Chúng ta người có trí không thể không tin Nhân Quả. Bệnh là thuật ngữ chung cho cả Đông lẫn Tây y, Bệnh là là một cảm giác đau đớn, cả thể xác lẫn tinh thần. Bệnh là 1 trong 4 cái khổ (Sanh, Lão, Bệnh, Tử) của chúng sinh. Mà đã là chúng sinh thì ai cũng phải bệnh, hôm nay ta còn trẻ khỏe, nhưng một ngày nào đó khi đã đến tuổi già cũng phải nếm trải 1 đôi lần bị bệnh, hoặc hơn thế nữa. Bệnh là do Âm Dương mất cân bằng, Ngũ hành tương khắc, Tứ đại không hòa, bệnh khổ là một quy luật chung ở góc độ nhân sinh quan. Bệnh có thể chia ra 3 yếu tố : - THÂN BỆNH - TÂM BỆNH và NGHIỆP BỆNH 1/ VỀ THÂN BỆNH: Bệnh nào cũng có nguyên nhân của nó - Thân bệnh thuộc về ngoại nhân là tác nhân gây nên từ bên ngoài của thân theo y học cổ truyền như sau: - Do ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, lao động vất vả, do chấn thương. Đang trong lúc cơ thể suy nhược đột ngột thời tiết thay đổi làm cho cơ thể chưa kịp thích nghi mà sinh ra các chứng bệnh như : 1/- Phong: gồm có : -Ngoại phong: là gió bên ngoài, chủ khí mùa xuân, thường cùng với các khí khác như: phong hàn (cảm lạnh), phong nhiệt (cảm nóng), phong thấp (cảm thấp do khí ẩm ướt). -Nội phong: tức là huyết hư sinh phong nghĩa là máu không đủ sinh ra các chứng đau nhức… 2/- Hàn gồm có : - Ngoại hàn: là cơ thể ảnh hưởng khí lạnh bên ngoài ,lạnh chủ khí của mùa đông, hay làm ủng tắc không ra mồ hôi, thường có phong hàn, hàn thấp. -Nội hàn : do khí âm thịnh mà khí dương bị suy nên trong người luôn thấy lạnh. 3/-Thử: nắng chủ khí về mùa hạ có đặc tính làm sốt cao, thường có: thương thử (cảm nắng), trúng thử (trúng nắng) … 4/-Thấp: độ ẩm thấp trong không khí, thường có phong thấp, thấp thử và hàn thấp…. 5/-Táo: chủ khí của mùa thu, độ khô ráo của không khí, thường gây những bệnh sốt cao, táo nhiệt (nóng và khô ráo). 6/-Hoả: là hỏa nhiệt, đặc tính là nóng của các bệnh lệ khí, dịch khí, bệnh truyền nhiễm. Thường có thấp nhiệt, phong nhiệt (khí nóng ), thử nhiệt (nắng nóng ). Như vậy, Tùy theo mùa mà nhiễm tùy loại bệnh và cũng tùy chứng: Hàn lạnh; Nhiệt nóng; Hư bệnh yếu lâu ngày; Thực là bệnh mới phát; Biểu bệnh còn bên ngoài; Lý là bệnh đã nhập sâu vào trong . 2/ VỀ TÂM BỆNH Tâm bệnh thuộc về tình chí, nội nhân là nguyên nhân bệnh từ bên trong theo y học cổ truyền như sau : - Hỉ: (hỷ thương tâm): Vui mừng quá hại đến tâm khí . - Nộ : (nộ thương can): Giận quá hại đến can khí. - Bi (bi thương phế): sầu, muộn quá hại đến phế khí. . - Ưu: (ưu thương tỳ): lo lắng quá hại đến tỳ khí. . - Khủng (khủng thương thận): Sợ hãi quá hại đến thận khí .. Nếu mắc phải 1 trong những tình chí như trên sẽ mang trong người về chứng thuộc về tâm bệnh, tâm bệnh thì xưa nay chưa thấy ai chữa bằng thuốc mà dứt. Ví dụ: Có một gia đình nọ sinh một người con vì cưng chìu quá, lớn lên nó