Các ngôi chùa của người Khơme ở huyện Gò Quao, Kiên Giang từ lâu vẫn giữ tục lệ ướp xác các vị sư như là một cách bày tỏ lòng thành kính, vương vấn của các đệ tử với người quá cố. Họ không dùng hóa chất, cũng chẳng phải chăm sóc trong suốt quá trình lưu giữ thi thể, song thân xác của các vị sư vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị phân hủy. Niên đại của mỗi xác ướp có thể lên tới vài chục, thậm chí vài trăm năm. Điều đặc biệt, không chỉ hình thù xác ướp được giữ nguyên vẹn mà nội tạng bên trong thân thể vẫn được bảo lưu một cách tuyệt đối, “giống như người mới qua đời hôm qua”. Xác ướp nguyên vẹn đến “8 phần” Theo Đại đức Lý Long Danh Công - Trụ trì chùa Cái Bần (thuộc xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), việc ướp xác chỉ được tiến hành cho các vị sư, người dân bình thường có muốn ướp xác cũng không được, dù bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, không phải vị sư nào cũng được lựa chọn để ướp xác. “Người được lựa chọn ướp xác phải là những vị sư cả cao tăng đắc đạo, sống có phúc có đức, được mọi người kính nể, có nhiều đệ tử lưu truyền. Thế nhưng, việc này cũng phải được sự đồng ý của vị sư cả đó, nếu như di nguyện cuối đời của vị sư là không ướp xác thì các đệ tử cũng không thực hiện được”, Đại đức Lý Long Công Danh nói. Chính vì thế, từ trước đến nay, rất ít vị sư được ướp xác sau khi viên tịch. Lịch sử của chùa Cái Bần ghi lại, có 3 vị sư cả được các đệ tử ướp xác lưu lại trong thời gian dài rồi mới đem đi hỏa táng. Tại một số chùa ở Gò Quao như Cà Nhung, Rạch Tìa, Sóc Ven, Thanh Gia…, cũng từng có sư cả được ướp xác sau khi viên tịch song chưa có ghi chép nào cho thấy, việc ướp xác thất bại. Tất cả thân xác của các vị sư được ướp dù trải qua một thời gian dài nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay, tại chùa Cái Bần vẫn còn lưu giữ thi thể của Thượng tọa Danh Vơi, được ướp xác từ 7 năm về trước. Thi thể Thượng tọa Danh Vơi đặt trong cỗ quan tài to lớn ngay chính giữa chánh điện để mọi người hàng ngày thuận tiện thờ phụng. “Từ ngày tẩm liệm, tiến hành quàn cho thầy đến nay, hiện trạng vẫn được giữ y nguyên. Thi thể của thầy không hề bốc ra mùi hôi thối, hay bất cứ điều gì khác cho thấy thân xác bị phân hủy. Chính tay tôi là người trực tiếp tham gia chuẩn bị các công đoạn ướp xác cho thầy. Chiếc quan tài được làm bằng gỗ giáng hương nặng đến chục người khiêng không nổi. Tuy chỉ dùng mộng để khép các tấm ván lại nhưng chúng kín tới mức đổ nước cũng không thấy một giọt nào chảy ra ngoài, mảnh vải quấn quanh thi thể thầy cũng được lựa chọn rất kỹ càng vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ là việc ướp xác sẽ thất bại….”, một đệ tử của Thượng tọa Danh Vơi khẳng định. Là người nhiều lần chứng kiến tận mắt các vị sư được ướp xác, Đại đức Lý Long Công Danh khẳng định, chưa một lần nào ông chứng kiến việc ướp xác bí truyền của mình thất bại. Lần về lịch sử thuật ướp xác của các vị sư ở huyện Gò Quao, Đại đức Lý Long Công Danh cũng không thể biết được điều này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng qua lời thầy kể thì việc làm này đã có từ hàng trăm năm về trước. Ngôi chùa Cái Bần mà Đại đức đang trụ trì có lịch sử hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XXIV, lúc đó cũng đã có thuật ướp xác cho các vị sư rồi. Đại đức Lý Long Công Danh chia sẻ, với kinh nghiệm mấy chục năm được sư phụ truyền lại cho kỹ thuật ướp xác, ông đã nhiều lần được mời đi khắp nơi để “quàn” cho các vị trụ trì, rồi đến khi làm lễ hỏa táng họ lại tiếp tục mời ông đến trực tiếp làm những nghi thức cuối cùng rồi mới cho vào lò thiêu. “Mới tháng 3/2014, tôi trực tiếp tắm rửa cho Thượng tọa Hiêng Sép - sư cả chùa Sóc Ven. Sau gần 30 năm ướp xác, thân thể của thầy vẫn còn nguyên vẹn, lúc mở ra, trong áo quan có mùi thơm phức, thân thể tuyệt nhiên cũng không hề có mùi hôi”, Đại đức Lý Long