Số mệnh hay số phận là thân phận, địa vị, những điều may rủi, họa phúc, khổ vui, sang hèn, vinh nhục…đã được định sẵn cho cuộc đời của mỗi người. Tin rằng con người sinh ra với thân phận gì, ở nơi đâu, vào lúc nào, sống trong cảnh giàu sang hay bần cùng, sung sướng hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau, thời gian nào, bao nhiêu tuổi thì trở nên như thế nào, gặp phải những sự việc gì, tất cả đều đã được định trước, đó là niềm tin vào số mệnh. Người Trung Hoa cổ đại đã xếp ngôi thứ trong vụ trụ là Trời, quỷ thần, con người và vạn vật, trong đó Trời ở vị trí tối cao. Đức Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn của Trung Quốc, được xem là ông Thánh của Nho giáo đã từng nói: “Không hiểu mệnh trời thì không thể là người quân tử” (Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử giả-Luận Ngữ, Nghiêu viết). Khổng Minh Gia Cát Lượng, một bậc mưu lược kỳ tài thời Tam Quốc cũng từng thốt lên: “Mưu việc ở người, nên việc ở trời. Người muốn như vậy như vậy, lẽ trời chưa như thế, chưa như thế (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhân nguyện như thử như thử, thiên lý vị nhiên vị nhiên). “Người có mắt ắt thấy cảnh đau thương của đời sống. Nếu oai lực của Phạm Thiên (Brahma, Đấng Tạo Hóa) là vô hạn, tại sao Ngài không tạo một vũ trụ tốt đẹp? Tại sao Ngài không nâng tay lên để ban phước lành? Tại sao muôn loài do chính Ngài tạo ra lại phải bị đọa đài trong cảnh khổ? Tại sao Ngài không ban hạnh phúc cho tất cả? Tại sao đời sống lại đầy dẫy những xấu xa? Tại sao gian tham, giả dối, lừa đảo lại thắng, còn chân thật và công lý lại thất bại nặng nề? Ta liệt Phạm Thiên (Brahma, Đấng Tạo Hóa) vào hạng bất công đã tạo nên một thế gian hư hỏng”. Nếu bảo rằng con người là tạo vật hoàn hảo của Phạm Thiên (Brahma, Đấng Sáng Tạo, Đấng Tối Cao) thì tại sao lại có người câm điếc, kẻ mù lòa, người bị dị tật bẩm sinh, kẻ là quái thai còn trong bụng mẹ? Tại sao có người thông minh, kẻ đần độn; người chết yểu, kẻ sống lâu; người giàu sang, kẻ bần cùng? Nếu bảo rằng thế gian là tạo vật của một đấng tối cao có đầy đủ oai lực, toàn năng, toàn trí thì tại sao thế gian không hoàn mỹ? Tại sao thế gian lại bất đồng, thế gian có thiên hình vạn trạng và luôn mâu thuẫn, xung đột? Loài vật ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, con người tàn hại lẫn nhau cũng do ý chí của đấng tối cao sao? Cũng là con người nhưng tại sao lại có người hiền người dữ? Những con người hung ác bạo tàn cũng là do đấng tối cao tạo ra ư? Chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, nếu thế gian là tạo vật của Đấng Tối Cao, lẽ nào Đấng Tối Cao lại điên rồ đến mức sáng tạo ra thế gian rồi lại làm hư hỏng thế gian? Nếu bảo nhân loại được sinh ra từ ý chí của Đấng Tối Cao, là tạo vật của Đấng Tối Cao thì tại sao có người kính tin Đấng Tối Cao nhưng lại có người không kính tin Đấng Tối Cao? Tại sao có người luôn hướng về Đấng Tối Cao nhưng không được Đấng Tối Cao che chở, bảo vệ, họ phải tuyệt vọng trong bất hạnh khổ đau? Có người không hướng về Đấng Tối Cao, không kính tin Đấng Tối Cao lại có đời sống tốt đẹp an lành? Nếu muôn loài vạn vật là do Đấng Tối Cao tạo ra thì con người cần gì phải học tập, lao động, sáng tạo để làm ra của cải vật chất, những sản phẩm vật chất, tinh thần; loài vật cần gì tìm kiếm thức ăn và môi trường sống, cần gì tranh giành cấu xé lẫn nhau để được sinh tồn? Muôn loài phải vất vả nhọc nhằn để sinh tồn, để tạo dựng cuộc sống, có nhiều mảnh đời quằn quại trong bất hạnh khổ đau, nếu đó là do Đấng Tối Cao tạo ra thì Đấng Tối Cao là một kẻ độc ác đầy tội lỗi chứ không phải là kẻ nhân từ, chí thiện! Từ đó cho thấy Đấng Tạo Vật, Đấng Tối Cao Sáng Tạo, Đấng Tạo Hóa chỉ là nhân vật giả định hay sản phẩm của trí tưởng tượng khi con người chưa tìm ra được lời giải đáp cho những thắc mắc về các hiện tượng trong đời sống, nguồn gốc của con người, nguyên nhân của vũ trụ. Theo quan điểm của Đức Phật, con người và thế giới được hình thành từ vô số điều kiện, nhân duyên, không do một đấng tối cao hay một thần linh nào tạo ra cả. Cũng không có số mệnh, định mệnh buộc con người phải phục tùng, khiếp sợ. Lịch sử nhân loại luôn thay đổi, thế giới luôn thay đổi theo định luật vô thường, con người có thể chuyển biến từ xấu thành tốt, từ phàm phu thành thánh hiền, thì làm gì có số mệnh định sẵn. Nếu con người không nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau giồi, rèn luyện, tu dưỡng thì không thể tiến bộ, không trở thành gì cả, làm sao có thể ngồi chờ số mệnh an bài? Thái độ sống thụ động, thả trôi thả nổi cuộc đời là thái độ tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội. Theo Đức Phật, chính vì mỗi người có thể cải thiện, xây dựng con người mình (hay nói cách khác là thay đổi số phận, làm nên số phận) mà kẻ xấu có thể trở thành người tốt, kẻ dở trở thành người hay, kẻ ngu trở thành người trí, kẻ phàm thành bậc thánh nhân. Trong vô số kiếp, con người đã tạo biết bao nghiệp lành, dữ, thiện, ác, nếu không thể chuyển nghiệp thì làm sao có hiện tượng những bậc hiền trí, thánh nhân xuất hiện trên đời. CHÍNH BẢN THÂN TẠO RA SỐ PHẬN VÀ ĐỊNH MỆNH CỦA MÌNH, BẠN HÃY CHỦ ĐỘNG NẮM GIỮ SỐ MỆNH CỦA MÌNH. ĐỪNG ĐỎ THỪA CHO AI CẢ.