theo bạn xấu cờ bạc rượu chè, trộm cắp, nợ nần… làm cho cha mẹ bao nhiêu năm khổ tâm mà sinh ra nhiều bệnh, bỗng thời gian sau này người con gặp được bạn tốt hướng dẫn anh ta giác ngộ được Phật Pháp nên xả bỏ các thói hư tật xấu, chí thú làm ăn, tối đến đi chùa lễ Phật, lễ phép với người trên, khiêm nhường kẻ dưới, khiến cho cha mẹ vui mừng, bệnh tật lâu nay bỗng tan biến đâu hết. Cũng tương tự như thế, nên có chuyện kể rằng: khoảng 70 năm về trước ở vùng miền Tây sông nước có một gia đình điền chủ nọ, bà vợ ông mê xem hát tuồng, ở đâu có diễn tuồng là có mặt bà. Một hôm bà đi xem hát, trong vỡ tuồng có 3 nhân vật: Một ông vua, 1 ông quan nịnh thần và 1 ông quan trung thần. Ông quan trung thần lúc nào cũng xả thân vì nước vì dân nhưng kết cuộc vì nghe lời dèm pha, sàm tấu của quan nịnh thần mà nhà vua đem ông quan trung thần ra chém chết. Sau khi xem xong vỡ tuồng đó về nhà bà luôn tự nghĩ “Tại sao một người trung thần vì nước vì dân mà chết bi thảm như thế?” Bà không chia sẻ cảm nghĩ với ai, một mình bà luôn thấy đời sao mà bất công đến thế? Bà âm thầm buồn bã rồi sinh ra bệnh trầm uất. Bà ốm yếu xanh xao, bà bỏ ăn, mất ngủ trải qua bao nhiêu năm sinh ra chứng trầm cảm, không nói chuyện với ai, bao nhiêu thầy giỏi được mời đến, tất cả những phương thuốc hay, loại đắc nhất chồng con của bà điều lo cho bà cả, nhưng bệnh tình ngày càng thêm trầm trọng. Tất cả thầy bùa, thầy cúng điều được ông nhà mời đến nhưng rồi cũng không thuyên giảm chút nào cả vì cứ nghĩ bà bị ma ám. Cuối cùng, một ông thầy Lang vườn ở cùng xã, mà lâu nay gia đình bà cho là tầm thường không đáng mời thì nay vì sinh mạng của bà nên ông phải mang lễ vật đến mời thỉnh. Đến nơi xem xét bệnh nhân, ông Lang vườn tự nghĩ “Bà này bệnh cũng lâu, ăn uống, lao động thì không vất vả như người nghèo, thầy giỏi khắp nơi cũng đã mời đến mà không hết bệnh, chắc hẳn bà này có uẩn khúc gì đây? ” Nghĩ thế nên thầy Lang vườn vừa xem mạch vừa ân cần vấn bệnh: “Thưa bà, tôi biết bà đang có một uẩn khúc gì đây..? Hoặc là chồng con của bà có gì không phải mà đã làm cho bà buồn, hoặc ai đó đã làm cho bà lo, bà giận?” Sau câu hỏi đó, bà như được gãi đúng chỗ ngứa, như ống khóa mở đúng chìa, nó mở được nỗi lòng của bà, bà huyên thuyên kể lại nỗi uất ức của câu chuyện tuồng hát năm xưa đã khiến cho bà khổ đau, khiến cho bà uất giận. Gặp riêng ông chồng để trao đổi, bàn bạc, ông thầy lang vườn góp ý khuyên ông nên bỏ tiền mời đoàn hát năm xưa về làng diễn lại tuồng đó cho bà cùng dân chúng xem miễn phí, nhưng phải hoán đổi phần cuối của tuồng hát như vầy: …nhà vua thức tỉnh không còn nghe lời xu nịnh của quan nịnh thần nữa, vua kết tội và lệnh đem quan nịnh thần ra chém, khen thưởng bỗng lộc cho vị quan trung thần. Quả nhiên sau khi xem xong vỡ tuồng bà vui vẻ khỏe