Công Danh nói. Đại đức Lý Long Danh Công - Trụ trì chùa Cái Bần. Đại đức này cũng cho biết thêm, toàn bộ nội tạng bên trong thân thể Thượng tọa Hiêng Sép vẫn còn nguyên vẹn. Không những thế, bên ngoài da của Thượng tọa vẫn giữ nguyên được sắc thái gần giống với ban đầu, móng tay chân hay tóc có biểu hiện dài ra so với lúc viên tịch. Đại đức nói: “Những chấm đồi mồi trên mặt của Thượng tọa Hiêng Sép lúc sống như thế nào thì lúc tôi mở ra trên da còn in rõ những vệt như thế, không hề bị mờ hay bị che đi. Những nốt ruồi vẫn còn đó mà không bị biến mất. Từng chiếc móng tay, móng chân hay tóc cũng vẫn còn nguyên mà không hề bị tiêu hủy. Cái bụng, cái má chỉ hóp lại, còn đôi mắt nhắm vào như đang ngủ. Nếu so sánh, có thể nói, cơ thể Thượng tọa khi sống được 10 phần thì sau gần 30 năm ướp xác mở ra, thân thể của Thượng tọa vẫn còn được 8 phần”. Sau một thời gian ướp xác, hầu hết những vị sư ở huyện Gò Quao, Kiên Giang đều được các đệ tử đem đi hỏa táng, rồi bỏ tro cốt vào lọ, đem lên bảo tháp trong chùa thờ cúng riêng biệt để tỏ lòng thành kính. Mỗi khi có một vị sư được đem đi hỏa táng thì không khí đông như mở hội. Các nhà sư và phật tử ở khắp nơi tìm về cầu nguyện lên đến mấy nghìn người. Khóa lễ kéo dài 3 ngày 3 đêm liền, chật kín từ trong ra ngoài. Nghi thức quan trọng nhất trong khóa lễ này chính là lần cuối cùng giở thân xác vị sư ra để tắm rửa rồi đem vào lò thiêu được thiết kế sẵn trong chùa. Đại đức Lý Long Công Danh kể: “Không phải ai cũng được trực tiếp mở quan tài đưa thân xác vị sư đi tắm rửa. Chỉ có 3 người được lựa chọn, đó là một vị sư uy tín trong giáo hội, người trực tiếp tiến hành quàn cho vị sư năm xưa và cuối cùng là một đệ tử thân cận nhất của vị sư lúc còn sống. Tất cả ba người này phải đồng lòng, đồng trí thực hiện từng động tác một cách nhẹ nhàng, cẩn thận và đầy trách nhiệm, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm tổn hại đến thân thể của vị sư - đây là điều tối kỵ. Từng lớp vải trên người phải được tháo dỡ một cách cẩn thận, đặc biệt là lớp vải cuối cùng gắn liền với phần da thịt, người dỡ phải hết sức khéo léo, bởi miếng vải đó có thể dính vào lớp da, nếu không cẩn thận sẽ theo cả mảng da. Giai đoạn lấy nước tắm rửa cho thân xác lần cuối cùng cũng vô cùng khó khăn, phải dùng tay lấy nước tắm rửa cho thân xác mà tuyệt nhiên không được dùng vải hay thứ gì chà lên. Rửa xong mới dùng vải mềm, khô thấm từng nơi trên thân xác để nước ngấm vào đó. Thân thể sạch sẽ rồi sẽ mặc áo sư vào cho xác ướp rồi đem bỏ vào trong một chiếc áo quan khác, sau đó mới đem ra lò thiêu lấy tro”. Hé lộ bí quyết “có một không hai” Đại đức cũng chia sẻ thêm rằng: “Cách “quàn” mà tôi được học không nói gì đến việc lấy nội tạng bên trong cơ thể. Mọi thứ vẫn được giữ nguyên để thực hiện ướp xác, thế mà trải qua hàng mấy chục năm, nội tạng bên trong cơ thể vẫn không bị phân hủy. Nó chỉ teo nhỏ lại, khô đét rồi bám chặt lấy xương. Đây cũng là điểm khác biệt, lạ lẫm mà tôi cũng không thể giải thích được. Cách làm của chúng tôi đơn giản hơn rất nhiều so với một số phương thức ướp xác trên thế giới mà tôi được biết, nhưng mức độ hiệu quả thì chẳng kém gì nếu như không muốn nói là còn hơn rất nhiều nơi. Có thể do thường ngày các vị sư ăn chay niệm phật, giữ tâm tịnh nên thân xác khó tiêu tan. Việc quấn vải kín không để cho không khí lọt vào cũng có thể là một phần nguyên nhân, nhưng để biết chính xác thì cần phải có nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học”. Theo Đại đức Lý Long Công Danh, mỗi vị sư được đệ tử “quàn” cũng trải qua những nghi thức tiến hành làm lễ như bao người khác. Duy chỉ có điều, trước khi tẩm niệm, thân xác vị sư này sẽ được tắm rửa bằng nước sạch, sau đó tiến hành “xông hơi”. Ở đây, cách xông hơi phải được thực hiện bằng hơi nước đặc biệt. Lấy nhang đốt cháy để bên cạnh cây đèn cầy đang cháy, rồi lấy cái thau (chậu) úp lại. Được