...Ngoài việc đúc bức tượng Phật, còn có nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến ngôi chùa cổ hơn nghìn năm tuổi, mà không nhiều người biết... Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt ở chùa Cần Linh. Ảnh: T.G Pho tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt cao 3 mét, rộng 2,5 mét, đúc bằng 8 tấn đồng đỏ nhập khẩu từ nước ngoài, được rước an toạ trước chính điện của chùa Cần Linh, TP Vinh (Nghệ An) chưa lâu, nhưng cũng khiến nhiều người quan tâm vì những thông tin độc đáo quanh nó. Ngoài việc đúc bức tượng Phật, còn có nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến ngôi chùa cổ hơn nghìn năm tuổi, mà không nhiều người biết. Theo một nguồn tin, ngôi chùa này đã được Sở VHTT tỉnh Nghệ An lập hồ sơ đề nghị UNESCO giúp đỡ trong công tác bảo tồn văn hoá. Huyền tích về cổ tự nghìn năm tuổi Nằm phía Tây Nam thành phố Vinh, bên trái tuyến quốc lộ 46 chạy hướng Vinh – Nam Đàn, có một ngôi chùa mà người dân quanh vùng vẫn quen gọi bằng một cái tên dân dã là “chùa Sư Nữ”. Có lẽ do nhiều đời trụ trì ngôi chùa đều là ni sư nên dân gian gọi riết thành quen. Vài năm gần đây, cái tên gốc là chùa Cần Linh mới dần dần được khôi phục và thay thế cho cái tên dân dã trước đó. Trụ trì cổ tự, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn cho biết: Trong sách Đại Nam nhất thống chí (tập II, trang 191, NXB Thuận Hoá) có cả một đoạn khá dài nói về lịch sử ngôi chùa này. Truyền thuyết đất Hoan Diễn kể rằng: Cao Biền, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ, vốn là một nhà địa lí có tiếng, nên đi đến đâu cũng thường xuyên “ngắm nghía” thế đất, mạch nước để xây dựng đền đài, miếu mạo. Một phần là để nâng cao việc giáo dục “lễ nghĩa quân thần”, phát triển tôn giáo, phục vụ cho mục tiêu thống trị theo đúng nghĩa của “đại quốc”; Song mặt khác cũng là để “yểm” các huyệt lộ linh thiêng trên đất Việt. Khi đến đất Hoan Diễn (là Nghệ An bây giờ), Cao Biền nhận thấy long mạch ẩn vào dãy núi Đại Huệ chạy dài về phía Đông, còn mảnh đất nay là chùa Cần Linh chính là phần đầu của con Rồng, biểu hiện tụ khí địa linh nhân kiệt của đất phương Nam (khi đó). Nghĩ rằng sẽ chinh phục được nước Nam và duy trì nền thống trị Bắc thuộc lâu dài, nên vào năm 866, Cao Biền đã cho làm một ngôi chùa ở đây để “cầu may”. Hơn nữa, vào thời điểm đó ở làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nam giới thường chỉ sống được không quá 40 tuổi, nên việc xây chùa còn là để nhờ phép nhà Phật giúp cho Cao Biền và những người đàn ông ở mảnh đất này kéo dài thêm tuổi thọ. Ban đầu Cao Biền đặt tên chùa là Linh Vân Tự (nghĩa là “chùa mây thiêng”). Sử sách ghi về ngôi chùa này như sau: “Chùa thuộc xã Yên Trường, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang. Chùa nhìn ra bến sông, có giếng đá, phong cảnh thật đáng yêu, trước chùa còn hai cái ao như mắt của rồng”. Huyền tích về ngôi chùa quả là một bí ẩn khó có thể biết hết, song nếu đúng như những gì được ghi chép lại và những gì chúng tôi được nghe thì nó đã có lịch sử tới hơn 1.000 năm tuổi. Ngôi chùa được hai vị vua đến thăm Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn cho biết: Trước đây, đã từng có hai vị vua đến thăm chùa Cần Linh. Đó là vua Tự Đức và vua Bảo Đại của vương triều nhà Nguyễn. Khi đến cúng tế, cầu phúc an dân ở đây, vua Tự Đức đã hiến cho chùa hai bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề “Vương triều Đức tự hiến cúng”. Quá trình ở lại nơi này, vua Tự Đức thấy ngôi chùa linh thiêng với nhiều huyền tích bí ẩn, nên đã hiến tặng thêm một bức đại tự “Cần Linh”. Thực ra, ý ông muốn nói là “Cầu Linh”, nghĩa là ai muốn cầu cái gì, đến đây sẽ được toại nguyện vì nơi này rất linh thiêng. Tuy nhiên, lâu dần dân gian đọc chệch đi, hay có thể vì những lệ kiêng huý quá rườm rà của triều Nguyễn mà chữ “cầu linh” sau đó đã được đọc thành “Cần Linh” và nghiễm nhiên trở thành tên của chùa suốt bao nhiêu năm tháng sau này. Tư liệu nhà chùa còn cho biết, vào năm 2004, một đoàn cán bộ nghiên cứu về vật lí tâm năng đến khảo sát ở khu vực này đã nhận định: Vào đời vua Lê Lợi, có 314 chiến binh hi sinh từng được chôn cất tại khu vực phía Nam của vườn chùa này(?!) Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn bổ sung thêm rằng: Trong thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945, Sư cô Thích Diệu Viên, trụ trì ngôi chùa này đã tổ chức phát chẩn cơm, cháo cho người đói xin ăn quanh vùng. Tuy nhiên, vì đói khát lâu ngày, sức tàn lực kiệt nên một số người dân chưa kịp nhận khẩu phần của nhà chùa phát, đã lăn ra chết. Số người này cũng được sư trụ trì mở lòng từ tâm cho “nương nhờ cửa Phật”, đem chôn ở xung quanh khu vực chùa?! Những năm gần đây, một số lần sư trụ trì cho người đào hố trồng cây trong khu vực vườn chùa để lấy bóng mát, thi thoảng vẫn gặp các bộ hài cốt người, nên đã không cho tiếp tục xây dựng nhà cửa, trồng cây cối ở điểm đó nữa. Sư trụ trì và những người hảo tâm đã thuê chở gần 300 xe ô tô đất về đây đắp thành một gò đồi khá lớn, vừa để chùa tựa lưng vào núi theo thuật phong thuỷ, vừa để làm một ngôi mộ chung cho những người chết được chôn ở đây. Ni sư còn cho lấy đá ở dãy núi Đại Huệ, dãy núi Đại Hùng phía “mạch đất rồng” Nam Đàn và sẽ tiếp tục lấy thêm đá ở núi Dũng Quyết (TP. Vinh) để đưa lên dãy đồi làm giả sơn. Pho tượng Phật có chứa 2kg bạch kim Khi trụ trì tiền nhiệm là ni sư Niệm từ trần, được giao tiếp quản Cần Linh tự, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn đã âm thầm thực hiện ý định đúc pho tượng Phật Bà Quan Âm lớn nói trên. Năm 2000, Ni sư đến Nam Định đặt một người thợ mộc làm pho tượng gỗ Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, với tổng chi phí 16 triệu đồng. Nhưng khởi công một thời gian, vì lí do sức khoẻ người thợ đó không làm được. Biết được chuyện này ni sư buồn lắm, mấy lần định đi tìm một người thợ khéo tay khác để phó thác tâm nguyện của mình, nhưng chẳng đặng. Năm 2002, người thợ cũ đó thấu tâm nguyện tha thiết của Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn, nên đã giới thiệu cho một người thợ khác ở Cát Đằng (Nam Định). Ni sư tìm đến, ký hợp đồng làm pho tượng bằng gỗ với một cái giá cao hơn nhiều là 45 triệu đồng, nhưng rồi cũng không thể hoàn thành, vì gia đình người thợ này lại gặp