mạnh bình thường trở lại như xưa mà không tốn một giọt thuốc nào cả. 3/ VỀ NGHIỆP BỆNH Nghiệp là trải qua thời gian đúc kết từ hành động, lời nói, cảm nghĩ của Thân-Khẩu-Ý mà thành Nghiệp. Nghiệp thì có thiện nghiệp và ác nghiệp, nhưng ở nội dung bài viết này đang đề cập đến nghiệp bệnh nên nghiêng nặng về ác nghiệp. Bỡi có ác nghiệp mới sinh ra Nghiệp bệnh. Nghiệp thì có 3, gồm có: - THÂN (thân nghiệp): những việc làm của thân như: giết người và vật, trộm cắp, tà dâm… mà kết thành thân nghiệp - KHẨU (khẩu nghiệp): miệng nói lời dối gạt, nói hung ác, nói thêu dệt, hai chiều, chê bai dè biểu… mà kết thành khẩu nghiệp -Ý (Ý nghiệp): ý ham muốn nhiều, hay giận hờn, lại si mê …mà kết thành ý nghiệp. Nghiệp bệnh ở những người vô minh chưa biết gì về Nhân Quả, cũng như người Phật tử phá giới. Giới là ranh giới, là rào cản, thông báo cho chúng ta biết không được vượt qua, nếu cố tình vượt qua sẽ nguy hiểm đến tính mạng (có nhiều ở các bãi tắm vùng biển). Cũng như thế, Phật chế ra 5 giới (ngũ giới) cho hàng Phật tử để không phạm phải: - Nhứt bất sát Thứ nhất không được giết hại mạng sống của chúng sanh. - Nhị bất đạo Thứ hai không được trộm cắp, cướp giật. - Tam bất tà dâm Thứ ba không được tà dâm. - Tứ bất vọng ngữ Thứ tư không được nói dối, nói lời ác khẩu, nói hai chiều. - Ngũ bất ẩm tửu Thứ năm không được uống rượu hay các chất men say. Nếu phạm phải 5 điều trên sẽ nguy hiểm cho đời sống hiện tại và sẽ chịu quả báo trong các đời vị lai. “Kẻ thù lớn nhất trong đời mình chính là mình” là 1 trong 14 điều Phật dạy ! Bỡi không ai tạo ra đau khổ cho mình, mà chính tự mình tạo ra hậu quả cho mình từ việc vô minh không biết hoặc biết mà phạm phải 5 điều trên: - Ví như người sáng xỉn chiều say làm cho con người anh ta mất hết lý trí, khiến cho kẻ cười người chê, ai cũng sợ hãi xa lánh, và hậu quả anh ta mang chứng bệnh Xơ gan cổ trướng, ung thư gan mật mà chết (giới thứ 5). - Người thường nói dối, nói 2 chiều, nói lời độc ác làm chia rẽ mọi người, khiến cho người ta hai bên hiểu lầm nhau chia rẽ, thù hận nhau, cuối đời anh ta phải chịu quả báo ung thư miệng lưỡi mà chết (giới thứ 4). - Người đời thường nói câu “1 vợ thì ngủ giường lèo, 2 vợ thì ngủ chèo queo, 3 vợ……… thì xuống chuồng heo mà nằm!”. Câu nói nghe tức cười, nghe tưởng như đùa nhưng mà là sự thật. Chính tôi cũng đã thấy biết người đó một đời có rất nhiều vợ, nhiều tình nhân, rất nhiều con cháu nhưng khi tuổi già phải sống lang thang xó chợ đầu đường bệnh tật đầy thân, không ai chăm dưỡng cuối cùng bỏ thây nơi đầu chợ. (phạm giới thứ 3) - Vào thời còn trẻ, tôi có nghe kể: quê tôi có một người chuyên đi ăn trộm, mà hình như cha mẹ sinh ra ông là để làm nghề ăn trộm thì phải, ăn trộm rất tài tình, chưa từng bị người ta bắt gặp. Khác với người ta, 30 tết mà nhà ông không sắm sửa gì cả, khuya đến ai nấy ngủ mê ông lẻn vào từng nhà mang bánh trái thịt thà về đầy nhà ông. (giới thứ 2) Biết ông ăn trộm nhưng luật xưa “Đạo quả tang, dâm quả tích” mới kết án , chứ không phải thời nay công an phải dùng nghiệp vụ khoa học điều tra đủ chứng cứ mới kết tội, nên trong làng ai đó có mất trộm dù biết chắc ông đó lấy nhưng cũng đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Từ nghề ăn trộm, ông tích chứa rất nhiều tiền của, đến khi mang rương tiền ra để chuẩn bị xây nhà thì ôi thôi, trong rương toàn là mối, một ổ mối đã phá nát hết rương tiền của ông, ông tiếc của nên lăn ra đổ bệnh, bệnh năm này qua năm nọ, cầu sống không xong mà cầu chết cũng không chết được. Năm tháng trôi qua từng cơn đau đớn quằn quại chịu không xiết, một hôm ông dùng dao lưỡi liềm (câu liêm là dụng cụ cong cong để gặt lúa ở quê) cứa gần đứt cuốn họng ông máu ra lênh láng nhưng vẫn chưa chết, người nhà phát hiện mới dành con dao vức đi nhưng rồi sau đó ông cũng tiếp tục tự dùng tay móc cuống họng ra cho đến chết. Khi đám tang ông, có rất ít người đến phúng điếu, đã thế mọi người còn phán một câu “ xưa nay ổng ăn của móc họng người ta, nay ông phải tự móc họng mà chết thôi !”. Và câu chuyện còn lưu truyền đến ngày hôm nay (cọp chết để da, người ta chết để tiếng) Bệnh về Nghiệp nặng nhất phải nói là nghiệp Sát (giết người vì thù hằn,vì sân hận, hoặc vì những lý do khác…và giết vật để ăn thịt) tất cả điều là tâm ác, sẽ có quả báo hiện đời này (hiện báo) hoặc đời sau (hậu báo) điều phải trả nghiệp, cho đến trải qua nhiều đời nhiều kiếp oan oan tương báo với nhau. (giới thứ nhất) -Thời nay mỗi ngày xem báo nhan nhản những tin tức mà người ta trong tình cảm yêu đương, trong làm ăn, trong giao tiếp của xã hội… vì những chuyện không hài lòng nhau, từ xích mích nhỏ dẫn đến thù hằn, họ không ngần ngại sát hại nhau bằng nhiều cách, mà không hề biết đến 2 chữ Nhân Quả Xưa Khổng Tử có dạy: Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo Nhược hoàn bất báo, thời thời vị đáo Nghĩa là : Làm Thiện thì sẽ có Quả báo Thiện. Làm ác thì sẽ có Quả báo Ác. Giờ chưa thấy Quả Báo là vì chưa đến lúc. Giới trẻ hiện nay yêu đương dễ dãi, xem việc nạo phá thai là chuyện bình thường, 1 viên thuốc ngừa thai (cực mạnh, tác dụng cấp tốc) nhưng họ có biết đâu sau khi ân ái (nếu gặp đúng ngày trứng rụng) trong các cô đã có 1 sanh linh bé nhỏ. Thế nên họ mang trọng tội giết người mà họ không hề hay biết. Hậu quả tổn thương của nạo phá thai sẽ sanh ra những chứng bệnh phụ khoa nguy hiểm khôn lường, từ nhẹ dẫn đến nặng như ung thư tử cung, ung thư buồng trứng rồi di căn (mọc rễ) qua đến gan, đến thận, đến tủy, đến xương…. Từ một cô gái khỏe mạnh, trẻ trung, xinh đẹp, diễm kiều, má hồng môi thắm người lúc nào cũng phản phất hương