Phước đức không chỉ đến từ việc làm mà còn đến từ lời nói. Đừng bao giờ biện hộ cho những lời độc ác... Chẳng ai quảng cáo mình là "khẩu Phật tâm xà" bao giờ...nhưng không ít người tự giới thiệu mình là "khẩu xà tâm Phật"... (hoặc là đại khái nói "tôi hay thế này thế kia, nhưng thực ra thì không có gì đâu"). Nếu thực sự là 'tâm Phật" thì có cần tự biện hộ hay không... nếu đã dùng mấy chữ "khẩu xà tâm Phật" để biện hộ thì liệu trong tâm có Phật hay không... “Lời nói không thể thấy, không thể cầm nắm được, hình như không có tướng, thế mà tự xưa nay đã gây nên biết bao nụ cười và nước mắt. Có phản ứng tức có tác nhân. Nói đến nhân là nói tướng. Vậy tướng của lời nói là gì? Người nóng nảy thì hay nói lời xúc xiểm, người dối trá thì lời nói trơn tuột, chẳng thể bắt bẻ họ, nhưng cũng không thể hiểu tâm họ ra sao? Người thâm hiểm thì nói xúc phạm đến kẻ khác bằng giọng nói như hiền từ… tất cả ngôn ngữ này đều phát sinh từ một gốc, đó là Tâm; Và do đó tướng của ngôn ngữ là Tâm. Tâm Phật thì lời nói là pháp thiện, Tâm chúng sanh thì lời nói thành ác nghiệp. Tâm chúng sanh có muôn ngàn tướng thì lời nói cũng gây muôn ngàn nghiệp báo. Người xưa có câu "Miệng ăn núi lở", của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị mắc oán, cũng do cái miệng nầy hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người. “Thần khẩu nó hại xác phàm, Người nào nói quá họa làm khổ thân. Lỡ chân gượng được đỡ lên. Lỡ miệng gây họa phải đền trả thôi”. 1. Nếu bạn nhẫn chịu oan khuất thì bạn là người được phúc báo Người khác nhục mạ bạn, bạn nên coi như được bội phục, người khác làm tổn thương bạn, bạn nên coi như họ đến để thành tựu bạn. Làm tổn thương người khác chính là tiêu xài công đức phát tài của mình, một người tâm địa xấu xa thường làm hại, làm tổn thương người khác, thì chính là mang tiền đến đưa cho người khác. Ngược lại, một người có thể nhẫn nhục, chính là liên tục thu tiền. Người đại nhẫn giống như mở ngân hàng, có thể thu nạp từ trăm sông. Trong mấy chục năm của cuộc đời, có rất nhiều chuyện và lời lẽ khiến chúng ta cảm động. Vì thế, chúng ta cũng nên nỗ lực tìm cách khiến người khác cảm động. 2. Tức giận là một loại hình kinh doanh nắm chắc phần... lỗ trong tay Mọi người thường không chịu nhận sai, mọi thứ đều nói là lỗi của người khác, cho rằng mình mới là đúng. Kỳ thực không chịu nhận sai chính là một sai lầm. Người mình nhận lỗi có thể là bố mẹ, bạn bè, người ngoài xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái và với cả người đối xử không tốt với mình. Bạn sẽ thấy rằng mình sẽ chẳng mất đi cái gì, mà ngược lại sẽ thấy được sự độ lượng của mình. Nhẫn lỗi là một phẩm chất tốt, cũng là một loại tu hành. 3. Cái gì cũng không thể nhẫn nại, thành tựu của bạn sẽ bị giới hạn Nhẫn nhịn cũng chính là điều mà con người gọi là bền chí, nghị lực. Cần phải nhẫn để được vừa lòng đẹp ý, tại sao vậy? Người xưa dạy “một điều nhịn, chín điều lành”, cũng lại nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao”. Quả thực, nhẫn nhịn có thể khiến tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, khoảng