Hành nghề giết chó, quả báo mất mạng, con cái ăn chơi hư hỏng nghiện ngập

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Ông thủ từ Hồ Xuân Đức, người trông coi, hương khói đền Giang Xá ở đầu làng Cao Hạ (xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) bảo rằng: “Nói chuyện này cậu không tin, nhưng có một thực tế là ở làng Cao Hạ không có ai dám cầm chày đập chết con chó, cầm dao chọc tiết nó đâu. Cùng lắm họ chỉ dám thui chó, mổ bụng, làm lòng, khi thợ đã giết chó rồi.

    [​IMG]
    Ngày xưa, việc giết chó tự tay người Cao Hạ làm, nhưng nhiều chuyện xảy ra lắm, nên không ai dám làm cái việc sát sinh ấy nữa. Nhưng đất chật, người đông, không mổ chó thì lấy gì mà sống, nên họ vẫn phải duy trì lò mổ. Có điều, họ không trực tiếp giết chó, mà thuê thợ giết mổ từ nơi khác về.

    Người dân làng Cao Hạ trả công vài trăm ngàn mỗi ngày nên thuê được rất nhiều thợ. Mà với số tiền hậu hĩnh như vậy, thì nhiều người dám cầm chày đập con chó, cầm dao chọc cổ nó”.

    Nghe ông Đức nói vậy, tôi không tin lắm, nhưng quả thực, đến các lò mổ ở Cao Hạ, từ lò mổ lớn, đến bé, song không có bất cứ thợ giết mổ nào là người Cao Hạ.

    Thợ mổ đều được thuê từ các tỉnh khác như Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Đông nhất vẫn là người Thanh Hóa. Ở Đông Sơn (Thanh Hóa), có một ngôi làng, mà cả làng đi buôn chó xuyên quốc gia và đi giết mổ chó mướn ở khắp nơi. Người nọ rủ người kia, nên có đến mấy chục thợ ở Đông Sơn hành nghề giết chó thuê ở Cao Hạ.

    Trong thời gian tìm hiểu về nghề giết mổ chó ở làng Cao Hạ, tạt vào chùa Cao Hạ, tôi thấy người vào ra nườm nượp, khói hương nghi ngút, vàng mã khắp nơi. Vàng mã đủ hình 12 con giáp, gồm trâu, chó, ngựa, dê, rồng, chuột…

    Tôi nhận ra bà D., một chủ lò mổ chó lớn nhất nhì làng Cao Hạ. Bà D. tuy đã 56 tuổi, nhưng ăn mặc khá thời thượng, ra dáng một bà chủ lớn. Bà có một tòa biệt thự ở trong làng, cùng một nhà nghỉ Hà Nội. Tất cả gia sản đó đều từ con chó mà ra.

    Cũng như những gia đình khác ở Cao Hạ, bà D. rất sợ gặp vận rủi với nghề sát sinh. Mỗi năm, vào những ngày rằm, mùng 1, ngày lễ, bà đều chuẩn bị lễ lạt chu đáo rồi cúng tế hàng giờ ở chùa Cao Hạ.

    Người cúng giải hạn cho bà D. chính là thầy Thích Thanh Thủy, trụ trì chùa Cao Hạ. Tôi tiếp chuyện, nhưng bà từ chối cung cấp thông tin. Hầu hết người dân ở làng Cao Hạ đều không muốn nói về công việc sát sinh của mình.

    Bản thân bà, dù đã giàu có lắm rồi, nhưng nỗi mất mát còn lớn hơn. Người chồng đầu ấp tay gối đã chết vì nghiệp giết chó. Con cái phương trưởng, làm các nghề khác, không theo nghề mổ chó.

    Bao năm nay, bà sống cô đơn một mình trong tòa biệt thự, nhưng buồn vô hạn. Bà đang sống trong khổ đau, dằn vặt, vì bà tin rằng, trăm ngàn kiếp nữa, bà phải chịu quả đau đớn, vì đã sát hại hàng vạn con chó. Dù bà D. không tiết lộ chuyện gia đình mình, song cái chết của ông K., chồng bà, thì cả làng Cao Hạ đều biết.