một thời gian nhất định, khi cái thau nóng rực lên, người ta mới lật ngửa nó, lấy nước đổ vào trong. Sức nóng của cái thau khi gặp nước sẽ tạo ra khói và hơi nước bay lên. Người ta lấy khói và hơi nước đó để xông cho thân xác, cứ như thế xông cho đến khi nào toàn thân xác có khói bám vào khiến da ngả màu mới thôi. Tiếp đến, dùng chè và cà phê chà mạnh vào khắp thân thể. Mỗi lần ướp xác tùy vào kích cỡ từng cơ thể mà phải cần dùng đến từ 20 - 40kg chè xanh và 20 - 40kg cà phê. Đây là công đoạn khó vì người làm phải chà mạnh và đều, làm sao cho chè và cà phê bám đều lên khắp thân thể. Mọi thứ xong xuôi, lấy từ 150 - 200m vải quấn kín khắp thân xác (trước đây, người ta thường dùng vải màn, ngày nay thường dùng vải thô hay may áo cho các nhà sư). Việc quấn vải phải đảm bảo sao cho kín, đều khắp cơ thể, từng vòng phải ôm chặt lấy nhau mà không hề có kẽ hở, để không khí không lọt vào. Bước cuối cùng là dùng những vòng dây caosu quấn chặt ở phía ngoài. Những vòng dây caosu này khi quấn không cần siết chặt như vải mà chỉ kéo vừa đủ để đảm bảo kín khắp thân thể. Mọi thứ hoàn tất thì giai đoạn “quàn” - ướp xác - cũng kết thúc, các đệ tử hoàn toàn có thể yên tâm tiến hành tẩm niệm, đưa sư phụ mình vào trong quan tài đậy lại, lưu trên dương thế một thời gian dài mà không sợ bị phân hủy. “Việc ướp xác tuy có đơn giản nhưng phải được tiến hành cẩn trọng bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng dẫn đến thất bại. Sư phụ tôi bảo rằng, công đoạn nào cũng phải làm cẩn thận, cái tâm cái trí một lòng vì người đã khuất và cả hàng nghìn người còn sống đang cầu nguyện ở bên ngoài. Trước khi tiến hành ướp xác cho một vị sư nào đó, tôi phải cắt hết cả 10 móng tay của mình để khi thực hiện, các đầu móng tay không cọ vào thân xác, vải, caosu mà tạo ra lỗ hổng khiến không khí lọt vào thì sẽ thất bại”, Đại đức nói. Ngoài ra, chất liệu gỗ làm quan tài dành cho các vị sư được ướp xác không cần yêu cầu lớn. Nếu là loại gỗ ngọc am thì tốt, còn không thì bất kể gỗ gì cũng được, thường các chùa ở huyện Gò Quao - Kiên Giang hay dùng gỗ giáng hương để làm quan tài. Chỉ có điều, việc làm áo quan cho những vị sư được ướp xác cũng có quy định riêng, các mặt của áo quan phải là một thể thống nhất, không được chắp vá. Việc liên kết giữa phần thành, trên, dưới… của áo quan tuyệt đối không được dùng các chất liệu hóa học hay một loại nào khác mà chỉ được làm bằng mộng của chính loại gỗ làm lên chiếc áo quan ấy, sao cho khi lắp vào với nhau, các điểm giao nhau phải khít tới mức có đổ nước vào cũng không rỉ ra một giọt nào mới đủ tiêu chuẩn. Mỗi chiếc áo quan như thế, các vị sư phải tự tay làm cả tuần lễ mới xong. Điều khác biệt duy nhất ở chiếc quan tài là được thiết kế một ống thông gió đặt một chiếc “dây ruột gà” nối từ trong ra ngoài để thoát khí. Lý giải cho việc này, Đại đức Ly Long Công Danh nói: “Những người khi khuất đi thân xác thường tỏa ra các loại khí, trong đó phần lớn là khí độc. Nếu khí độc này bị bí ở trong quan tài không thoát ra được sẽ làm ảnh hưởng tới thân xác, chính vì thế cần phải làm ống thông cho khí dẫn lưu ra bên ngoài. Có hai cách làm ống dẫn thông, cách thứ nhất là đưa ống thông ngẩng lên trời, cách thứ hai là làm ống thông luồn xuống dưới mặt đất”. Phòng Văn hóa huyện Gò Quao - Kiên Giang cũng ghi nhận từ trước tới nay có hàng chục vị sư trên địa bàn được ướp xác một thời gian rồi mới đem đi hỏa táng. Thời gian đầu, lo sợ việc này ảnh hưởng tới vấn đề môi trường nên một số đoàn khoa học cũng đã xuống tìm hiểu, tuy nhiên, tuyệt nhiên không thấy bất cứ biểu hiện nào cho thấy xác ướp có tác động xấu tới môi trường. Vì đây là hành động biểu tượng cao đẹp cho tình thầy - trò nên cũng được người dân ủng hộ và thực hiện theo quy trình rất nghiêm khắc, do đó, có thể coi như nét văn hóa đặc biệt của vùng miền, cần được bảo tồn có kế hoạch. Nguồn: Khánh Dương (Lao Động)