Có khi nhẫn để vị tha Có khi nhẫn để thêm ta bớt thù Có khi nhẫn tỉnh giả ngu Hơn hơn thiệt thiệt đường tu ai tường Có khi nhẫn để vô thường Không không sắc sắc đoạn trường trần ai Có khi nhẫn để tăng tài Khôn khôn dại dại nào ai tránh vòng? Có khi nhẫn để rõ ràng đúng sai Bạn bè giao thiệp nào ai? Có khi nhẫn để kính người trọng ta Kể ra cũng khó đó mà Chữ tâm chữ nhẫn xem ra cũng gần...! Một chữ nhẫn thôi cũng khó rồi. Thâp tam ma nghiêp cứ kéo lôi. Tâm thân muốn nhẫn mà bị khích.. Mâu thuẩn éo le chuyện cuộc đời.. Tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm Để tâm tình đạo nẩy mầm sinh Mở vòng tay lớn và đạo pháp Dìu dắt nhau tu suốt hành trình. Nhẫn là nhẫn nhục, là nhịn, là chịu đựng phần kém về mình, phần thiệt thòi về mình. Đây là pháp tu của Bồ Tát: bố thí trì giới… mà mục đích là tu và độ chúng sanh (lợi mình lợi người) Là con người ít nhiều chúng ta đều có những phút giây nổi lên cơn giận dữ và khi giận dữ thì ta dễ dàng mất bình tĩnh, nóng nảy, vội vàng. Có thể trong những phút giây ấy, ta không làm chủ được lời nói và hành vi của mình mà nói ra những lời gây thương tổn cho người khác, làm những việc hủy hoại hạnh phúc của mình và của người. Học pháp nhẫn chẳng sanh oan trái Giữ tâm không khỏi phải lụy phiền Sống cõi đời thông thả bình yên Hướng nẽo đạo diệu huyền trực chỉ “Nhẫn” là một lưỡi đao ở trên cái tâm, gặp chuyện mà không nhẫn nhịn tốt thì sẽ buồn phiền, nếu nhẫn nhịn được thì sẽ thấy trời biển mênh mông, tiêu tan tai vạ tránh được đại họa. Đây chỉ là một quan điểm của người xưa được lưu truyền lại chứ không phải là một định nghĩa buộc chúng ta phải công nhận. Nhưng từ đó ta hình dung được phần nào về hạnh nhẫn. Nhẫn nhục không có nghĩa là ươn hèn khiếp nhược, khom lưng cúi đầu trước mọi hành động bạo tàn của người mà là kiên gan bền chí nhịn chịu mọi sự mạ nhục, sự khó khổ, sự khen ngợi cũng như sự thắng thế, để hoàn toàn làm chủ lấy mình, để sau rồi xây dựng lại họ. "Nếu có người trí ưa tu nhẫn nhục, người ấy dáng điệu hòa nhã, hằng tươi tỉnh, ưa vui cười, mọi người trông thấy đều hoan hỉ, nhìn không biết chán..." (Kinh Ưu-bà-tắc, phẩm Nhẫn Nhục) Muốn đạt được hạnh nhẫn nhục, chúng ta cần phải quán từ bi. Vì có nước từ bi mới dập tắt được ngọn lửa nóng giận. Từ bi sẽ giúp ta hăng hái hoạt động, kiên nhẫn vượt mọi khó khăn để thành công trên công trình lợi tha viên mãn. Chúng ta biết rồi ý nghĩa của chữ Nhẫn, thì từ đây về sau cố gắng tu tâm dưỡng tánh, sống theo đó nhất định chúng ta sẽ có một cuộc sống an lạc vui tươi cho đời sống hiện tại và mãi mãi về sau. Nếu Đã hiểu phật pháp thì chúng ta nhất định phải biết nhẫn. Nhẫn là nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn. Có người nói: “Tôi thật là nhịn hết nổi rồi!” Nếu chúng ta nhịn hết nổi, tức là không thể “hết” được. Hết cái gì? Là hết nghiệp chướng. Nếu nghiệp không tiêu, tình chưa không, tức là còn có sanh tử. Cho nên nói: “Nghiệp bất trọng, bất sanh Ta-bà. Ái bất đoạn, bất sanh Tịnh độ.” Chừng nào nghiệp tận, tình không, đến lúc đó chúng ta mới hết sanh tử và được giải thoát thật sự. Người tu hành nên có công phu tu nhẫn nhục. Nhẫn đói, nhẫn khát, chịu gió, chịu mưa, chịu nóng, chịu lạnh, đến nỗi phải nhẫn sự chửi mắng, và nhẫn sự đánh đập luôn. Những cảnh nầy đều là thử thách. Như tôi thường nói: “Tất cả là khảo nghiệm, xem bạn sẽ làm sao? Đối cảnh mà không biết, phải luyện lại từ đầu.” Dù gặp nghịch cảnh như thế nào đi nữa, chúng ta cũng nên tiếp nhận với tâm lý “nghịch lại thuận thọ.” Chúng ta đừng để cảnh giới xoay chuyển, hoặc dựng cờ trắng mà đê đầu xin hàng phục. Người xưa nói: “Việc nhỏ mà không nhịn tức sẽ làm hư chuyện lớn.” Nhẫn nhịn là bảo vật vô giá: “Nhịn giây lát, gió yên sóng lặng; lui một bước, biển rộng trời xanh.” Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, có một hôm Ngài đi ngang qua bờ sông và thấy một con dã can (thuộc loài lang sói), muốn ăn thịt con rùa. Nhưng con rùa thì rút đầu, thụt cả chân tay vào trong cái mai, rồi nó nằm yên không động đậy một lúc thật lâu. Dã can vì không có tâm kiên nhẫn nên bỏ đi, còn rùa nhờ có lòng nhẫn nại mà bảo tồn được sanh mạng. Đức Phật nói với Tôn giả A Nan rằng: “Người tu hành cũng nên như vậy.” Bậc cổ đức nói: “Gần đây tôi mới học được cách của con rùa, lúc nào đáng rút đầu thì hãy rút đầu.” Trong lúc nóng giận mà quý vị nhịn được, thì quý vị sẽ miễn lo âu cả trăm ngày. Nếu người ta chửi mình, xem như mình đang thưởng thức một bài hát đang thịnh hành. Nếu có người đánh mình, xem như mình đi đường vô ý va vào cột cửa. Nếu quý vị quán tưởng như thế, dù là giáo mác gì cũng tự nhiên biến thành ngọc lụa. Nếu không, ngọn lửa vô minh nổi cơn lôi đình sẽ bốc cao ba trượng, mà phát thành một trận đại chiến. Kết quả hai bên đều bị thương, không những tổn thương tình cảm, lại còn mất cả nhân cách và bị người ta chê bai là mình thiếu tánh điềm tĩnh. Cho nên nói: “Thọ tận thiên hạ bá ban khí, dưỡng tựu hung trung nhất đoạn xuân,” tức là chịu được hết trăm lần lời chỉ trích của thiên hạ, sẽ nuôi dưỡng thành khúc nhạc xuân trong tâm ta. Chúng ta có thể lấy những lời vàng ý ngọc nầy để làm câu châm ngôn cho mình. NHẪN KHÔNG PHẢI LÀ NHỤC... và quyền năng của chữ nhẫn Thời Đức Phật còn tại thế, một đệ tử của Ngài là ông Punna xin Phật đi qua truyền đạo tại xứ Sunàparanta, là một xứ có tiếng rất hung ác. Phật hỏi ông Punna: - Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe, lại còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao? - Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là người tốt, vì họ không dùng cây đánh đập con, hay lấy đá ném con. Phật hỏi tiếp: - Nếu họ lấy cây đánh ông, hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao? - Bạch Thế tôn, con nghĩ : Họ vẫn còn lòng nhân, vì họ không chém giết hay đánh con đến chết. Phật lại hỏi: - Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao? - Bạch Thế tôn, con nghĩ : Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống khốn nạn này. Đức Phật khen: - Hay lắm! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được! Ông Punna qua xứ Sunàparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều quy đầu Phật pháp. Nhẫn nhục như ông Punna mới thật đúng là nhẫn nhục Ba la mật, nghĩa là nhẫn từ ngoài thân đến trong tâm, nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn. Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa giá trị và công đức lớn lao, quý báu của Nhẫn , chỉ một chữ '' NHẪN '' nhưng hàm chứa biết bao ý nghĩa thâm sâu. Người tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật, trước hết phải do ý muốn kiềm chế vọng tâm, diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tật đố, tự ái, tham lam... Nếu có người chửi mắng, mình phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: “Ta có làm điều gì sái quấy không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, ta nên cảm ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu mà phải khổ tâm nghĩ đến?”. Hơn nữa, người tu nhẫn nhục còn nhắm mục đích trau dồi lòng từ bi và hỷ xả, ta nhẫn nhục không oán giận, không trả thù là ta thương người, ta muốn xem mọi người như thân thuộc anh em. Ta nhẫn nhục vì ta không muốn cuộc đời là một đấu trường, một bãi chiến, một lò lửa của sân hận, đốt thiêu tất cả. Nhẫn nhục không phải là hèn hạ, thất bại mà ngược lại nó thể hiện sức mạnh của một người có bản lĩnh, biết làm chủ nội tâm, biết lấy “Nhu thắng cương, nhược thắng cường”. Đừng lo đương đầu với biển nổi lôi đình mà hãy cho ghe tàu vào vịnh núp. Sức mạnh của “nhu” bao giờ cũng tác dụng hơn “cương”. Lùi một bước để tiến lên ba bước. Bạn đừng bao giờ thắc mắc “không làm gì mà bị nhiều người ghét''. Có đấy bạn. Ánh sáng tài cao, đức lớn của bạn tấn công bóng tối bất tài, thiểu đức của nhiều người. Mà như vậy đã đủ bạn bị bôi lọ rồi, không cần phải hành ác và hại đến ai. Cho nên, thượng sách vẫn là “Bá hạnh nhẫn chi vi thượng” (Trăm hạnh, nhẫn là hơn hết). Và cao hơn, bạn sẽ nhẫn đến mức không còn biết mình đang nhẫn nữa. Với lòng nhẫn nhục vì sự an vui, hạnh phúc chung cho muôn người thì người hiền sẽ trở thành bất diệt. Có thể họ chỉ tồn tại một đời nhưng sống đến muôn đời là vậy., khi trút bỏ xác phàm cũng có nghĩa là họ bắt đầu đời sống vĩnh cửu trong tiềm thức của nhiều thế hệ sau đó. Tĩnh Tâm