    Theo đó, nghề mổ chó đã có từ đời ông nội của bà. Ông nội của bà cũng chính là một trong số ông tổ của nghề giết mổ chó làng Cao Hạ. Khi đó, gia đình nghèo, ông nội bà phải lang thang khắp nơi, học nhiều nghề. Cuối cùng, ông học được nghề giết mổ chó từ một chủ lò mổ ở Bắc Ninh. Ông cụ đã mang nghề này về làng. 12 tuổi, cô bé D. đã biết đạp xe chở thịt chó đi bán. 15 tuổi nghễu nghện đạp xe chở chó về tận Hà Nội giao hàng. Vậy là, ở tuổi 56, bà D. đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề thịt chó.

    Bà D. lấy chồng, là ông K., người làng khác. Mặc dù là cán bộ Nhà nước, nhưng đồng lương công chức đói kém, nên ông đã bỏ cơ quan về giết mổ chó giúp vợ. Công việc mổ chó suôn sẻ, kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Thế nhưng, cách đây 15 năm, một vụ tai nạn giao thông khi ông đi giao thịt chó, đã cướp đi mạng sống của chồng bà.

    Sau cái chết của chồng, người ta đồn là gặp vận rủi do làm nghề sát sinh, nên người thân trong gia đình đều khuyên bà nên bỏ nghề. Bà D. cũng tính bỏ nghề, nhưng ruộng đất không có, bà lại chỉ thạo mỗi nghề mổ chó, đàn con đang tuổi ăn, tuổi học, không mổ chó thì lấy gì nuôi con, nên bà vẫn phải nhắm mắt theo nghề.

    Kể từ đó, bà năng đi chùa hơn. Cứ đến ngày rằm, mùng một, các ngày lễ lớn, bà đều lên chùa, làm lễ, mong linh hồn những con chó do bà sát hại được đầu thai vào loài khác, được siêu sinh, không phải làm kiếp chó nữa. Mặc dù, công việc giết mổ chó mỗi ngày một phát đạt, kinh tế mỗi ngày thêm khá giả, song bà D. không thấy hạnh phúc hơn. Bao năm trời bà khốn khổ với một cậu con trai. Anh này không ham học, không ham làm, mà chỉ phá phách tiền bạc của bà. Hết lô đề, cờ bạc, anh ta quay sang hút chích. Cuối cùng, người con trai này cũng chết vì sốc thuốc.

    Sư trụ trì Thích Thanh Thủy bảo rằng, ở làng Cao Hạ, bà D. là người rất tín tâm. Mỗi lần đi chùa, bà cúng tới vài chục triệu, đốt vô số vàng mã. Thầy Thủy bảo: “Tôi cũng thuyết giảng, tuyên truyền nhiều lắm, nhưng nghề mổ chó là miếng cơm manh áo của họ, nên họ không bỏ được. Họ vừa làm vừa vào chùa sám hối. Họ tưởng làm thế là thoát, nhưng họ đã lầm. Nhân – Quả rất công bằng. Dù có cúng cả tiền tỉ, thì họ vẫn phải nhận cái Quả, do đã gieo Nhân ác sát sinh.

    Trong Tam tự kinh có câu “Khuyển mã tứ tình”, tức là con chó, con ngựa có tình cảm với con người, nó cũng là một sinh linh như con người. Lại có câu “Khuyển thủ dạ, kê tư thần”, nghĩa là con chó thức đêm canh cho con người, con gà gáy sáng báo thức, thì con người mới sớm khuya an giấc. Con chó thân thiết với con người là vậy, mà sát hại nó, ăn thịt nó thì quá tàn nhẫn”.

    Theo thầy Thủy, không chỉ bà D., mà còn có một số chuyện chết chóc nữa trong làng Cao Hạ cũng liên quan đến con chó. Chính vì thế, người dân trong làng rất hoang mang, sợ hãi với công việc giết chó, dù họ là những chủ lò mổ.

