Ngôi chùa trong lòng đá

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Dọc theo quốc lộ 35 theo hướng Bắc Cạn, đến thị trấn Chợ Chu rồi men theo chân dải núi đá bên dòng suối mát lành, ngôi chùa Hang “tọa lạc” ngay trên vách đá. Chùa Hang thuộc xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

    [​IMG]

    Hằng năm lễ hội chùa Hang được tổ chức vào ngày 14/15 tháng giêng âm lịch, thu hút khách du lịch đến dâng hương tham quan và vãn cảnh chùa. Không gian tổ chức lễ hội được bố trí ngay phía sân trước cửa chùa. Sau nghi thức dâng lễ phật là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cùng các trò chơi dân gian được người dân nô nức tham gia.

    Thiên tạo kỳ vĩ

    Lần theo những bậc đá uốn lượn dẫn lối lên cổng chùa, chúng tôi đặt chân lên chùa Hang. Đây là ngôi chùa có cấu trúc đặc biệt, không giống với cấu trúc của những ngôi chùa thông thường. Nói đặc biệt là bởi, chùa được “thiên tạo” trong hang đá.

    Bước vào cửa chùa là một vòng tròn cửa hang khá rộng và thoáng mát, bên trong là một hang sâu với vòm mái cao, phẳng mà tạo hóa khéo “sắp xếp” bởi nhiều hình khối đá khác nhau. Không gian chùa có hai gian, gian trên gần cửa hang và gian dưới thấp hơn gần cửa sau của chùa. Phía bên trong nữa là hang sâu chưa được khám phá.

    Là không gian của núi đá nên chùa được “trang trí” bởi những nhũ đá rủ xuống như những chiếc đèn lồng rồi những trụ đá được tạo bởi những giọt “nước trời” từ trên vòm nhỏ xuống. Nếu để ý kỹ, bất ngờ du khách sẽ thấy có đàn voi đồng hàng chục con đang quây quần trong hang, có hổ, có rồng uốn lượn phía trên cửa hang. Rồi trên vòm mái của chùa có cả cá, khủng long trên vòm mái của chùa...

    Vãi Nguyễn Thị Phúc, người nhang khói ở chùa Hang thì hang chùa này bảo: có thể được tạo bởi sự xâm lấn của nước biển từ thuở tạo trời, tạo đất nên những tảng đá trong chùa bị bào mòn, lũa dần thành những hình khối độc đáo kỳ dị như vậy.

    Bước chân vào không gian chùa Hang, du khách được sống trong không khí yên tĩnh, thanh tịnh, trầm mặc và linh thiêng chốn cửa Thiền. Cái độc đáo ở ngôi chùa này có lẽ không gian có sự chan hòa giữa tuyệt phẩm của thiên nhiên với không khí tâm linh và thiện tâm từ bi của chúng sinh. Sư thầy Thích Thanh Thắng bảo: “ Đến với chùa Hang là đến với chốn bình yên nơi tiên cảnh, thoát hẳn với bụi trần”.

    [​IMG]
    Ban thờ Phật

    Ngôi chùa là một quần thể gồm Hang Trên, miếu Mẫu, nhà Tam quan, Hang Dưới. Điểm độc đáo của hang là bên trong có nhiều điểm nước chảy lâu ngày tạo nên những "ruộng cô tiên", bàn thờ Phật, một tấm bia cổ thời Nguyễn và một quả chuông cổ. Ngày nay, chùa được bố trí thành hai gian: gian phía trên thờ phật Thích Ca, Quán thế âm Bồ tát, tượng Đức Ông, tượng Đức Thánh hiền; gian phía dưới có ban thờ tam tòa thánh Mẫu. Ở các hang nhỏ trên vách hang có các bàn thờ nhỏ thờ sơn thần, thổ thần.

    Ý niệm “đạo” – “đời”

    Trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, những ngày đầu khi cách mạng còn trong “trứng nước” vô cùng khó khăn, gian khổ, chùa Hang còn là một căn cứ cách mạng quan trọng. Trong tình thế giặc pháp truy lùng, càn quét lực lượng cách mạng, nhất là cơ quan đầu não của Đảng ta, chùa Hang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc bí mật, luận bàn những kế sách quan trọng chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông năm 1950. Vì vậy, ngày nay, cùng với ban thờ Phật, chùa Hang còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thiêng liêng và tôn kính. Điều đặc biệt, ban thờ Bác Hồ được đặt ngang với ban thờ Phật trong không gian chùa. Khi được hỏi về điều này, sư thầy Thích Thanh Thắng nhấn mạnh: “ Trong lòng dân, Bác Hồ là một vị phật nhân từ, bác ái, nên đặt ban thờ như vậy là một niềm tôn kính vô cùng”.

    [​IMG]
    Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Phía bên ngoài chùa, thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp làm cho du khách quên hết mọi mệt nhọc ưu phiền. Phía trên là núi đá cao sừng sững, kì vĩ với cỏ cây hoa lá mọc trùm xuống cửa hang. Núi cao soi bóng xuống đồng lúa xanh ngát càng làm tôn nên cảnh sống thanh bình, yên ả của một vùng quê. Phía sân chùa, cây Hoàng Lan đã hơn 200 năm tuổi, thân to, tỏa bóng xanh mát cả khu cổng chùa, rễ cây mọc dài, bám sâu vào lòng đất. Cứ chiều chiều, sư thầy Thích Thanh Thắng lại nổi hồi chuông chùa làm vang vọng cả một vùng quê. Từ bao đời nay, tiếng chuông chùa Hang vẫn vang lên như thế.

    [​IMG]
    Thanh bình như tự cổ kim

    Dời chùa Hang, bước chân xuống núi theo từng bậc đá, khói hương nơi cửa Thiền cùng tiếng tụng kinh hòa vào lòng người làm chúng tôi vương vấn. Nơi đây đã thiên tạo một hang động tuyệt đẹp và đó để cho lòng Thiền viên mãn, cho ý chí cứu nước của những người con ưu tú nung nấu. Ý niệm đạo và đời trong lòng chúng tôi đã hòa làm một.
    Nguyễn Thế Lượng​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người