"1 phút nông nổi cả đời ray rứt" Cô gái vẫn ngồi im lặng chú tâm vào việc trang điểm khuôn mặt mình trước tấm gương soi. Cô đang tỉ mỉ kẻ cặp lông mày thật sắc nét không để ý đến giọng nói yếu ớt, khàn khàn vì bệnh của bà mẹ đang nằm phía bên kia góc phòng: - Vân ơi, con còn đó không, rót giùm cho mẹ ly nước. Mẹ khát quá! Cô gái vẫn yên lặng, thong thả gắn cặp lông mi giả cong vút vào mí mắt. Cô liếc ngang, liếc dọc, rồi đứng lên, xoay qua phải, xoay qua trái, chỉnh lại cái váy màu tím than, kéo cái cổ áo màu vàng nghệ xuống một tí để lộ ra cái ngấn ngực thật sâu, trắng muốt. Cô mỉm cười với mình trong gương. Ánh mắt cô sáng lên sự thỏa mãn và tự hào với sắc đẹp của khuôn mặt và những đường cong trên cơ thể đầy gợi cảm của mình. - Vân ơi, con còn đó không? Rót cho mẹ miếng nước con! Cô gái nhíu mày, xẵng giọng: - Nước trong bình thủy ở bên đó, mẹ rót cũng được chứ! - Nước trong bình hết từ hồi trưa rồi. Con coi dưới ấm trong bếp còn rót cho mẹ một miếng, mẹ khát quá. Mẹ mệt lắm. Tiếng thều thào, đứt quãng của người mẹ càng làm cô gái bực mình, nói như quát: - Tôi trễ giờ rồi. Mẹ tự xuống mà lấy đi. Đây đi xuống bếp cũng không nổi hả, làm như sắp chết không bằng! Có tiếng xe máy nổ giòn giã vừa đến ngoài cổng rào. Một thanh niên tóc nhuộm vàng khè như lông chim, cặp kính đen che gần nửa mặt, rồ ga đứng đợi. Cô gái hấp tấp bước ra cửa bỏ sau lưng giọng gọi hốt hoảng, yếu ớt của người mẹ cầu cứu: - Vân ơi, con đi hả? mẹ khác đến chết mất. Cho mẹ... Cho mẹ...! Ánh nắng xế chiều vẫn còn hầm hập hắt vào căn phòng nhỏ lợp tôn, nhờ nhờ ánh sáng của người mẹ đang nằm. Tiếng xe rú mạnh rồi xa dần, xa dần... Cả gian đại sảnh của nhà hàng ồn ào với đủ thứ âm thanh. Tiếng nhạc đinh tai, tiếng người cười nói, chào hỏi, tiếng kéo ghế, tiếng gọi nhau. Một sự hòa âm bình thường ở bất cứ một buổi tiệc cưới nào với các trai thanh, gái lịch, và những con người sang trọng, bảnh bao. Chợt toàn hôn trường như lắng xuống khi MC bắt đầu chương trình hôn lễ. Mọi con mắt đều hướng về sân khấu nơi cặp uyên ương đang tươi cười hạnh phúc bên cha mẹ của mình. Nhưng phải nói chính cái vẻ đẹp, cái duyên dáng trong giọng nói và cách dẫn dắt, giới thiệu chương trình của MC đã tạo được một không khí thật trang trọng, ấm áp và tươi trẻ. Một vài tiếng xuýt xoa của người tham dự: - Trời, con bé MC đẹp quá. - Con bé Tuyết Vân đấy, không biết sao? Mới hai mươi mốt tuổi, coi bộ còn dễ thương hơn cả cô dâu! Và rồi cả đại sảnh trầm xuống với nỗi xúc động sâu lắng khi giọng nói đầy sức truyền cảm của cô gái MC Tuyết Vân thánh thót vang lên như chính từ sự chân thành của trái tim: - Thưa quý vị, một nhà thơ đã viết “Biển cả bao la