Xin thưa thực là tất cả các pháp môn, các hạnh tu đều là sám hối hết, chứ không phải là đọc kinh Lương-Hoàng-Sám là sám hối, không phải ta đọc kinh Thủy-Sám là sám hối. Không phải! Sám hối! Khi bước vào trong đạo tràng tu hành dù dưới hình thức nào cũng là sám hối. Tu là sửa đổi. Sám hối chính là sửa đổi những sai lầm của mình. Cho nên mình thấy rõ rệt rằng, những người mà thường chuyên sám hối, tốt hay xấu? Rất là tốt! Cần không? Rất là cần. Nhưng mà cuối cùng thì nghiệp họ diệt không nổi, và sau cùng rồi hình như là, không thấy một hiện tượng nào gọi là thoát vòng sanh tử. Không có một hiện tượng nào vãng sanh. Chính vì chủ trương diệt nghiệp thì nghiệp nó diệt mình, chủ trương đối đầu với nghiệp nên bị nghiệp đối đầu với mình. Nó đối đầu với mình tức là nó ứng hiện trước mặt mình, ứng hiện trước cái tâm của mình bắt mình phải đối trị với nó. Cho nên, cách của người niệm Phật là không đối diện với nghiệp, mà đối diện với gì? Đối diện với A-Di-Đà Phật. Lạy A-Di-Đà Phật. Niệm A-Di-Đà Phật. Nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Trước mặt mình là A-Di-Đà Phật. Lúc lâm chung người ta đem tấm hình A-Di-Đà Phật đến trước mặt mình để cho mình nhìn. Rồi mình còn đi đâu? Đi về Tây Phương Cực Lạc chứ không phải đi diệt nghiệp. Đó là điều quan trọng vô cùng. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ trên bảng đó: – Khéo giữ cái miệng không nói lỗi người. – Khéo giữ cái thân không để mất luật nghi. – Khéo giữ cái ý đừng có nghĩ tầm bậy tầm bạ. Rõ ràng đây là sám hối. Chính như vậy là sám hối. Chứ không phải sám hối là đọc các bài sám hối lên. Không phải chúng ta cứ đọc: “Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp, giai do vô thỉ tham sân si…”. Không phải đọc cái câu đó là sám hối. Câu đó là nói cho mình biết tất cả đều do miệng nè, thân nè, ý nè sinh ra, tạo ra hết. Chúng ta phải khéo gìn giữ cái đó tức là sám hối. Cho nên phải cẩn thận. Một câu A-Di-Đà Phật tức là sám hối. Tôi nhận được bài viết về Ngẫu-Ích đại sư. Chúng ta đi có kinh có điển hết. Chúng ta đi theo Tổ theo kinh hết. Ngài nói, “Người niệm Phật rất kiêng kỵ kẻ không có chủ trương”. Đây là lời của Tổ nói: “Nay vầy mai khác. Khi gặp nhà thuyết giáo thì muốn tầm chương trích cú, học luật, học kinh. Gặp người tu Thiền lại mong tham cứu thoại đầu, theo cơ phong chuyển ngữ. Gặp bậc Trì Luật thì thích ôm bát khất thực, tu hạnh đầu đà… Thế nên sự sự không rồi, điều điều chẳng trọn. Đâu biết rằng, khi câu Phật hiệu niệm được thuần thục thì ba tạng mười hai phần kinh đều gồm ở trong đó, một ngàn bảy trăm công án cơ quan hướng thượng đều ở trong đó, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, tam tụ tịnh giới cũng ở trong đó”. Tại vì người ta không tin, không vững lòng nơi câu A-Di-Đà Phật, nên mới đi tìm đầu này đi tìm đầu nọ. Vô tình bị xen tạp! Xen tạp là cái đại kỵ trong đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nên nhớ cho thật kỹ điểm này. Chính vì thế, xin thưa là đừng bao giờ nghĩ rằng sám hối là đọc một cái bài kinh lên là sám hối. Đi vào đạo tràng, ngày đó là ngày tịnh khẩu, nếu mà ta thốt lên một lời nói chính là ta đã tạo nghiệp. Tại sao như vậy? Là tại vì ta không gìn giữ cái nghiệp của miệng, ta đã phạm giới. Phạm giới thì sao? Nhất định tuần sau ta không làm như vậy