Nhân gian cũng thường có câu, trong các món nợ đời thì nợ ân tình là món nợ khó trả nhất. Theo giáo lý nhà Phật, trong cuộc đời có 4 thứ tuyệt đối ta không nên mắc nợ, đó là tiền bạc, là trách nhiệm, là ân tình và thời gian. Về món nợ tiền bạc, theo lẽ tự nhiên, có vay thì có trả. Thế nhưng ở đời, nhiều người vay tiền không muốn trả. Theo các vị giảng sư, đó là cách họ đang gieo nghiệp nghèo cho mình mà không hề hay biết. Chuyện vay nợ ở đời chẳng có gì là lạ. Nhưng nợ tiền, nợ của dễ bề vay trả. Còn những thứ không đong đếm được ví như ân tình thì làm sao mà trả hết. Bởi thế mà nhà Phật từng răn dạy “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm”. Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước.. Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ. Trong cuộc sống nhiều người rất hay được gặp “quý nhân” giúp đỡ mình. Theo lý giải của nhà Phật thì đó là do đời trước họ đã giang tay giúp người nên đời này họ được thọ nhận do nhân quả mang lại. Nhưng ân nghĩa nào cũng nên có điểm dừng. Chúng ta không nên nhận quá nhiều bởi như vậy sẽ khiến ta tổn phước và quay trở lại mắc nợ món nợ ân nghĩa. Nhân gian cũng thường có câu, trong các món nợ đời thì ân nghĩa là món nợ khó trả nhất. Vì đây là món nợ khó trả nên trong các mối quan hệ xã hội, nếu ta nhận nhiều ân tình của nhiều người thì ta sẽ càng mắc nợ nhiều. Mà càng mắc nợ nhiều thì cuộc sống của chúng ta sẽ khó bình yên. Bởi với cha mẹ ta, dù ân nghĩa mà họ cho ta là vời vợi, là thâm sâu nhưng họ không bắt ta phải trả. Còn với người đời thì khó ai “nước mắt chảy xuôi” đối với ta, yêu thương ta mà không đòi hỏi ta phải báo đáp. Giữa bạn bè với nhau tốt nhất không nên vướng vào món nợ ân tình, đặc biệt nếu là người thân thì lại càng không nên. Bạn có thể sẽ hoài nghi, đã là người thân thì sao tránh được nợ nhau tình cảm. Bởi lẽ thường người một nhà vẫn hay tình nguyện làm gì đó cho nhau, giúp đỡ nhau mà không đòi hỏi yêu cầu hay đền đáp. Nhưng chính vì lẽ đó mà chúng ta càng nên tỉnh táo để sống một cách trọn vẹn với lương tâm. Người giúp ta một thì ta phải trả một hoặc gấp đôi, thậm chí là hơn nữa. Theo Báo Mới