Một người đã sống không thật với người khác, và với bản thân mình, thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật. Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có Theo các nhà nghiên cứu khoa học, mọi người nói dối là do họ sợ hậu quả khi nói ra sự thật. Khi một người bị mắc lỗi, họ sẽ cố gắng che dấu sự thật để không bị người khác cho rằng mình ngu ngốc, trình độ kém cỏi hay đơn giản là để người khác không trút cơn giận lên họ. Ngoài ra, có người nói dối là vì họ sợ bị phạt, bị khước từ những lợi ích cá nhân trong cuộc sống,… Do đó, tùy vào hoàn cảnh mà mọi người viện đủ các lý do để che đậy tội lỗi của mình. Về mặt sức khỏe, nói dối không có lợi Như chúng ta đã biết, hệ thống thần kinh của chúng ta có sự liên quan chặt chẽ đến hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Mọi hoạt động, suy nghĩ, ý thức, cảm giác và xúc cảm của chúng ta đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân. Nói đơn giản hơn là cơ thể của bạn sẽ hành động theo những gì bạn suy nghĩ. Khi nói dối, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, áy náy hay nói chung là stress về một vấn đề nào đó. Lúc này cơ thể bạn sẽ sản sinh ra nhiều loại hoóc môn khác nhau như cortisol và norepinephrine. Cortisol sẽ làm giảm thiểu sự sản sinh chất endorphins (hoóc môn hạnh phúc) trong cơ thể, làm tăng lượng đường trong máu và làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Chất norepinephrine sẽ kích thích nhịp tim đập nhanh và dẫn đến bệnh cao huyết áp. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu khoa học còn cho rằng, những người thường xuyên nói dối thường hay lo âu, suy nhược về thể chất lẫn tinh thần và dễ dẫn đến các chứng bệnh viêm loét, đau đầu, mất ngủ hay paranoia (chứng hoang tưởng bộ phận) Về mặt xã hội, nói dối đem lại nhiều tác hại Nói dối là một thói xấu và là một căn bệnh của con người ngày nay. Nói dối cũng chính là sự không trung thực, hành động đó dần sẽ làm cho con người không sống thực với chính bản thân mình, làm mất đi lý trí và sẽ sống trong sự giả dối của chính lương tâm. Nói dối quen miệng sẽ trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa. Ðối với đạo Phật, nói dối tai hại trên nhiều mặt: Thứ nhất, nói dối ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Nói dối phá hoại sự ổn định đó. Con người chỉ có thể sống chung với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, tin cậy rằng, trong giao tiếp, mọi người đều nói thật. Nếu mọi người đều nói dối, thì đó là dấu hiệu của xã hội giải thể và tan rã. Thứ hai, trên bình diện cá nhân, nói dối có tác dụng tai hại là phản ứng dây chuyền. Nghĩa là, lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác rồi một lời nói dối khác nữa, còn nghiêm trọng hơn, cho tới khi bản thân mình cũng bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do mình tạo ra. Một con người như thế ngày càng tách rời xa đích giải thoát và giác ngộ, ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi, khó gỡ ra được. Một người đã sống không thật với người khác, và với bản thân mình, thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật. Ngày xưa khi Đức Phật dạy La Hầu La lấy một cái chậu dựng nước để nức Phật rửa chân. La Hầu La vâng theo lời Phật dạy và bưng vào một chậu nước trong sạch. Khi Đức Phật rửa chân xong liền bảo La Hầu La: – Nước rửa chân này có dùng uống được không? La Hầu La thưa: – Kính bạch Đức Thế Tôn, nước rửa chân này không thể dùng để uống được. Đức Phật dạy: – Người nói dối cũng như nước rửa chân không thể dùng uống được. Đức Phật dạy tiếp: – Này La Hầu La hãy đem chậu nước đổ đi. La Hầu La làm theo lời Phật dạy và đem chậu vào. Đức Phật hỏi: – Cái chậu này có thể dùng đựng cơm ăn được không? La Hầu La trả lời: – Bạch Thế Tôn cái chậu này không thể dùng đựng cơm ăn được. Đức Phật dạy: – Người nói dối cũng như cái chậu đựng nước rửa chân không thể nào dùng được. Bởi vậy, người phạm giới nói dối thì không bao giờ tu chứng đạo. Nhưng có những trường hợp người nói dối để cứu người hay vật thì không phạm tội. Trong kinh có kể chuyện tiền thân đức Phật là một vị Sa Môn, đang ngồi thiền trong rừng. Khi nhà vua và quân lính đi săn, đuổi theo con nai, đến chỗ đức Phật thì mất dấu. Họ đến hỏi vị tỳ kheo: “Ông có thấy con nai chạy về hướng nào không? Vị thầy tu lẳng lặng, không nói. Quân lính nổi giận la hét và lôi thầy tu đến trước mặt nhà vua. Vua lập lại câu hỏi trên thì thầy ấy đáp như sau: “Thưa Đại Vương, tôi là kẻ tu hành, giữ gìn giới luật thì không được nói dối và cũng không được sát sanh. Nếu tôi nói không thấy là tôi nói dối, và phạm tội khi quân. Nếu tôi nói thật để Đại Vương giết con nai thì tôi phạm giới sát sanh. Xin Đại Vương tha thứ và cho tôi miễn trả lời câu hỏi này. Nếu Đại Vương bắt tội thì tôi sẵn sàng chịu chết chứ không thể nào trả lời cho Đại Vương được”. Trong lịch sử Việt Nam, thời vua Quang Trung, khi quân lính truy lùng chúa Nguyễn Ánh, ông phải chạy vào chùa, xin nhà sư cứu mạng. Chùa nghèo và rất đơn sơ, sư đành cho khiêng một trong ba tượng Phật xuống đất và bảo Nguyễn Ánh lên ngồi trên bàn thờ, thế chỗ tượng Phật ấy. Khi quân lính đến hỏi: “Nãy giờ ông có thấy ai chạy vào chùa không?” thì nhà sư bình tĩnh trả lời: “A Di Đà Phật! Bần đạo bận tụng kinh, niệm Phật nên không nghe thấy ai cả”. Sau một hồi lục soát, thấy không có ai thì họ bỏ đi. Nhà sư đã nói dối để cứu mạng người (sau này là vua Gia Long), cũng được xem là không phạm tội. Kinh MƯỜI ĐIỀU LÀNH dạy: “Người không nói dối được tám điều lợi ích như sau: 1. Được thế gian kính phục. 2. Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu. 3. Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm, như hoa ưu bát la. 4. Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sanh. 5. Được hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch. 6. Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ. 7. Lời nói tôn trọng, được người trời đều vâng theo. 8. Trí tuệ thù thắng, không ai hơn. Tóm lại, nói thật là tốt nhất, khi một giới luật được đức Phật dạy: KHÔNG NÊN NÓI DỐI thì nó rất quan trọng cho đời sống của người tu hành. Vì thế chúng ta luôn luôn nhớ lời dạy này để không bao giờ nói dối. Tác giả: Lily Tran (Tổng hợp)