Vạn vật đổi thay chẳng mấy hồi. Vô Thường thúc dục hỡi ai ơi. Tỉnh mơ hồ điệp đừng say đắm. Thức giấc mê ly chớ nhiễm trần. Sanh tử xuống lên đầy thống khổ. Liên đài tột chỗ hưởng cao ngôi. Tu là cội phúc không chi sánh. Chậm trễ luống qua uổng kiếp rồi. Con người sống trên đời, ai cũng muốn giàu có, xinh đẹp và trường thọ. Cho nên lúc còn trẻ, người không đẹp thì đi phẫu thuật; người không giàu thì kiếm đủ nghề "bất tịnh chi tài" (đồng tiền bất chính hoặc đồng tiền nhờ làm những nghề không phải chánh nghiệp) làm sao cho mau chóng có tiền, người không khoẻ thì dùng cao lương mỹ vị để tẩm bổ….. Nhưng đến lúc già có ai chống chọi lại được da dẻ nhăn nheo, bệnh tật và phải uống thuốc? Bạn có nghĩ chết là hết không? Những hiện tượng ma quỷ trên đời thì chúng ta phải giải thích sao đây? Học Phật pháp rồi mới biết cũng là do con người không tin nhân quả, luân hồi nên thường tạo ra rất nhiều ác nghiệp mà do vậy sau khi chết rồi không được siêu thoát nên phải xuống địa ngục hay làm ngạ quỷ (quỷ đói)... Chúng ta đều là người học Phật thì đừng nên sợ chết, chỉ sợ bỏ cái thân tứ đại này rồi có được siêu thoát lên được các cõi trời hay không thôi. Chúng ta cho dù có sợ thì ai ai cũng phải chết thôi. Chết chẳng qua là thay đổi thân xác, chuyển chỗ ở mà tương ứng với những nghiệp thiện, nghiệp ác mà mình đã gieo trồng lúc còn sống. "Đừng đợi đến già mới tu học, mồ hoang còn lắm kẻ đầu xanh". Bạn đừng nghĩ rằng mình còn trẻ, cho rằng thời gian còn dài nên chưa chịu tu. Thời này toàn chết trẻ, điển hình là trẻ con chưa được chào đời mà đã bị cha mẹ tước mất quyền sống (làm người) khi còn trong bào thai. Không phải chỉ có một kiếp sống này để mình tha hồ hưởng lạc, sự thật là mình đã trôi nổi trong vòng sanh tử, luân chuyển sáu nẻo luân hồi vô lượng kiếp rồi đó bạn. Thử hỏi chuyện của 20, 30 năm trước, gần cũng vài tuần chúng ta còn nhớ không, huống gì là chuyện của ngàn vạn kiếp trước? Đời có câu "Ở hiền sẽ gặp lành" Khổng Tử, Mạnh Tử cũng dạy chúng ta lấy thiện phá ác, nhưng cùng lắm là chỉ dạy cho chúng ta cách làm một bậc Đại Trượng Phu. Sau khi mất thân này, ta vẫn phải lăn lộn trong vòng sanh tử luân hồi thôi. Suy cho cùng, chúng ta cầu danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian này để làm gì nhỉ? Để được tiếng khen của người thôi ư? Cũng vì nó nên chúng ta mới bị trói buộc với cái thế giới Ta Bà này, đau khổ biết bao. Vì con người khi khởi niệm mong cầu đã là khổ. Cầu không được cũng khổ (cầu bất đắc khổ), cầu được rồi cũng khổ. Vì cầu được rồi lại sinh tâm lo lắng sợ mất đi nên phải cố giữ lấy. Đúng là "ái bất trọng, bất sanh Ta Bà". Việc quan trọng nhất của đời này là phải buông xả cho được để liễu thoát sanh tử, vì "Thân người khó được, phật pháp khó nghe, có duyên lắm mới gặp được thiện tri thức để rồi ta lắng nghe được pháp tu hành cũng đã là khó rồi". Một đời công phu tu hành của mình chưa chắc đã sanh lại làm người nếu tâm vẫn còn tham, sân, si, mạn... Phần lớn chúng sanh khi mất thân rồi thì đều bị đoạ vào tam đồ ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) cũng vì cái tâm này. Ví dụ chúng ta hẹn lại kiếp sau để tu, mà chúng ta có chắc kiếp sau có may mắn tái sinh làm người lại không? Thời gian không tính bằng năm mà tính bằng kiếp. Nếu may mắn được lại thân người thì chúng ta chắc gì đã gặp được thiện tri thức, được nghe đến Phật pháp? Giả sử sanh ở những nước châu Phi hoặc làm người nghèo đói, suốt ngày chống chọi với nghèo khổ và đói khát thì ý chí giải thoát của chúng ta có còn không? Thân người khó được mà một khi có được rồi cũng bị vô minh, phiền não che kín nên không biết, không tin gì đến nhân quả, luân hồi... Nên chúng ta đừng hứa hẹn đến già hoặc đến kiếp sau để tu nữa nhé. Ngay bây giờ nếu ai có duyên đọc được bài này thì hãy mau thành khẩn tu tâm sửa tánh để cho mình con đường giải thoát đi bạn nhé, khi chết đi không được vãng sanh thì ít nhất chúng ta cũng lại được làm người hay thăng lên các cõi trời để tiếp tục con