Chúng ta cũng đều đã rõ: Bệnh tật thường do “miệng” mà vào, nghiệp quả cũng sẽ do “miệng” mà sanh; nên không thể buông lung, cẩu thả, tùy tiện; mà ngược lại cần cẩn trọng trong lời nói (lời người xưa: “Uốn lưỡi ba lần mỗi khi nói”) và giữ gìn sự nhu hòa, thanh tịnh – để đời mình được vui, đời người được vui! Từ thuở “biết nói” và “biết đọc” – có lẽ, tất cả chúng ta đều được nghe câu ca dao nhắn gởi của ông bà cha mẹ rằng: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; nhưng hầu như không phải tất cả đều “nhớ và làm” theo lời dạy đơn giản mà vô cùng cần thiết cho đời sống ấy, mà nhiều khi đã “bỏ quên” dần… Lời khuyến dạy không sai chút nào: Từ xưa đến nay, có ai phải bỏ tiền ra mua “lời nói” cho người khác không? Đã không tốn tiền, sao lại không chịu nói lời từ ái, khoan hòa cho nhau? Lời nói cho “vừa lòng nhau” ấy phải được nói ra từ tấm lòng thành, từ tâm từ trong sáng; khác với lời nói “đưa đẩy, lợi dụng, khách sáo” từ cái tâm không chân chính! QUẢ BÁO Nói với người những lời “vừa lòng nhau” đã không tốn tiền, mà còn đem lại cho người, cho ta nhiều niềm vui trong cuộc sống. Đó là một điều hiển nhiên, ai ai cũng thấy, cũng biết cả! A. Lincoln đã từng xác nhận: “Lời nói ngọt ngào, chân tình, sẽ chiếm được Trái tim người khác, và do Trái tim – sẽ thắng được lý trí của họ.” Điều dễ làm mà không ưa làm, ngược lại – điều khó làm lại ưa thích? Nói lời độc ác, xấu xa, ty tiện (…) không dễ chút nào! Phải “gắng”mà tìm cho ra những lời cay độc nhất, hèn hạ nhất – tóm lại, những lời ghê tởm nhất, để “trả đũa” (hay gán) cho người đối diện mong thỏa mãn cơn sân giận (nhiều khi rất vô cớ) là một việc làm rất khó khăn! Có một thực tế đau buồn trong cuộc sống thường nhật là: “Sự thật hiển nhiên nhất – nhưng nghịch đời nhất, chính là những người thân yêu nhất, gần gũi nhất, mới nói với ta những lời nhỏ mọn, tục tằn, độc ác nhất!” (Dorothy Dix). Đã không dễ, mà còn đem lại cho chính bản thân ta, rất nhiều “hậu quả” không thể lường hết được! Bởi vì, “Ở thế gian nầy, chẳng phải hận thù trừ được hận thù. Đó là định luật của ngàn thu” (Phẩm Yamakavoggo – PC 8). Đức Phật cũng đã từng dạy, người làm điều ác, nói lời ác độc, ví như kẻ vốc cát vãi người trong cơn gió ngược; cát bụi nhơ bẩn sẽ bay trở lại mặt của chính mình! Chuyện xưa, có kể lại rằng: “(…) Chỉ trong một ngày mà con bò giết chết đến ba người, trong đó có Vua Phất-gia-sa vừa xuất gia, vào thành khất thực. Vua Bình-sa nghe được việc quái lạ này, liền dẫn quần thần đến tịnh xá đảnh lễ Đức Phật – chấp tay thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thật kỳ lạ, một con bò mẹ đã giết chết ba người trong một ngày. Chắc chắn sẽ có chuyện không hay xảy ra, chúng con mong được nghe lời chỉ dạy của Thế Tôn!” Đức Phật bảo: “Quả báo có nhân duyên từ xưa, chẳng phải hôm nay ngẫu nhiên đưa đến cảnh tượng như vậy” – “Bạch đức Thế Tôn, chúng con xin được nghe nhân duyên nầy (…)” (1) Ngài đã kể lại câu chuyện về ba người lái buôn đến ở trọ trong ngôi nhà bà lão cô độc. Họ tỏ ra khinh thường, không muốn trả tiền. Cả ba cùng rủ nhau trốn đi khi bà lão đi vắng. Bà lão nghèo khó đã vội chạy đi tìm. Gặp bọn họ, bà liền trách và đòi tiền. Ba khách lái buôn đã không trả tiền, còn ngang ngược mắng chửi. Bà lão thân cô sức yếu, đành chịu thua, đã thề độc với ba người khách buôn: “Nay ta đã nghèo khổ, tại sao các người còn khinh thường, gạt gẫm. Ta thề đời sau ở đâu, nếu gặp lại bọn ngươi, ta quyết sẽ giết chết không tha. Cho dù các ngươi tu hành đắc đạo ta cũng không bỏ qua mối thù nầy, chừng nào giết chết bọn bay mới thôi!”(1) Con bò già (bà lão năm xưa) và ba khách lái buôn (ba người bị bò giết chết – trong đó có một người là Vua Phất-gia-sa vừa xuất gia, và một người chỉ mua đầu bò đã được xẻ thịt, treo trên cành cây khi ngồi nghỉ trên đường về nhà, đầu bò rơi đúng ngay đỉnh đầu…). Việc làm xấu ác và những lời độc ác đều đưa đến hậu quả giống nhau, bởi ba nghiệp (thân/khẩu/ý) đều không thiện lành, thanh tịnh; chứ không thể “lời nói theo gió bay đi”, không tổn hại, vô hại – như người ta vẫn thường nghĩ. Đôi khi, những lời nói thô ác, thù hận, còn làm cho người đau đớn hơn là gươm giáo nữa! Tục ngữ cũng đã từng khẳng định từ ngàn xưa“Lời nói là một đọi máu!” cũng không phải là lời dạy quá đáng. Chúng ta cũng đều đã rõ: Bệnh tật thường do “miệng” mà vào, nghiệp quả cũng sẽ do “miệng” mà sanh; nên không thể buông lung, cẩu thả, tùy tiện; mà ngược lại cần cẩn trọng trong lời nói (lời người xưa: “Uốn lưỡi ba lần mỗi khi nói”) và giữ gìn sự nhu hòa, thanh tịnh – để đời mình được vui, đời người được vui! “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp) – xin đừng bao giờ để cho lòng ta lưu lại một niềm ân hận hối tiếc vì một lời nói độc ác! theo “Kinh Pháp Cú Thí Dụ” (Viện nghiên cứu Phật học VN – Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang).