Nhiều người không coi trọng việc tích đức cho đời sau mà chỉ chăm chăm kiếm tiền, gầy dựng danh vọng vì họ lầm tưởng rằng làm vậy là tốt nhất cho con cháu mình. Người xưa luôn coi trọng đức, không chỉ cho bản thân mà còn tích đức để lại đời sau. Thời nhà Tống có một phú hộ giàu có nhờ biết khôn khéo buôn bán làm ăn. Tích được nhiều tiền bạc tiêu ba đời không hết, phú hộ vẫn muốn có chút danh tước để vừa dành được tiền tài lại có thêm danh vọng cho con cháu. Phú hộ nghĩ rằng mình thê thiếp không thiếu, con cháu cũng nhiều, của nả cứ phải lo kiếm thật nhiều, và cần có thêm chức tước để sau này vẻ vang dòng họ cho con cháu tự hào trước thiên hạ. Bởi vậy phú hộ đã tìm cách “lo lót” và có chút chức tước nhỏ. Số tiền lo lót cũng không phải ít nên phú hộ lại tính mình phải làm sao để bù gấp trăm, gấp ngàn lần để lại cho con cháu. Nghĩ là làm, vị quan mới nhậm chức không tiếc thủ đoạn để vơ đầy túi tham, bóc lột dân nghèo, tiếng khổ than ai oán cả một vùng. Một ngày nọ trên đường lên kinh thành để báo cáo, quan mới không may gặp cơn lốc lớn, nên ra lệnh cho tùy tùng tìm nơi trú ẩn. May thay trên đường có một ngôi chùa nhỏ, tất cả đều vào đó tránh lốc dữ dội. Chùa nhìn ngoài khá hoang vắng và tiêu điều, dù vẫn có dấu hiệu có người hương khói. Quan vào trong và gặp một sư thầy cùng chú tiểu, họ là hai người duy nhất chăm sóc nơi đây. Sư thầy mời quan ngồi đàm đạo uống chén trà chờ lốc qua. Quan thấy Sư thầy cốt cách phi thường thoát tục bèn nhân dịp giãi bày hoàn cảnh rằng mình vất vả thế nào từ xưa để có của nả, rồi giờ có chút chức tước cũng thấy không dễ gì. Sư thầy mỉm cười hỏi:“Nếu mệt mỏi như thế, sao ngài không buông đi, vẫn cố để làm gì?”. Quan lắc đầu: “Tôi buông sao được thầy? Tôi còn bao thê thiếp và có bấy nhiêu con cháu tại gia. Họ cần tôi lo toan chu toàn. Tiền tài và danh vọng, đó là những thứ tôi đang nỗ lực để kiếm về để đảm bảo cho họ sau này”. Sư thầy nghe vậy thở dài, “ngài nhầm rồi, đó không phải là thứ tốt ngài để cho con cháu, mà ngược lại. Điều ngài nên tích lũy cho họ chính là Đức. Tiền tài tiêu mấy cũng hết, danh vọng không ai biết trước thế nào vì thời thế thay đổi. Người nhiều của mà thiếu Đức sớm muộn của nả sẽ tiêu tan, chưa kể bệnh tật tai ương, sinh lão bệnh tử vốn là quy luật không thể cưỡng đối với người thường. Ngài vì tiền của, danh vọng mà phạm bao điều không nên, liệu còn Đức để cho bản thân chưa nói con cháu? Ngài làm vậy chỉ thêm hại mình, hại họ. Nếu không sớm tỉnh ngộ thì e rằng sau này hối hận cũng quá muộn rồi”. Nói xong sư thầy bèn chỉ vào chiếc gương tròn đã cũ nhưng vẫn rất sáng để trên tường. Quan nhìn theo hướng thì thấy cảnh một số nhìn lam lũ, đói khổ hoặc bị bắt nạt, gặp vận rủi bỏ mạng, nhìn rất thảm thương. Chưa kịp hỏi thì sư thầy nói tiếp: “Đây chính là thế hệ sau của ngài. Vì đời trước không tích Đức mà toàn gây Nghiệp xấu nên đời sau phải chịu khổ sở như vậy đây. Ngài tích lũy của nả đủ cho mấy đời và có đảm bảo sẽ bảo toàn được kho của đó?”. Nghe sư thầy nói xong quan như chợt tỉnh giấc mê, vội đứng dậy bái lạy thì thoát cái mọi thứ biến mất. Mọi người nhìn quanh, lốc xoáy đã tan, tất cả đang đứng trên đất trống thay vì ở trong chùa. Sau khi từ kinh trở về, quan đã cố gắng tu chỉnh bản thân và sống có đạo hơn, thậm chí còn mở kho thóc cứu đói dân nghèo, cấp lương thực cho những ai cần. Về già vẫn sống thanh liêm và rất thọ, của cải đem phân phát gần hết nhưng bù lại con cháu đều công thành danh toại và gặp nhiều may mắn. Vị quan lòng vô cùng cảm tạ điểm hóa của sư thầy có lẽ là một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. BBT Sưu tầm Nguồn: minhbao.net