điều không may. Công việc làm pho tượng tưởng chừng phải dừng lại và mãi mãi không bao giờ thực hiện được, thì may mắn đã đến. Trong một dịp được Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời tham gia ý kiến xây dựng công trình lớn của Phật giáo ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Yên Tử (Quảng Ninh), Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn gặp được một số thợ đúc đồng rất khéo tay, nên đã mời họ vào Nghệ An một chuyến để thăm chùa và tính chuyện hợp đồng đúc tượng. Sau một vài lần đắn đo khi nghe ý định của ni sư, cũng như biết chuyện bất thành của hai lần làm tượng trước đây, cuối cùng trước tấm lòng thành của vị sư nữ, tốp thợ này nhận lời. Vậy nhưng, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn vẫn không dám nói cho ai biết việc này, vì sợ rằng lại gặp trục trặc như hai lần trước. Bà lặng lẽ một mình chuẩn bị mọi nguyên liệu cần thiết. Việc làm hợp đồng, thiết kế rồi cả quá trình triển khai đều được âm thầm tiến hành ở Xí nghiệp đúc đồng Ánh Hồng (Nam Định). Năm 2003 hợp đồng được làm xong, nhưng mãi đến tháng 2 năm 2005, việc đúc tượng mới được bắt đầu. Cả khoảng thời gian khá dài này, ngày đêm Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn ăn không ngon miệng, ngủ chẳng yên giấc, không chỉ các lần toạ thiền mà ở bất cứ đâu bà đều khẩn cầu cho việc đúc pho tượng được an toàn, tâm nguyện suốt đời của mình được hoàn thành. Theo hồ sơ thiết kế mà chúng tôi được ni sư cho biết, thì bức tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt đặt trên toà sen này có chiều cao 3 mét, chiều rộng là 2,5 mét, được đúc bằng 8 tấn đồng đỏ nguyên chất nhập từ nước ngoài về. Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn cũng cho biết thêm rằng, trước lúc đổ khuôn, các thợ đúc đồng đã trộn lẫn 2 kg bạch kim; 3,1 cây vàng ta; 5 chỉ vàng tây vào chảo nấu đồng để lấy linh khí. Ni sư tâm niệm một điều là mong rằng mọi người đến tham quan và các Phật tử khi ngắm pho tượng thì tự nguyện từ bỏ tham lam, điều ác để quay về với cái thiện, xoá đi mọi tội lỗi có thể sống tốt đẹp vì dân, vì nước. Pho tượng Phật được đúc thành công vào ngày lễ vía 19/2 năm Bính Tuất. Đến tận thời điểm đó, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn mới công khai cho Phật tử và nhân dân quanh vùng biết để chuẩn bị rước đón về chùa. Ngày 10/5/2006 pho tượng Phật được rước từ Nam Định về Nghệ An và được bố trí tham gia cùng đoàn diễu hành trong dịp TP Vinh mừng ngày Đại Lễ Phật Đản 2550 năm. Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn tâm sự: “Tôi muốn mọi người mỗi khi đến chùa hãy gạt bỏ tâm ác, làm thiện, phụng đạo yêu nước. Tôi mong mỗi con người đều phải tự gột rửa mình, loại trừ cái xấu để đi đến “Chân, Thiện, Mỹ”, thực hiện phương châm: Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích chung của mọi người và của đất nước”. Tấm lòng này, chúng tôi xin được chuyển đến bạn đọc, những người đã, đang và sẽ đến với Cần Linh tự để viếng thăm ngôi chùa cổ, chiêm ngưỡng pho tượng độc đáo này và soi bóng chính mình trong sự thanh tao, thoát tục của đức Phật từ bi. Chí Long - Hữu Huỳnh (Gia Đình)