thơm của son của phấn, nhưng sau một cơn bạo bệnh đã biến các cô trở nên đen đúa, gầy đét, từng hồi từng cơn đau vật vã, lúc bấy giờ trong người các cô luôn tỏa ra các mùi hôi thúi từ các khối u, các tế bào… Dù nền y học hiện đại, thuốc men vượt bậc lại có những giáo sư, bác sĩ chuyên khoa ung thư hàng đầu thế giới nhưng cũng không chữa lành căn bệnh (nghiệp) như thế. Cuối cùng cũng không sống được bao lâu, họ chết trong hãi hùng, chết trong đau đớn, thân rời bỏ thế gian nhưng hồn cũng không tránh khỏi địa ngục. (ngoại trừ người đã giác ngộ, biết ăn năn sám hối thì quả báo nhẹ hơn, chứ không thể tránh ) Lịch sử Phật giáo Trung Hoa có ghi lại chuyện rằng: tại Tỉnh Chiếc Giang có một vị Tăng tên Hàm Uyên, vị Tăng này tu hành đức hạnh rất tinh tấn chuyên cần, nhân có Phật sự nên sư phải ra ngoài. Xong việc trên đường khi trở về tình cờ Sư đi ngang qua quán thịt chó, không biết chủ quán đó họ ướp nướng bằng loại hương liệu gì mà mùi thơm không ai mà không muốn hít vào. Và vị Tăng nọ cũng không tránh khỏi hít phải mùi thơm đó, nhưng khi sư giật mình nghĩ lại “Ta là người tu, không thể như thế này được !”, Sư kinh hãi, sư hối hả bước vội về chùa tắm rửa và lên thắp nhang đèn trước điện Phật sám hối, nhưng đến khuya trong người sư bỗng nóng sốt hừng hực, qua ngày hôm sau sư càng sốt mê man, điều ngạc nhiên là trong khắp người sư nổi lên 18 cái khối u, mỗi khối u to như quả mận, toàn thân đau nhức hãi hùng, càng ngày 18 khối u càng to lớn và đau đớn hành hạ. Tất cả những vị lương y giỏi nào cũng được lần lượt mời đến, nhưng đều lắc đầu không tìm ra nguyên nhân bệnh gì cả. Thời gian trôi qua dù vẫn uống thuốc men nhưng có khi đỡ khi đau. Một hôm nọ, vào một buổi chiều chập tối, bên hông chùa, sư bắt ghế ngồi tựa vách, bổng mê vào giấc ngủ và trong thâm tâm rất đau buồn. Dưới ánh trăng non mờ Sư bỗng thấy có 1 đoàn người từ xa đi đến, dụi dụi cặp mắt sư nhìn kỹ tất cả trong đoàn người này có thân mà không có đầu. Ôi! thật là khủng khiếp. Khi đến gần, trong đoàn người có tiếng hỏi: -“ Chào ông ! Ông còn nhớ 18 người chúng tôi không ?” -“ Không! Không! Tôi không biết mấy người là ai cả!” Vừa sợ sệt, Sư vừa khuơ tay trả lời thế. -“ Phải rồi, nhiều kiếp trôi qua rồi làm sao ông nhớ được, mà chúng tôi thì không thể quên ông. Tôi nói cho ông biết, kiếp xưa kia ông là một vi quan tướng quân được lệnh vua cùng quân lính chúng tôi trấn ải một vùng biên cương. Một hôm ông lệnh cho 20 người chúng tôi tuần tra vùng biên ải, khi đi ngang qua ngôi làng vùng sơn cước, trong nhóm chúng tôi có 2 người tự ý tách ra và phạm phải quân kỷ là hiếp dâm 1 người phụ nữ. Sau buổi tuần tra trở về, thì người chồng phụ nữ đó đến gặp ông thưa kiện, là một vị quan tướng quân nên ông tức giận đem 20 người lính chúng tôi ra chém đầu hết. Chỉ có 2 