đường để tu tiếp Nếu không chịu tu hành ngay bây giờ thì sau khi mất thân này chúng ta sẽ "bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ". Như Hòa thượng Tịnh Không có dạy "Đời này không tu thì địa ngục A Tỳ chắc chắn có phần". Một ngày ở địa ngục tương đương với 2700 năm ở trần gian, mà phải chết đi sống lại, cứ luân hồi như vậy để thọ cực hình. Ôi thôi!!! Đất nước Việt Nam đã tồn tại 4000 năm, nhưng chưa được hai ngày của chúng sanh bị đoạ địa ngục. Thật là đáng sợ! Của cải, danh vọng, địa vị… chỉ cho chúng ta mượn tạm vài ngày thôi. Giả sử tài sản có ức vạn đồng. Nhưng một khi thiên tai, địa ách, sóng thần, động đất thì ta lại trắng tay. "Sống không mang đến, chết không mang đi Ra đời hai tay trắng. Lìa đời trắng hai tay. Sao mãi nhặt cho đầy. Túi đời như mây bay" Phải biết thế thế gian này chỉ là Khổ - Không - Vô Thường. Vì mọi vật, mọi việc luôn biến đổi theo trình tự, theo quy luật của nó. Khi được sanh ra, ta tay trắng, khi chết đi, ta lại trắng tay. Chúng ta phải hiểu rõ luật nhân quả để những lúc gặp những chuyện không như ý thì phải biết do mình đã làm, đã từng gieo, đừng than trời trách người. Có sanh tức có chết, có tướng tức có hoại. Từ khi sanh ra đến giờ ta đã đi đến ngôi mộ. Ta không thích đi vào nghĩa trang, nhưng ta lại thích ăn thịt thì bao tử ta có khác gì cái nghĩa trang đâu, cũng là nơi chôn nấm mồ của tất cả những chúng sanh mà mình từng nuốt vào bụng. Một ngày đã qua, mạng cũng giảm dầm, như cá thiếu nước, có gì vui đâu? Tóm lại: "phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng" Tất cả những gì có hình tướng thì đều là giả, không nên dính, chấp vào nó rồi bị mê mờ theo nó. Các bạn đồng tu, chúng ta hãy cố gắng ăn chay, làm lành, giữ giới, bố thí, cúng dường, phóng sanh, ấn tống.... sám hối nghiệp chướng rồi hồi hướng cho oan gia trái chủ của ta và tất cả pháp giới chúng sanh... Kết thúc xin kể cho bạn nghe câu chuyện như thế này: Những ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế Khi "Gần đất xa trời". Alexander Đại Đế triệu tập các tướng lĩnh đến để truyền đạt những ý muốn cuối cùng của mình, 3 điều mong muốn nhất là: 1. Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y giỏi nhất của thời đó. 2. Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, đá quí,...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài. 3. Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư trên không bên ngoài quan tài để cho mọi người đều thấy. Một vị tướng ngạc nhiên về những ý muốn kỳ lạ này, và đã hỏi Alexander lý do tại sao. Alexander đã giải thích như sau: 1. Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì không ai có thể cứu chữa được (dù là những người tài giỏi nhất). 2. Ta muốn châu báu của ta được rải trên mặt đất để mọi người thấy rằng của cải, mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời). 3. Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đã tới thế giới này với hai bàn tay trắng thì chúng ta cũng rời khỏi thế giới đó với hai bàn tay trắng. Và rốt cuộc chúng ta nhận ra rằng kho báu quý giá hơn cả là thời gian. (thân người khó được lại lần nữa, đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy dùng thời gian còn lại để tu tập và giải thoát.) giầu tài sản, không bằng giầu đức hạnh. giầu điền viên, không bằng giầu phước huệ. mỹ sắc tuy hảo, không bằng tâm đại hảo. trí tài cao cả, không bằng chỗ chơn thật tu tâm. oai quyền trọng phẩm, không hơn Giác ngộ..! Khi chết, chúng ta chỉ có thể mang theo tội và phước của mình (đã từng gây tạo trong đời này và đời trước, chính tội và phước này quyết định tương lai của mình cho kiếp sau "trời, dương gian hay địa ngục"). Tất cả giàu sang, trí tài, mỹ sắc, oai quyền và những gì mà chúng ta đã hưởng thụ trong kiếp này đều phải bỏ lại phía sau. "Nhiều người cả cuộc đời bôn ba, tranh chấp hơn thua, cầu kế mưu sinh làm đủ mọi việc để tìm ra được hạnh phúc và để rồi khi về già họ mới biết được Hạnh Phúc thực sự là chính trong Tâm này đây" Tinhtam.vn