không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời của hai bạn Hoàng Yến và Minh Tân. Đó chính là nhờ công ơn biển trời của cha mẹ mà bổn phận làm con, dù có báo hiếu suốt cả một đời cũng không thể nào trả nổi. Để thể hiện lòng hiếu thảo, dù rất nhỏ nhoi, đối với ân đức vô lượng đã sanh thành dưỡng dục và xây dựng hạnh phúc hôm nay, mời hai bạn hãy kính cẩn dâng lên hai bên cha mẹ chung rượu mừng trong ngày đại hỷ...! Người ta thấy cặp mắt của cô MC dường như long lanh hai ngấn lệ. Cha mẹ nào lại không xúc động trước cảnh tượng ấy chứ. Có tiếng thút thít dưới hàng khách dự, vài bà cụ đưa tay quệt mấy giọt nước mắt suýt rơi xuống thức ăn…! Giọng nói, lời văn của cô MC Tuyết Vân cứ như liều thuốc tiên đánh thức được hết thảy những rung động thiêng liêng của tình ruột thịt mà dường như từ lâu đã ngủ quên trong những tế bào cằn cỗi của tuổi già. Mà cũng có thể ấy là những giọt nước mắt tủi thân vì các cụ cũng đã có lần rất hạnh phúc khi được con mình kính cẩn dâng rượu trước mặt đông đủ bà con bốn bên nội ngoại cùng bạn bè thân hữu trong cái hôn trường cũng hoành tráng như hôm nay, và đó là lần duy nhất chúng “biểu diễn” lòng hiếu thảo. Tiếng vỗ tay vang cả đại sảnh làm các cụ giật mình. Hôn trường lại xôn xao, xập xình tiếng nhạc. Cô MC Tuyết Vân mặt tươi như hoa nở, lộng lẫy dưới ánh đèn màu. Lại vài cụ xuýt xoa: - Ôi, ai có phúc sanh được đứa con gái đã xinh mà lại hiếu đễ như thế! Chị có thấy nó khóc khi nhìn cảnh dâu rể dâng rượu cho cha mẹ không? Một bà cụ ước ao: - Giá cô ấy làm dâu nhà mình nhỉ! Tiếng nhạc, tiếng hát giúp vui. Tuyết Vân duyên dáng, nhí nhảnh. Cùng nhau thật no, thật say. Thức ăn, thức uống dư thừa, đổ trên bàn, rơi xuống đất, lênh láng trên sàn. Tuyết Vân được bao khách hâm mộ mời cụng hết ly này đến ly khác. Hạnh phúc tràn ngập cả sảnh đường, dường như sự bất hạnh, thiếu ăn, thiếu uống không còn tồn tại trên cuộc đời này nữa...! Tuyết Vân bước xuống xe. Tiếng máy nổ xa dần. Cô gái chậm rãi bước vào nhà. Cô thấy hài lòng. Mọi thứ cho đêm cưới của một MC như cô thật hoàn hảo. Cô gái đẩy cửa. Bóng tối trùm cả căn nhà. Cô lầm bầm: - Tối rồi mà cũng không bật được ngọn đèn. Cô bước chân qua ngạch cửa. Bỗng cô loạng choạng hoảng hốt, chân cô vừa đạp phải vật gì mềm mềm. Cô lấy hết can đảm với tay bật công tắc. Ánh sáng bừng lên. Cô khiếp hãi hét lớn. Mắt cô mở to. Người mẹ nằm sóng soài trên nền gạch nham nhở, chiếc bình thủy lăn bên chân giường, cái nắp văng bên cạnh những mảnh thủy vỡ lấp loáng dưới ánh đèn. Cô gái chạy vội ra sân la to. Vài người hàng xóm chạy qua. Một người đàn ông cúi xuống bồng người mẹ lên, lắc đầu: - Bác ấy chết rồi! Cô gái bối rối trước ánh mắt của mọi người, vừa khóc vừa nói như