Trong cuộc sống, có những người khi mới gặp, chúng ta đã cảm nhận sức thu hút và cảm giác dễ gần. Cũng có những người khi mới gặp chúng ta đã thấy ác cảm. Người đó có thể là người tử tế và lịch thiệp, nhưng vì lý do gì đó, khi nhìn thấy họ, ta thấy dâng trào cảm giác khó ưa. Chỉ cần nhìn thấy mặt họ thôi cũng đủ làm cảm xúc chúng ta thay đổi. Đôi khi, chính chúng ta cũng không biết tại sao mình lại có phản ứng một cách tiêu cực như vậy đối với họ. Nếu không có sự kiềm chế, chúng ta có thể đã bày tỏ thái độ không được đẹp mấy đối với những người này qua lời nói cử chỉ không mấy tử tế. Tại sao điều này xảy ra? Duyên cớ của sự ác cảm này là do những mối quan hệ tiêu cực tạo ra với những người này trong một kiếp sống trước. Trong Phật giáo, chúng ta gọi đó là nghiệp duyên. Tuy nhiên, vì chúng ta có thể tạo nghiệp duyên xấu với người khác, chúng ta cũng có thể tạo nghiệp duyên lành với họ. Khi chúng ta tạo nghiệp duyên lành với người ở tiền kiếp, thì trong kiếp sống này, chúng ta tự nhiên sẽ thích họ. Khi thương mến rồi, thì những gì họ nói chúng ta đều thấy hợp lý và có thể dễ dàng chấp nhận được. Ngay cả khi quan điểm của họ méo mó hay lầm lạc, chúng ta cũng đặt niềm tin vào họ và nghĩ rằng họ đang đi đúng đường. Vì vậy, ngay cả khi họ dẫn chúng ta đến con đường sai trái, chúng ta vẫn sẳn lòng đi theo và tin rằng họ là những người làm đúng. Điều này bởi vì nghiệp duyên tích cực giữa ta và họ. Trong khi đó, khi chúng ta có mối nghiệp duyên xấu với người nào rồi thì chúng ta không thể chấp nhận được bất cứ điều gì họ nói. Mặc dù ngay cả khi họ là những người thật chân thành và tốt bụng, chúng ta cũng chẳng thấy họ thành tâm hay tốt lành. Bạn có nhớ câu chuyện về đức Phật, ngài Anan, và người đàn bà nghèo khổ trong làng không? Một hôm đức Phật đi vào ngôi làng của người đàn bà này. Ngài đã không cảm hóa được người phụ nữ này và bà ta chẳng thể nào đón nhận lời dạy của Ngài. Nhưng rồi khi người đàn bà này gặp ngài Anan, bà liền rất quý mến và cảm thấy thu hút bởi ngài Anan. Khi ngài Anan chia sẻ lời dạy của đức Phật đến với bà, thì bà hoan hỉ lắng nghe và nhận ra lời dạy mang lại nhiều lợi lạc. Tình huống này xảy ra là do nghiệp duyên của cả ba trong một kiếp sống trước. Trong kiếp sống đó, người đàn bà này đang đắm chìm trong đau khổ vì mất con. Một vị hành giả đi ngang qua vệ đường và nhìn thấy bà đang khóc. Vị này dừng lại và hỏi tại sao ba khóc. Mặc dù biết những giọt lệ kia là do người phụ nữ khóc con đã chết, vị hành giả lại bình thản giải thích rằng bà không cần phải than khóc đau buồn bởi cái chết của con bà là định luật tự nhiên của kiếp nhân sinh. Phong cách khô khan và lời nói quá thẳng của ông làm cho người phụ nữ cảm thấy ông là người lạnh lùng và khắc nghiệt. Bà cảm thấy giận và bị xúc phạm. Sau đó, một vị hành giả khác cũng tình cờ đi qua con đường này và cũng dừng lại để hỏi lý do tại sao có những giọt nước mắt đau buồn. Khi nghe về cái chết của đứa con bà, vị hành giả đã từ bi an ủi và chia sẻ quan điểm của đạo Phật về cái chết. Vị hành giả đầu tiên chính là tiền thân của đức Phật Thích Ca; vị thứ hai là ngài Anan. Bởi vì nghiệp duyên đã tạo trong lần gặp gỡ đó, mà trong kiếp này, người phụ nữ không cảm mến được đức Phật khi gặp gỡ, mặc dù đây là một vị Phật. Tác động của nghiệp duyên mạnh mẽ như thế đó. Thái độ và hành vi của chúng ta có tầm mức quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ nghiệp duyên. Mỗi xét đoán nhỏ nhặt hay giọng điệu khắc nghiệt trong một khoảnh khắc có thể tạo nên những nghiệp duyên tiêu cực. Vì thế, chúng ta cần phải chú tâm và nhận thức điều này trong cuộc sống hằng ngày của mình. Chúng ta cũng phải hiểu rằng những cảm giác tốt hay xấu mà chúng ta dành cho ai trong đời mình thực tế đều là do nghiệp duyên đã tạo từ trong các kiếp sống trước. Nghiệp duyên này chi phối nhận thức tốt hay xấu của chúng ta về họ. Nếu chúng ta nhận thức ra được điều này, thì ngay cả khi chúng ta ghét ai, chúng ta cũng có thể bắt đầu thay đổi nhận thức về họ và trở nên thành thục hơn trong việc chế ngự những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Khi đó, chúng ta có thể bắt đầu biến đổi các nghiệp duyên của chúng ta; vì ở mọi khoảnh khắc chúng ta thật sự có thể tạo ra những nghiệp duyên mới với mọi người. Nhưng, nếu chúng ta tiếp tục tin chắc là người kia là kẻ xấu và từ chối không chấp nhận là nhận thức của mình bị chi phối bởi nghiệp duyên, thì chúng ta sẽ tiếp tục duy trì các nghiệp duyên tiêu cực này. Nếu chúng ta thực sự có thể hiểu sự hiện hữu và tác động của nghiệp duyên thì chúng ta có thể chuyển hoá quan hệ của chúng ta với mọi người bằng các duyên tốt. Đây là một cách thực hành chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.