    Có một cái chết được dân làng kể nhiều, là cái chết của ông H. Một đồn mười, mười đồn trăm, khiến cái chết của ông trở nên kỳ quái. Ngày đó ông H. gây dựng được lò mổ chó lớn nhất nhì làng Cao Hạ. Đêm nào vợ chồng ông với sự phụ giúp của con cái, cũng hóa kiếp vài chục chú chó. Thế nhưng, một đêm, sau khi đập chết chó, thui rơm vàng ươm, chuẩn bị mổ bụng moi lòng, thì mọi người không thấy ông H. đâu cả. Lát sau mới thấy ông chết bỏng trong nồi nước nhúng chó để vặt lông. Ngay sau cái chết của ông H. một thời gian thì đến cái chết của anh V., chồng chị C. Khi đó, anh V. tròn 40 tuổi. Anh là thợ mổ chó lành nghề nhất làng Cao Hạ. Chỉ 3 tiếng nửa đêm về sáng, mình anh mổ xong 10 đến 15 chú chó.

    Vì có tay nghề cao, nên kinh tế gia đình mỗi ngày thêm khấm khá. Thế nhưng, tai họa ập đến đúng lúc gia đình đang ăn nên làm ra. Khi anh cắm quạt điện để thui chó, anh bị điện giật chết, mặt mũi méo xẹo, nằm vật bên đống chó chưa kịp thui.

    Rồi cái chết cũng hết sức lãng xẹt của ông Nguyễn Văn L. Ông L. cũng là chủ lò mổ chó chuyên nghiệp ở Cao Hạ. Người Cao Hạ bị chó cắn như cơm bữa, nên nhà nào cũng thủ sẵn thuốc tiêm phòng.
    Mấy lần bị chó cắn, ông L. đều tiêm phòng cẩn thận. Thế nhưng, lần này, con chó cắn nhẹ, chỉ hơi xước ở cổ tay, nên ông chủ quan, không tiêm tiếc gì cả. Thời gian sau, ông lên cơn dại, rồi qua đời.

    Cái chết của 4 chủ lò mổ liên quan đến chó dù chỉ là sự trùng hợp bình thường, là tai nạn nghề nghiệp, song khiến người dân Cao Hạ hoang mang, đồn đại suốt nhiều năm trời.

    Họ sợ hãi cái thuyết nhân quả, gánh nghiệp sát sinh, nên không ai dám mổ chó nữa. Để duy trì sự hoạt động của lò mổ họ đồng loạt thuê thợ nơi khác đến giết mổ chó, còn dân trong làng chỉ làm những công đoạn tiếp theo. Họ muốn đổ cái nghiệp sát sinh đó cho những người làm thuê.

    Quả thực, lang thang ở làng Cao Hạ, tôi nhận thấy rằng, rất ít gia đình có được hạnh phúc đầy đủ, toàn vẹn vì nghề giết mổ chó. Chỉ có 3 gia đình giàu có, nhưng nhà thì có người chết chóc, nhà có con cái nghiện ngập. Còn lại, tất cả các hộ gia đình chỉ có mức sống bình thường từ nghề giết mổ chó. Nhiều người có được chút tiền từ lò mổ thì sa đà vào cờ bạc, ăn chơi, nghiện ngập…

    (Theo báo VTC news)​

    Nhân Quả tuần hoàn, oan oan tương báo, nỗi khổ đau súc sanh mà con người không hiểu được nên cứ gieo rắc Nhân ác rồi phải chịu Quả khổ. Vì sao không tin Nhân Quả mà cứ thoải mái sát sanh hại vật, để làm đầy túi bao tử ta, cái bao tử này có khác nào cái nghĩa địa chôn chứa toàn thân xác loài vật. Thỏa mãn cho cái miệng chỉ có vài phút, vài giây thôi nhưng oán sâu ngập trời, có đáng lắm không? Xin hãy quay đầu.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người