Nghiệp lực tuy không có hình tướng cụ thể, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có sức mạnh chi phối, cuốn hút, hấp dẫn lạ thường. Cũng như gió, tuy không thấy hình tướng ra sao mà nó có thể làm nên phong ba bão táp, cuốn trôi tất cả khi đủ nhân duyên. Nghiệp lực cũng lại như thế. Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, một thanh niên vì thấy sự bất bình đẳng và những sai biệt trong xã hội nên muốn tìm ra sự thật của kiếp người. Anh đã thưa hỏi nhiều vị đạo sư nổi tiếng mà chưa một vị nào giải đáp được thỏa mãn tâm tư, nguyện vọng của anh, nghe đồn Phật là bậc xuất trần thượng sĩ, có thể giải quyết được mối nghi ngờ của nhiều người bất kể là tín đồ tôn giáo nào, anh đã tìm đến đức Phật. Sau khi đảnh lễ và vấn an đức Thế Tôn xong, anh cung kính ngồi sang một bên thưa hỏi đức Phật: “Vì cớ sao có sự bất công và sai biệt quá lớn của tất cả chúng sinh trên thế gian này, kẻ quý phái cao thượng, người hạ liệt thấp kém, người sống lâu, kẻ chết yểu, người giàu sang, kẻ nghèo khổ, người nhiều bệnh, kẻ ít bệnh, người quyền cao chức trọng, kẻ nô lệ thấp kém, người đẹp đẽ dễ thương, kẻ xấu xí khó nhìn, người thông minh sáng suốt, kẻ ngu dốt tối tăm?” Đức Phật tóm gọn lại bằng một ý chính như sau: “Này chàng thanh niên, các chúng sinh loài có tình thức là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, họ được sinh ra từ nghiệp và họ bị nghiệp trói buộc. Do đó, hiện tại có kẻ thấp hèn và cao thượng, tùy theo nghiệp nhân tốt xấu đã gieo tạo trong quá khứ. Đức Phật trả lời quá xúc tích và cô đọng làm chàng thanh niên không thể hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, nên mới yêu cầu đức Phật giải thích cụ thể từng chi tiết : Phật dạy: “Tất cả mọi sự sai biệt giữa con người và con người là do nghiệp của ta đã tạo ra từ thân miệng ý, tâm suy nghĩ chân chính, miệng nói lời thiện lành, thân đóng góp sẻ chia, thì được hưởng quả an vui hạnh phúc; ngược lại, gieo nhân xấu ác thì bị quả sa đọa khổ đau, không ai có quyền xen vô chỗ này để định đoạt và sắp đặt, nên có người tốt, kẻ xấu là do mình tạo ra”. “Do tạo nghiệp gì khiến con người thọ mạng lâu dài, sống khỏe mạnh, và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu, thọ mạng ngắn ngủi?” “Người không tạo nghiệp giết hại chúng sinh thì được mạng sống lâu dài. Người tạo nghiệp sát sinh hại vật, dứt mạng sống của chúng sinh, nên bị chết bất đắc kỳ tử do tai nạn gây ra, hoặc bị người vật hại lại”. “Do tạo nghiệp gì thân người được khoẻ mạnh, và do tạo nghiệp gì mà thân hay bệnh tật đau yếu?” “Do nghiệp ác hay hành hạ đánh đập chúng sinh làm cho người đau khổ, nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do nghiệp lành an ủi giúp đỡ, sẻ chia và nâng đỡ người bất hạnh khổ đau qua những tai nạn khốn khó nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi”. “Do tạo nghiệp gì mà sinh ra trong gia đình giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc, tài sản của cải, và do tạo nghiệp gì mà sinh ra trong gia đình nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn?” “Do đời trước biết làm điều thiện lành tốt đẹp, hay bố thí cúng dường, hoặc chia sẻ giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, nên đời này được sinh ra trong gia cảnh giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc của cải. Người ở đời trước do nhân không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đỡ người bất hạnh nghèo khó, lại còn hay gian tham trộm cướp, lường gạt của người, nên đời này sanh ra trong hoàn cảnh cơ cực, nghèo đói, thiếu thốn, khó khăn”. “Do nghiệp gì người sinh ra được thông minh sáng suốt, và do nghiệp gì người sinh ra lại ngu dốt tối tăm?” Người đời trước do siêng năng tinh cần học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người được học hỏi hiểu biết, nên đời này được thông minh sáng suốt. Người ở đời trước do lười biếng học hành, không chịu tìm hiểu chân lý, lẽ thật của cuộc đời, lại hay cản ngăn sự học hỏi của người khác, nên đời này bị vô minh tối tăm mê mờ”. Đứng về khía cạnh cuộc sống với vô vàn sự sai khác, con người cảm thấy nhỏ bé trước bầu vũ trụ bao la này, nhiều người đành cam chịu thân phận thấp hèn của mình bởi do bàn tay thần linh thượng đế đã sắp đặt. Một số người được sống trong giàu sang sung sướng, có nhiều tiền bạc của cải và quyền thế trong xã hội, họ nghĩ rằng do đấng tối cao đã ban cho, nên họ rất trân trọng quý kính mà tôn thờ một cách cuồng tín, do đó họ mặc tình gieo tạo tội lỗi, bất chấp luân thường đạo lý. Chính vì quan niệm sai lầm trên, đến khi phước hết, họa tới, họ đành cam chịu sống đời đọa lạc tối tăm, cho dù cố gắng cầu nguyện van xin đấng tối cao cũng vô ích, giống như đá nặng thì phải chìm dưới nước. Nhưng trên thực tế, người được hưởng an vui hạnh phúc thì ít, kẻ bất hạnh khổ đau thì lại quá nhiều. Nếu thần linh thượng đế có đủ năng lực ban vui cứu khổ, đáng lẽ phải giúp đều hết cho tất cả chúng sinh, tại sao chỉ giúp giai cấp thống trị mà không giúp giai cấp nô lệ như ở đất nước Ấn Độ hiện nay? Thật ra, trong cuộc đời này, tất cả mọi thứ sai biệt như nên hư, tốt xấu, hơn thua, phải quấy, thành bại trong cuộc sống đều do mình tạo ra từ thân miệng ý, mình làm việc thiện lành tốt đẹp thì được hưởng phước báu bình yên hạnh phúc, mình làm điều xấu xa tội lỗi thì chịu quả khổ đau không có ngày thôi dứt; nó theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên thì quả báo hoàn tự hiện. Nghiệp lực tuy không có hình tướng cụ thể, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có sức mạnh chi phối, cuốn hút, hấp dẫn lạ thường. Cũng như gió, tuy không thấy hình tướng ra sao mà nó có thể làm nên phong ba bão táp, cuốn trôi tất cả khi đủ nhân duyên. Nghiệp lực cũng lại như thế. Đôi lời tâm sự chân thành xin được kết nối yêu thương cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút tâm tình qua đề tài “Ai dẫn ta đi lang thang?”. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ giải thích nghiệp sát sinh hại vật, vì nó là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, binh đao, oán giận, thù hằn, vay trả không có ngày thôi dứt. Thích Đạt Ma Phổ Giác