Thời gian trôi qua quá nhanh, nhưng cuộc đời còn quá nhiều khoảng trống mà bạn vẫn chẳng nhận ra. Chúng ta đang sống lướt trên đời, tưởng đâu để tiết kiệm thời gian, kỳ thực là đang lãng phí khủng khiếp… Có câu chuyện kể rằng: Một người giáo viên bước vào lớp học với chiếc bình thủy tinh trống rỗng, một cái túi đá to, một túi sỏi nhỏ và một túi cát cũng nhỏ xinh như hai túi đá kia. Ông để chúng lên bàn và bắt đầu xếp những viên đá to ở túi thứ nhất vào chiếc bình. Khi viên đá cuối cùng chạm đến miệng bình, ông hỏi học sinh rằng bình đã đầy chưa? Học sinh đáp: “Thưa thầy, đầy rồi ạ”. Người thầy giáo tiếp tục cầm túi sỏi thứ hai đổ vào bình rồi lắc nhẹ. Những viên sỏi nhỏ hơn viên đá nên chúng nhanh chóng lọt vào khe hở giữa các viên đá. Ông lại hỏi “Các con thấy bình đã đầy chưa?”, nhóm học trò đồng thanh: “Đầy rồi ạ”. Ông mỉm cười lắc đầu rồi tiếp tục đổ nốt túi cát còn lại vào chiếc bình. Rồi ông lại lắc nhẹ, cát tràn vào mọi chỗ trống còn lại của chiếc bình. Khi không thể đổ hơn được nữa, câu hỏi cũ lại vang lên “Các con thấy bình đã đầy chưa?” và câu trả lời cũng vậy, vẫn giữ nguyên “Thưa thầy, đầy rồi ạ”. Người thầy đưa ánh mắt nhìn đám học trò và tiếp tục rót nước vào bình. Nước từ từ ngấm qua cát, lấp đầy những khe hở giữa các viên sỏi và đá, rồi từ từ mới chạm tới thành bình. Lúc này, người thầy bắt đầu bài giảng về ý nghĩa nhân sinh của một đời người. Thầy nói rằng cuộc sống của chúng ta ví như một chiếc bình. Nếu chỉ mải mê lấp đầy những viên đá to nhất vào, là những của cải vật chất, thì chiếc bình sẽ nhanh chóng bị chiếm hết khoảng không. Cuộc sống tưởng như đầy đủ, nhưng thực ra còn quá nhiều khoảng trống, mà tiền bạc không thể lấp đầy. Những viên sỏi nhỏ hơn, được ví như những sở thích cá nhân. Chúng sẽ giúp lấp đầy hơn những khoảng trống còn lại. Có người sống với những sở thích lành mạnh, giúp người, làm từ thiện, rèn luyện, trau dồi bản thân, có người chìm đắm trong những thú vui thị phi, mải mê trong mạng xã hội, tiêu không ít thời gian với truyền hình, vi tính… mà không biết khoảng trống đời người của mình cũng đã bị tiêu tốn không ít. Người khác dùng thời gian cho những việc hữu ích, còn mình, thì thời gian hữu hạn, dù có dùng mà vẫn không cảm thấy thiếu thốn, cuộc sống chênh vênh. Cát, tuy nhỏ hơn, nhưng lại lại chứa đầy hơn trong chiếc bình “cuộc đời”. Để ý xem, tình cảm yêu thương, tình cha mẹ, tình anh em, tình bè bạn, lòng thương mến lứa đôi… thường hằng hiện hữu trong đời sống, nhưng lại khó nhận thấy, khó nhận ra mình đang có nó, mà mải mê chạy theo những thứ lớn hơn, dễ trông thấy hơn, là của cải vật chất, là đam mê, ý muốn của cá nhân. Lúc cần thì cự cãi, lúc lợi ích cá nhân bị động chạm, thì cát – tình cảm cá nhân bị vùi lấp đi, chảy trôi xuống dưới tiền bạc và lòng ích kỷ. Mấy ai nhận ra, chiếc bình cuộc đời, cuộc sống tuy ngắn ngủi, nhưng tình cảm, tình thân chiếm một phần lớn, là một phần quan trọng mà thiếu mất thì để lại những khoảng trống không gì bù đắp nổi. Nhưng, ngay cả khi có của cải vật chất, cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ an hòa, thì “chiếc bình” cuộc đời vẫn còn nhiều chỗ trống. Đôi khi, có những người có một cảm nhận trống trải, vô định về cuộc đời, một ngày cảm thấy cuộc sống trống rỗng và vô vị, dù người ngoài nhìn vào họ không thiếu điều gì. Vẫn còn những câu hỏi người ta đau đáu tìm… Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Vì sao con người cần phải sống? Có phải cuộc sống với vật chất và tình cảm là đủ? Nước, vốn được ví như mạch ngầm của cuộc sống tinh thần của con người. Có người cảm nhận ra, có người không cảm nhận ra. Nhưng nước vẫn hiện hữu, chỉ là ai biết tự tìm ra và làm đầy vào chiếc bình cuộc đời của mình mà thôi. Thời gian chẳng đợi người, vì chiếc bình là hữu hạn. Những thứ của cải vật chất, các mối quan hệ, sự phấn đấu cá nhân, đều là những lý do rất chính đáng để sống. Nhưng nếu đam mê theo đuổi thì cho tới cuối đời, chiếc bình cuộc đời của bạn tưởng như được lấp đầy bởi những điều đó, mà thực chất là còn quá nhiều khoảng trống, nhiều thiếu thốn mà chỉ tự tâm hồn mỗi người biết được. Sưu tầm