Có thật hôn nhân là mồ chôn của tình yêu? Đó là khi con người ta không biết cách nuôi dưỡng tình yêu của mình. Theo Đức Phật, để bền vững trong hôn nhân, ít nhất phải có một sự tương đồng về nhiều mặt giữa hai đối tượng, cũng như việc thực hiện chu toàn vai trò và trách nhiệm của mỗi bên liên quan. Thêm chút quan tâm, bớt sự bàng quan Quan tâm thuộc về thiện chí, là một tâm lý thiện theo tâm lý học Phật giáo. Quan tâm cho nhau là cách để thiết lập hạnh phúc và duy trì hạnh phúc đang có. Mỗi khi thiết lập sự quan tâm thì thái độ bàng quan sẽ giảm đi và hạnh phúc bắt đầu tăng trưởng. Chúng ta cần quan tâm cái gì? Sức khỏe của người mình thương, công việc mà người đó đang gánh vác, những khó khăn mà người đó đang chịu đựng, và các thách đố mà người đó cần phải vượt qua. Các đức lang quân cũng phải quan tâm đến vợ mình, chia sẻ những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống. Nhiều người chồng rất vô tư, về đến nhà bỏ cặp xuống, cất áo rồi nằm trên võng đong đưa hay ngả lăn trên chiếc đi-văng xem ti vi, không hề nghĩ đến việc gia đình, cho đó là phận sự của người vợ. Việc giặt giũ, cơm nước, con cái, bếp núc, chuyện bên vợ bên chồng thậm chí cả tương quan xã hội cứ ỷ lại hoàn toàn vào vợ. Khi thành công thì không khen vợ câu nào, xảy ra chuyện thì “con hư tại mẹ”, “cháu hư tại bà”. Sức chịu đựng của chị em phụ nữ có giới hạn, có thể rất dai dẳng nhưng khi không chịu nổi nữa sẽ bùng nổ với sức công phá khó lường. Thêm tin cậy, bớt hoài nghi Không ai chắc chắn rằng người bạn đời của mình sẽ không bao giờ nói dối điều gì, nhưng cái cốt là nên tin tưởng lẫn nhau để cuộc sống luôn được thanh thản. Khi người ấy nói có việc ra ngoài thì bạn cứ thoải mái nghĩ rằng sự thật là người ấy có việc phải đi. Hay nếu bạn đời có lỡ về muộn thì hãy đợi người ấy ở nhà vì thực sự là người ấy đang bận họp hay đang phải giải quyết công việc rắc rối ở công ty. Sự tin tưởng của bạn đời chính là điểm tựa giúp mỗi người sống thoải mái hơn và là cách để vợ chồng luôn hạnh phúc. Thêm lòng độ lượng, bớt sự trách móc Độ lượng là tâm hạnh Bồ tát khi thấy rõ các giới hạn của chúng sinh. Người vợ có cơ hội thấy rõ hơn những sở đoản của chồng và ngược lại chồng cũng thấy những điểm tích cực lẫn tiêu cực ở người vợ. Khi tạo những lỗi lầm nho nhỏ, thậm chí nghiêm trọng, nếu người đó biết hồi đầu thì chúng ta phải ứng xử với tính cách một vị Bồ tát để bỏ qua. Thêm thỏa hiệp, bớt độc đoán Gia đình không phải là nơi để bất cứ ai phô diễn sức mạnh, tranh cãi “tới bến” để chứng minh rằng mình đúng. Khi có “xung đột” xảy ra, sự thỏa hiệp, hy sinh một chút, nhún nhường một chút lại giúp cả hai nhận được nhiều hạnh phúc. Thêm quà tình cảm, bớt sự thờ ơ Rất nhiều cặp vợ chồng cảm thấy hụt hẫng vì một trong hai người đã bỏ quên thói quen quan tâm đến người còn lại bằng quà. Trong khi trước đó chỉ vài tháng hoặc vài năm khi tình yêu còn đeo đuổi như ong bướm thì họ thường xuyên làm công việc này và cảm thấy rất hạnh phúc. Mối quan hoài trong hôn nhân có ý nghĩa nuôi dưỡng tình yêu rất lớn. Đến ngày sinh nhật, nếu người vợ được nhận những đóa hoa hồng tươi đẹp và đặc biệt là món quà gợi nhắc lại kỷ niệm thời gian còn yêu nhau thì người vợ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Phụ nữ có thói quen để ý xem chồng mình có nhớ những ngày kỷ niệm hạnh phúc của mình không. Người chồng nào không nhớ ngày sinh của vợ thì làm sao vợ có thể cảm nhận tình cảm thực sự từ chồng. Quà thường rất đơn giản như hoa tươi, thiệp chúc mừng hay những món nữ trang giản dị. Thêm nụ cười, bớt cãi vã Cuộc sống nhàm chán với những hoạt động lặp đi lặp lại như đi làm, nấu nướng, chăm con, đi ngủ… sẽ dần trở nên vô vị, tại sao các cặp vợ chồng không thử vui đùa với nhau như ngày còn mới yêu nhỉ. Sự vui đùa không chỉ giúp mang lại niềm vui, sự thoải mái cho cả đôi bên mà còn là chìa khóa cho một cuộc sống hòa thuận. Theo Phụ Nữ Today