nữa, đó tức là sám hối, chứ không phải là đọc bài kinh sám hối đó mà tiếp tục tới đạo tràng cứ dùng thân-khẩu-ý phá hết những giới luật trong nhà chùa. Ví dụ, như gặp một vị Sư, một vị Sư làm sai, ta nêu cái lỗi của vị Sư lên. Lúc không biết tu thì ta nêu sao nêu! Lúc đã biết đạo rồi nhất định đừng có nêu cái lỗi của vị Sư. Tại vì trong kinh Đại-Tập, Phật nói, “Mình nói một điều sai trái của một vị Sư giống như là sỉ vả vào mặt Phật vậy“! Câu này nặng lắm! Vị Sư đó làm sai, kệ họ. Họ có nhân quả của họ, không mắc mớ gì khi vị đó làm sai mà ta phải chịu xuống địa ngục! Đó gọi là sám hối. Ví dụ, như một vị Thầy, khi mình nói họ sai, thì do cái ý chúng ta đã khởi cái niệm sai, mà khi nói cái sai của người ta thì cái thân chúng ta không kính trọng người đó. Tự nhiên từ một cái đó mà thân khẩu ý phạm hết. Như vậy thì ta sám hối có chục lần đi nữa, đọc cả vạn bài kinh đi nữa ta vẫn bị lỗi như thường. Chính vì vậy mà khi ta biết được chuyện này, thực ra sám hối nằm ngay tại tâm này. Tâm gì? Tâm hiền lành chất phát, “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người. Khéo giữ thân nghiệp bất phạm oai nghi. Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Cứ lấy đó mà làm, chính là sám hối của kinh Vô-Lượng-Thọ, chứ không phải là cầm bài kinh này đọc, cầm bài kinh kia đọc là sám hối. Nếu sơ ý chúng ta đi đến chỗ gọi là tạp tu. Với pháp môn niệm Phật, bây giờ mình đang trì kinh A-Di-Đà, quý vị cứ đọc hoài kinh A-Di-Đà, đọc lên đọc xuống đọc cho thuộc lòng, thuộc lòng thì phải hiểu nghĩa. Mình coi, từ đầu chí cuối trong kinh A-Di-Đà, Phật có bao giờ nhắc đến hai chữ “Sám Hối” đâu? Phải không? Phật nhắc gì? Phải cố gắng nhiếp tâm niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn. Và gì nữa? Ngài nói bốn lần là phải nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. “Người nào mà nghe ta nói về A-Di-Đà Phật thì phải phát tâm tha thiết vãng sanh về đó”. Ngài nói tới bốn lần nguyện vãng sanh. Không có chỗ nào Ngài nói sám hối hết. Tại sao như vậy? Tại vì nhiếp tâm niệm Phật là sám hối. Để kết thúc, quý vị nghe những lời của ngài Ngẫu-Ích Đại Sư. Ngài nói thấm thía lắm! Cho nên chúng ta đi có kinh có điển. Chúng ta đi phải đúng đường, không nên đi sơ ý. Ngài nói: – Người chân thật niệm Phật, buông bỏ cả thân tâm thế giới là đại bố thí. Mình cứ tưởng đem một đồng bạc ra cho người này, đem một cái gì đó ra cho người kia là bố thí. Cái đó gọi là tiểu bố thí mà thôi. Cái tiểu bố thí đó mà nhập trong tâm rồi, thì nhất định vì cái bố thí này mà mình hưởng chút khen tặng, chút phước báu nào đó trong cõi Nhân-Thiên là cùng, không vượt qua tam giới. Mà người “Chân năng niệm Phật”, gọi là chân năng niệm Phật là chân thật và siêng năng niệm Phật, buông xả thân tâm thế giới, không nghĩ ngợi gì hết, lục đạo luân hồi đều buông xả hết, cạnh tranh ganh tỵ bỏ luôn… Đây là người đại bố thí. Tại vì sao? Tại vì người này khi về trên Tây Phương rồi thì họ cứu độ đến vô lượng vô biên chúng sanh. Trong hiện tại bây giờ người ta quyết tâm niệm Phật, thành tâm niệm Phật như vậy, xin thưa thực là trong vòng bốn mươi dặm chung quanh chúng sanh đều hưởng cái công đức của họ. Cái bố thí này lớn không tưởng tượng được, gọi là bố thí Ba-La-Mật. – Niệm Phật không khởi tham sân si mạn là đại trì giới. Chân năng