trời trước mặt cũng sẽ trở nên rộng mở bao la. 4. Niệm giận vừa khởi lên, triệu cửa nghiệp chướng liền khai mở Một khi tâm oán giận vừa khởi lên thì trí tuệ sẽ không còn, lý tính bị che mất. Do đó sẽ xử trí theo cảm tính, không chỉ làm tổn thương mình, mà còn hữu ý hoặc vô ý gây thù kết oán với người khác. Nếu không thể hóa giải thù oán, khi nhân duyên chín muồi, báo ứng sẽ hiện ngay trước mắt, oan oan tương báo, quả báo sẽ ngày càng tàn khốc hơn. 5. Đừng nên phá hỏng bức họa giữa thân thể, tâm trạng con người cùng thiên nhiên Thất tình lục dục làm nhiễu loạn tự nhiên, nhiễu loạn thân thể người. Thất tình là “Thích, phẫn nộ, buồn, vui, yêu, ác, dục”. Trong đó tức giận, nổi cáu là gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có người nói, tuổi thọ trung bình của con người lẽ ra phải là 200 tuổi, chính là do những phiền não của bản thân đã làm cho thân thể bị hư hại; người luôn sống trong cảnh giới đại từ bi thì không già, không yếu, không mê, không tà, khộng tiêm nhiễm – đây mới là niềm vui thật sự. 6. Thường cảm ơn trong lòng Mặc dù người khác nhục mạ, phỉ báng, hãm hại bạn, cũng vẫn nên dùng thiện tâm để đối đãi, và tự đáy lòng mình cảm ơn họ. Thực sự thì sự sỉ nhục, phỉ báng, và hãm hại của người khác, chính là để tiêu trừ nghiệp lực mà mình đã tạo ra trong đời này. Vậy nên quyết không thể để tâm oán hận nổi lên. Nếu vẫn còn tâm oán hận, thì không những không thể tiêu nghiệp, mà ngược lại còn làm cho nghiệp tăng lên. 7. Bạn hỏi Phật ngày nào tốt; Phật hỏi xem bạn có ngày nào bình yên? Cuộc đời giống như một cái cặp da, khi cần dùng thì mới lấy, khi không dùng thì bỏ nó ra; lúc cần bỏ xuồng thì lại không bỏ, giống như mang theo hành lý nặng trĩu, không thể tự tại. Những năm tháng của cuộc đời có hạn, vậy nên nhận sai, tôn trọng, bao dung thì mới có thể bình thản, buông bỏ mới có thể tự tại! 8. Nổi cáu là tối kỵ của tu hành, là tự đốt cháy rừng công đức của mình Nếu không sửa đổi tính xấu này, thì vô luận là một ngày có niệm bao nhiêu bộ kinh, có thuyết bao nhiêu lần Pháp, thì bạn cũng không thể ra khỏi tam giới. Phát cáu là biểu hiện của vô minh, chính là không minh bạch. 9. Bất thiện, ác ý với người khác chính là chà đạp chính mình Nếu ác ý với người người khác, thì người bị hại chỉ chịu 3/10, mà chính chúng ta mới phải gánh chịu phần nhiều 7/10, đó chính là chà đạp chính mình mà không tự biết. 10. Lời nói làm tổn thương người khác, còn nghiêm trọng hơn cả giết người Đây là sự thật mà rất ít người biết! Khẩu tạo nghiệp là dễ xảy ra nhất, mà cũng là tạo thành nhiều nhất, quả báo kiếp sau sẽ vô cùng thảm thiết. Nhẫn thì sẽ có thể xử lý và hóa giải, có thể biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có chuyện gì. Có thể nhẫn, thì có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác, thị phi của thế gian. Vào buổi tối mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy tự hỏi chính mình: “Hôm nay mình có tức giận không?”. Cảm xúc ảnh hưởng đến tâm trạng của cả ngày, vì thế mỗi ngày hãy tự mỉm cười với mình nhé! Theo Phụ Nữ Today