Khiêm tốn để được học hỏi và xả bỏ tâm cống cao ngã mạn: là một loại đức hạnh làm chỉ cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính cống cao ngã mạn, chỉ đưa đến sự hiềm thù mà oán ghét lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn mọi người thích gần gũi mến thương, thì ta phải biết khiêm tốn. Người biết khiêm tốn luôn được mọi người yêu mến, quý trọng. Người khiêm tốn là người luôn có tấm lòng từ bi quảng đại, biết bao dung và độ lượng trong mọi vấn đề. Chúng ta hãy tâm niệm như sau: “Xin cho tôi được làm đất, để mọi người được dẫm lên”. Người sống ở đời biết khiêm tốn mới học hỏi được nhiều điều hay, tu dưỡng phẩm chất đạo đức thanh cao, để làm gương sáng cho người học hỏi bắt chước tu tập theo. Người biết khiêm tốn là đi ngược lại với tâm cống cao ngã mạn, nên được nhiều người mến thương, người trí hoan hỷ chỉ dạy và giúp đỡ trong làm việc và tu sửa đạo đức. Nếu chúng ta tìm cầu danh vọng, phú quý giàu sang mà không thực hành hạnh khiêm tốn, thì khó mà thành tựu như mong muốn. Người hiểu biết nhiều và có địa vị cao thì càng phải khiêm tốn nhiều hơn nữa, đối với những người thấp kém hơn mình. Nhờ vậy, cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, bởi ta biết thương yêu mọi người bằng trái tim hiểu biết. Con Người sống phải có lòng yêu thương sự sống, người, vật, biết khiêm tốn nhún nhường trước mọi người, và hằng xét lại lỗi mình để tìm cách sửa đổi cho tốt. Như vậy, người khiêm tốn luôn đem lại niềm an vui hạnh phúc cho nhân loại, bằng tình người trong cuộc sống với tấm lòng từ bi rộng lớn. Sưu tầm