niệm Phật bất khởi tham sân si mạn tức đại trì giới. Như vậy, rõ ràng người nhiếp tâm niệm Phật chính là người trì đủ tất cả các giới. Người tới đạo tràng đang niệm Phật muốn làm cái này, muốn làm cái nọ, động hết tâm người ta, hoàn toàn không trì giới gì cả! Mất hết rồi. Chính vì vậy mà thường thường người ta nói, “Thà khuấy mà đục vạn dòng sông cũng không được quyền động đến một người niệm Phật”. (Ninh động thiên giang thủy, bất động đạo nhân tâm). Khi mà người ta đang niệm Phật, mình la lên một tiếng: Làm động tâm người niệm Phật! Mình nói chuyện một tiếng: Động tâm người niệm Phật! Cho nên, tu hành mà không biết đường tu tự nhiên mình phá giới. Phá giới thì sao? Bây giờ mình phá giới, mình có sám hối cho mấy đi nữa thì cũng bị cái nạn này: Bao nhiêu công đức mình mất hết. Chính vì vậy mà mình phải biết đường đi rõ ràng, đừng nên sơ ý mà đi sai đường. – Niệm Phật không quản nhân ngã thị phi là “Đại Nhẫn Nhục”. (Câu này là: Chân năng niệm Phật bất quản nhân ngã thị phi tức Đại Nhẫn Nhục). – Niệm Phật không gián đoạn không tạp vọng là “Đại Tinh Tấn”. – Niệm Phật không còn mộng tưởng thô tế là “Đại Thiền Định”. – Niệm Phật không bị các pháp khác mê hoặc, lôi cuốn là “Đại Trí Huệ”. Quý vị tưởng tượng đi, ngài Triệt-Ngộ Đại Sư nói: “Nhất cú Di Đà… Tam tạng kinh điển bao gồm trong một câu A-Di-Đà”. Như vậy thì pháp niệm Phật, từ trên tới Đẳng-Giác, xuống tới phàm phu như chúng ta, xuống tới các hàng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nữa… cũng là một câu A-Di-Đà Phật này mà thành Phật. Bây giờ mình cứ tưởng tượng thử, một sự sám hối nào mà có thể đưa một người từ cái hàng địa ngục lên tới Tây Phương thành Phật không? Chuyện trong thiên hạ, có ngài Lương-Võ-Đế, bà thứ phi của Ngài chết. Chết biến thành súc sanh, Ngài phải nhờ cả hàng ngàn vị Tăng (là cao Tăng đắc đạo) tới lập ra đàn tràng, gọi là đàn tràng Lương-Hoàng-Sám để mà cứu độ người vợ. Cứu được đến đâu? Một cái năng lực vĩ đại như vậy, (Tại vì Ngài là một đế vương mà), cứu được lên một cảnh trời. Trong khi ngài Quan-Mục-Nữ niệm Phật có một ngày mà thôi, tất cả địa ngục sạch trơn. Mình coi cái năng lực nào lớn hơn? Trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Dẫu cho một chúng sanh làm tội ngũ nghịch thập ác sẽ xuống dưới địa ngục, nhưng trước những giờ phút lâm chung có người nhắc nhở thành tâm sám hối”. Sám hối cách gì? Cũng là một câu A-Di-Đà Phật. Niệm một câu A-Di-Đà Phật ngài A-Xà-Vương-Thế vãng sanh về Tây Phương tới Thượng Phẩm Trung Sanh. Quý vị coi, cái năng lực của câu A-Di-Đà Phật nó mạnh như thế nào. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Dẫu cho những người trong tam ác đạo nghe danh hiệu của Ta mà phát lòng tin tưởng nguyện vãng sanh về nước Ta, niệm đến mười niệm mà không được vãng sanh về Tây Phương, Ta thề không thành Phật”… Cho nên năng lực của câu A-Di-Đà Phật nó mạnh vô lượng vô biên. Chính vì thế mà cứu độ đến tất cả chúng sanh. Chưa có một pháp môn nào mà nói lên là cứu độ tất cả chúng sanh. Xin chư vị đừng nên chao đảo tinh thần. Giữ một câu A-Di-Đà Phật nhất định ta sẽ thành tựu. Nếu không giữ câu A-Di-Đà Phật, xen kẽ những cái chuyện khác thì nhất định ta đây có niệm Phật cho mấy đi nữa cũng không được vãng sanh. Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)