúc đích thực? Hạnh phúc là được cho đi, cho đi chính cả sức khỏe, thân xác, sức lực, điều kiện và thậm chí là mạng sống của mình để sinh hoa kết trái cho mọi người. Hạnh phúc ấy mới chính là hạnh phúc đích thực, người có hạnh phúc luôn là người có tâm hồn bình an. Người bình an trong tâm hồn luôn vượt qua gian khó dù là về tài chính, kinh tế, gia đình, sức khỏe hay bất cứ chuyện gì. Người có tâm hồn bình an luôn mang lại hòa bình, hòa hiếu cho mọi người, đem điều tốt nhất cho mọi người. Còn chúng ta chỉ cần đem bản tính lương thiện trong con người mình tăng lên, mở rộng ra, tận lực làm thêm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức, tự khắc bạn sẽ thấy cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị, giúp bạn cảm thấy yêu bản thân mình và cuộc sống này hơn. Hành thiện tích đức có thể làm ở bất kỳ nơi đâu, hoàn cảnh nào, cho dù là không có điều kiện tiền bạc. Ví dụ như: Cứu người gặp nạn, bỏ đi những chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm cho người khác, nhường đường đi hay nhường chỗ ngồi cho người già…, đó đều là hành thiện tích đức. Cho nên nói, làm việc thiện tích đức có thể bằng cách quyên tiền, cũng có thể bằng cách quyên sức lực. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, có lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt thì chính là đang làm việc thiện tích đức. Công đức lớn hay nhỏ, cách thực hiện công đức không phải thể hiện ở hình thức mà thể hiện ở sự chân thực. Chỉ cần có tâm, không có sự vụ lợi thì cho dù là việc thiện nhỏ cũng tạo thành vô lượng công đức. “Đức” có thể bảo hộ con người suốt đời, còn “thiện” chính là chìa khóa để tích đức! Cho nên, thay vì tính toán quá nhiều hãy “hành thiện tích đức” thì cuộc đời mới bình an, hạnh phúc. T.B