Người ta muốn có được thành công, có được những thành tựu thì phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài. Đừng sợ khổ sợ mệt khi mong cầu tiến bộ, vì người khác sẽ không vô duyên vô cớ mà dạy bạn những thứ này. Bạn đã từng xem chương trình truyền hình“Đại tác chiến cứu giúp người nghèo” đang rất được yêu thích ở Nhật Bản chưa? Trong chương trình này, các chuyên gia dựa vào hoàn cảnh của những người gặp khó khăn để đưa ra các kế hoạch khác nhau, tất cả đều không nằm ngoài những công thức này: “Phân tích nguyên nhân nghèo khó, nỗ lực thoát nghèo, và thành công”. Trong đó, những người được gọi là siêu sao và những nhà quản lý nổi tiếng, luôn kỹ tính, vạch lá tìm sâu. Thậm chí có lúc còn rất gay gắt và khắc nghiệt với người chơi (những người nghèo cần được sự giúp đỡ). Mỗi khi đến đoạn “thê thảm” này, đứa cháu của tôi lại hỏi: “Sao họ không thể đối xử với người chơi tốt hơn một chút được chứ, sao không dạy người ta đi?” Và tôi cũng luôn trả lời một câu:“Hà cớ gì mà phải dạy dỗ cho người khác chứ?”. Đúng vây, vì cớ gì chứ? Chính bản thân tôi cũng đã lĩnh hội qua ý nghĩa thật sâu sắc của của câu nói này. Đi làm từ năm 18 tuổi, tôi thường gặp phải những ông chủ rất khó chịu. Nếu không phải vì kiếm được nhiều tiền thì tôi đã không nhẫn nhịn lâu như vậy. Họ yêu cầu tôi tăng ca không điều kiện, làm việc luôn cả ngày nghỉ; họ yêu cầu tôi phải theo thói quen sinh hoạt và quan điểm của họ; bắt tôi phải sống theo phong cách của một người già… khiến tôi rất mệt mỏi. Mỗi khi bỏ việc, tôi luôn ra ngoài ăn một trận no nê, gọi những món ăn mình thích nhất để quên đi những ngày tháng cực nhọc vất vả. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cảm thấy không cam tâm, mặc dù nghĩ rằng mình đã trốn thoát, nhưng lại chẳng học được cái gì. Do đó, tôi đã từng thề rằng mình phải trở thành một người sếp sống có tình người, quan tâm gần gũi với cấp dưới. Và rồi, tôi đã phải khóc 3 ngày bởi vì tôi gặp phải một ông sếp khó chịu nhất, luôn đưa ra những yêu cầu rất vô lý cho tôi – một nhân viên mới, làm không tốt thì chửi mắng thậm tệ, suốt ngày bới lông tìm vết. Đến bây giờ, tôi cũng trở thành một người rất kỹ lưỡng, tàn khốc không kém. Sau khi trải qua một chặng đường dài tôi đã học được một bài học quan trọng:“Nếu người nào đó không tận tâm, thì hà cớ chi phải dạy cho họ!”. Muốn tiền bối chỉ dạy bạn những kỹ năng để thành công thì tự thân phải mong cầu. Một người bạn hiện giờ của tôi đang làm phó cơ trưởng nói rằng, kỹ năng hạ cánh của mỗi người không giống nhau, phải tiếp thu tất cả kinh nghiệm của các bậc tiền bối, từ đó rút ra cách của riêng mình. Nhưng phải làm thế nào mới có thể học được? Bạn phải chủ động hỏi, không quan tâm người khác có muốn dạy hay không, bạn cũng phải chăm chú lắng nghe, mở to hai mắt để nhìn. Người nhiệt tình muốn dạy bạn, thì phải cố gắng hết sức để phối hợp, làm theo yêu cầu và thói quen của họ, cần phải nhẫn nại, từ tốn khi trao đổi với họ. Hiện nay, anh ấy có được thu nhập 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu VNĐ) mỗi tháng, mua được nhà, sắm sửa đồ đạc, kinh nghiệm hạ cánh đã giỏi gấp trăm lần so với thời kiêu căng 7 năm trước, khi anh ấy mới từ Mỹ trở về Đài Loan. Hiện nay, anh đã thay đổi hoàn toàn, trở nên khiêm tốn, hòa nhã, khoan dung và nhẫn nại hơn rất nhiều. Nếu hiện giờ bạn cũng gặp phải ông sếp gớm mặt, vô lý, khiến cho bạn rơi vào tình cảnh khốn khổ, khiến bạn cảm thấy tự ái, bạn sẽ làm thế nào? Có lẽ nhiều người sẽ suy nghĩ như tôi trước đây, mong muốn được tự do nên viết đơn thôi việc. Nhưng nếu nghĩ lại, trong nên kinh tế năng động và cạnh tranh như thế này mà ông ấy vẫn tồn tại, thì chứng tỏ ông ấy có tiền đồ hơn bạn, phương pháp tốt hơn bạn, hơn nữa còn có rất nhiều kỹ năng và cách thức giải quyết vấn đề trong công việc, như vậy không xứng đáng để bạn nhẫn nhịn chịu đựng để học hỏi hay sao? Chỉ cần một ngày, bạn chưa đạt được ước mơ và mục tiêu của mình, thì vẫn cần phải nhớ câu nói này: “Người khác hà cớ chi phải dạy bạn?”.Nghĩ thông rồi bạn mới có cơ hội học được nhiều điều hơn … Những người thành công đều rất vui vẻ truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình, nhưng chỉ chia sẻ cho những người tận tâm ham học hỏi. Lê Hiếu, dịch từ Cmoney.tw Theo Truyền Thông Phật Giáo