người phạm quân kỷ mà ông chém cả 18 người chúng tôi hàm oan vô tội . Đã trải qua bao nhiêu đời chúng tôi luôn tìm ông để đòi nợ, để báo mối thù xưa, nhưng vì bao nhiêu kiếp qua ông tu hành tịnh tấn nên chúng tôi không làm gì được ông. Tháng vừa rồi ông khởi tâm tham ngửi mùi thịt chó nên cơ hội đó chúng tôi mới lọt vào được thân ông mà đòi nợ, thấy ông thành tâm sám hối chúng tôi cũng cảm động nhưng nghĩ đến việc ông giết oan chúng tôi từ kiếp xưa, nỗi uất hận nên không thể bỏ qua. Thôi thì ông cứ cố gắng tu hành đi, tạm thời 3 năm sau sẽ tính tiếp. !” Nói xong 18 oan hồn biến mất, Sư hãi hùng tỉnh dậy chạy vội vào điện Phật quỳ lạy sám hối liên hồi, quả nhiên sau đó 18 khối u trong người của Sư không thuốc nhưng tự tiêu. Sau đó Sư tinh tấn tu hành, nhưng cho đến 3 năm sau bịnh cũ tái phát trở lại nặng hơn rồi Sư cũng qua đời. Thế mới biết, nghiệp sát tội rất nặng dù trải qua bao nhiêu đời rồi mà cũng không tránh oan oan tương báo, phải chịu trả quả nghiệp bệnh như thế. Người tu học Phật không ai mà không biết tích xưa, trong Pháp Từ Bi Thủy sám: chuyện 2 người tên Viên Án và Triệu Thố vì kết mối oan thù để rồi kiếp sau một người trở thành ngài Ngộ Đạt Quốc sư cũng phải chịu nỗi đau đớn mụt ghẻ mặt người nơi đầu gối, may mà nhờ công đức tu hành, gặp Bồ tát Ca Nhã Ca cứu giúp, nếu không thì nghiệp kia cũng khó mà tránh. Tuy là những chuyện đã xa xưa, chuyện quá khứ, nhưng luật nhân quả trả vay xưa nay vẫn là sự thật. Rồi mới đây sự việc xảy ra vào năm 2012 câu chuyện người thật việc thật tại Đức Trọng Lâm Đồng làm rúng động hàng Phật tử khắp trong khắp đất nước Việt Nam và Phật tử trên thế giới. Câu chuyện cậu thiếu niên Nguyễn Văn Công trải qua 3 năm, mỗi ngày được thuê giết hại hàng trăm con gà, vịt, chó, mèo…. kết cục phải trả một cái quả khi một khối ung mặt người đau đớn phát ra trên khớp gối của cậu ta, trải qua bao nhiều năm đau khổ đi hết bệnh viện này, đến bệnh viện khác nhưng có vị bác sĩ nào, có loại thuốc nào ở thế gian mà chữa được bịnh nghiệp (sát sanh)? Thế nên chúng ta người có trí không thể không tin Nhân Quả, người có trí không thể không tin lời Phật dạy. Nhân Quả không phải do ai đặt ra. Nhân Quả không phải do Phật sáng chế. Nhân Quả là lẽ tự nhiên ! . Hễ gây Nhân là gặt Quả. Bất kể anh là ai ? Theo tôn giáo nào ? Gây nhân Thiện sẽ có quả báo Thiện. Gây nhân Ác sẽ gặt quả báo ác. Sát sanh ắt phải thường mạng ! Phật nào cứu được..? Phật nào dung túng kẻ ác nhân..? Ngoại trừ người biết tin theo lời Pháp dạy: Bỏ ác làm lành. Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo. Nghĩa là: Các việc ác chớ làm, Những việc Thiện nên làm, Giữ ý mình trong sạch, Ấy là lời Phật dạy. Tóm lại : - Thân bệnh: dùng dược lý trị liệu. - Tâm bệnh: dùng tâm lý trị liệu. - Nghiệp bệnh dùng phước báo trị liệu.