Cuộc đời con người tưởng dài mà ngắn lắm, mấy chục năm tưởng lê thê mà cũng chỉ cái chớp mắt là qua. Sân si nhiều, bi ai cũng không ít, vậy đời con người điều gì là khổ nhất? Người xưa thường nói: Có lương thực ngàn gánh cũng chỉ ăn một ngày 3 bữa, có căn nhà lớn 10 tầng cũng chỉ ngủ ở một gian, báu vật trăm xe ngựa trong lòng vẫn có buồn phiền, quan to lộc hậu cũng là đi làm hàng ngày, vinh hoa phú quý cũng chỉ là thoảng qua như mây khói! Vậy hà có gì, người ta cứ phải kèn cựa, tranh giành nhau từng chút? Sống trên đời, người ta phải đối mặt với biết bao xô bồ lừa gạt, oán than, bất mãn... tất cả cũng đều xuất phát từ sự tranh giành, đấu đá mà ra. Một khi tranh giành được “quyền và tiền” trong tay thì hạnh phúc sẽ mất đi. Tranh giành được “thanh danh” thì niềm vui cũng sẽ không tồn tại. Những thứ không thuộc về bản thân mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an. Nói cách khác, những thứ mà con người vắt óc để nghĩ cách tranh giành được, không phải là “hạnh phúc, niềm vui và an tâm”, mà chỉ là “phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi” về thể xác và tinh thần. Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại lúc nào cũng đấu tranh giành giựt, để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Trong gia đình khổ vì phải làm việc vất vả, nhọc nhằn để lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau hoài lại càng khổ hơn, mong cầu mà không được cũng khổ, thân ốm yếu hoặc sung mãn quá cũng khổ. Ngoài xã hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế oán giận thù hằn ngày càng thêm chồng chất. Sự tranh giành đem đến nhiều thống khổ Cũng bởi tranh giành, mà người ta sinh ra bốn điều khổ nhất Thứ nhất, là nhìn không thấu chính mình: Không nhìn thấy được bản thân mình lạc trong vòng luẩn quẩn, không thấy vết thương của mình sau mỗi lần tranh đấu, không nhìn thấy nơi yên tĩnh ở phía sau sự sầm uất vô vị, chính là một nỗi khổ lớn của đời người. Thứ hai, là luyến tiếc: Luyến tiếc sự ưu việc của bản thân trong quá khứ, luyến tiếc những sự việc không tới nơi tới chốn đã từng làm, luyến tiếc những hư vinh, những tiếng vỗ tay đắc thắng. Sống trong luyến tiếc thì cả đời sẽ dằn vặt không yên. Thứ ba, là không đứng dậy sau thất bại: Cuộc sống ai mà chưa từng thất bại, nhưng nếu thất bại mà lại gục ngã, không thể đứng dậy được thì phần đời còn lại có lẽ chỉ là những lời than trách mà thôi. Thứ tư, không thể vứt bỏ: Không buông bỏ được người và sự việc đã đi xa, không vứt bỏ được những mặc cảm về tội lỗi trong quá khứ sẽ giống như mang theo tảng đá khi đi đường dài vậy, thật khổ, thật mệt. Để giảm bớt tranh giành, giảm cái khổ cho bản thân, Phật quan niệm rằng: Người nhiều tiền hay ít tiền, đủ ăn là được rồi! Người xấu hay đẹp, vừa mắt là được rồi! Người già hay người trẻ, khỏe mạnh là được rồi! Gia đình giàu có hay nghèo túng, hòa thuận là được rồi! Chồng về sớm hay về muộn, có về là được rồi! Người vợ phàn nàn nhiều hay ít, lo việc nhà là được rồi! Con cái dù làm tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ cũng được, an tâm là được rồi! Nhà to hay nhà nhỏ có thể ở được là được rồi! Trang phục có thương hiệu hay không, có thể mặc được là được rồi! Ông chủ không tốt, có thể chịu được là được rồi! Hết thảy phiền não, có thể giải được là được rồi! Cả đời người, bình an là được rồi! Khổ được biểu hiện qua phần thân và tâm. Cơ thể đau nhức là nỗi khổ ở thân này, chẳng hạn như cảm giác đau đớn do bệnh tật hay tai nạn và cảm thấy khó chịu do nóng lạnh, đói khát. Tâm đau khổ như bất mãn, phiền muộn, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, bất an bởi những thứ không được hài lòng vừa ý. Học cách buông bỏ tranh giành, chính là cảnh giới cao nhất của sự an yên. Phong Linh (TH)/Theo Khỏe & Đẹp Những lời phật dạy về cuộc sống đáng suy ngẫm: Nam Mô A Di Đà Phật