phân bua: - Chiều nay con đi làm đám cưới, đã dọn cơm và pha nước đầy bình thủy để bên bàn cho mẹ con rồi mà, mọi thứ cần dùng để sát bên giường, không biết bà đi đâu mà té thế? Thêm một số người đến. Đèn được nối thêm. Vài người phụ nữ lào xào trách móc. Một người lên tiếng: - Thôi chuyện lỡ rồi. Con Vân còn nhỏ quá chưa biết gì. Xin bà con vui lòng mỗi người giúp một tay để lo hậu sự cho bác ấy. Nắng chiều in hình những chòm lá bồ đề lao xao trên sân chùa. Tôi nhìn bà lão đang ngồi bên cạnh trên chiếc ghế đá, mái tóc bạc phất phơ theo từng cơn gió nhẹ, cặp mắt nhìn vào khoảng không phía trước mà như đang nhìn vào một cõi xa xăm nào. Tuy mặc một bộ đồ nâu của nhà chùa nhưng trông bà vẫn đẹp lão, minh mẫn, vẫn còn vài nét thanh tú trên khuôn mặt mà dường như thời gian chưa kịp xóa nhòa. Tôi hỏi khẽ: - Sau đó thế nào nữa bác? Vẫn đăm chiêu nhìn vào khoảng không gian vô tận, bà lão lẩm bẩm một mình: - 49 năm, 2 tháng, 12 ngày tính cả ngày hôm nay. - Dạ, bác nói gì ạ? Tôi ngạc nhiên hỏi. Bà lão vẫn như nói với mình: - Mẹ của bác chết đến hôm nay là đúng 49 năm, 2 tháng, 12 ngày. Ngần ấy năm tháng bác đã sống trong nỗi giày vò của lương tâm, sám hối bao nhiêu cũng không gội rửa hết tội lỗi. Chỉ cần một phút thôi để pha cho mẹ của bác một ly nước thì mọi sự đã thay đổi. Thầy dạy rằng cái chết và cái sống chỉ cách nhau một hơi thở, cái thiện và cái ác chỉ cách nhau một sát-na của tâm. Tôi cầm tay bà lão an ủi: - Nhưng bác đã sám hối ngần ấy năm. Bà dưới suối vàng chắc đã hiểu và tha thứ cho bác vì ngày ấy bác còn quá trẻ chưa suy nghĩ được nhiều. Bà lão thở nhẹ: - Khi bác ngợi ca một cách trơn tru lòng hiếu thảo ở bữa tiệc thừa mứa đồ ăn thức uống thì mẹ của bác đang ngã gục chết khát vì sự bất hiếu của con mình. Có thể bà đã tha thứ cho bác, nhưng bác lại không thể tha thứ cho mình. Bỗng bà quay lại nhìn tôi: - Cháu còn bố mẹ không? Tôi gật đầu: - Dạ, còn ạ. Bà lão đăm chiêu: - Hãy lấy câu chuyện của đời bác vừa kể như bài học làm người, kẻo sau này bố mẹ mất đi có sám hối bao nhiêu cũng không tiêu trừ được tội lỗi đâu, cháu ạ. Tiếng chuông công phu chiều vang lên. Bà lão đứng dậy, chậm rãi bước về phía chánh điện. Tôi cũng đứng dậy, hỏi với theo: - Bác có con cái gì không? Bà lão không quay đầu lại. Tôi nghe tiếng bà trả lời như âm vọng từ một cõi xa xôi nào: - Có, nhưng tất cả chúng đã bỏ bác đi xa mãi cả rồi! chỉ còn lại 1 mình bác đó cũng là quả báo bác vì khi xưa không chăm lo cho mẹ của bác. Bóng bà lão xa dần. Thêm một tiếng chuông chùa lại vang lên, ngân nga, trải dài nhè nhẹ, như dùng dằng, như níu kéo một nỗi niềm nào giữa cái hư không tịch mịch trong ánh chiều đang dần tan loãng...! Theo Giác ngộ Online