Tụng đám

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Sanh - lão - bệnh - tử là quy luật muôn đời của tạo hóa, không ai tránh khỏi. Xét về cõi Nhơn, giữa người với người dẫu có thiên sai vạn biệt về mọi mặt do nghiệp duyên nhưng cuối cùng ai ai cũng một nấm mồ chung cuộc, không gì có thể mang theo ngoài tội phước phân minh mà phải thọ báo đền trả công bằng. Thế nhưng, có mấy ai thật “giác” để hướng Phật chuyên tu giải thoát, đa số “biết” là biết thế rồi thôi bởi do tập khí vô minh sâu dày, trăm sự buộc ràng, muôn duyên trói buộc của thế tục. Vì thế, đến khi có hữu sự tang gia mới bối rối đau lòng; mới “thấm” chút sự mong manh của kiếp người, vô thường giả tạm của vạn vật; mới âu lo đau đáu không biết người thân đã/sắp mất rồi sẽ về đâu mà tầm một chút “an”, mong vạn sự lành cho họ qua câu Kinh tiếng kệ nơi Phật đạo từ bi. Từ đó, việc tụng Kinh cầu siêu, hay nói đúng hơn là “hóa độ” cho người nơi đám tang, đám giỗ đã tùy duyên vào đời qua tâm nguyện từ bi của hành giả tu Phật chơn chánh: đó là gieo duyên Tam Bảo với không chỉ người đã/sắp mất mà cả những ai còn ở lại.
    [​IMG]
    Thế nhưng, thực trạng xót xa hiện nay cho thấy tâm nguyện từ bi đó đã bị bã lợi danh thiêu rụi, biến tướng thành dịch vụ tụng đám buôn Kinh bán Phật (cung) qua tang sự đau lòng của gia đình Phật tử (cầu) ngay tại tư gia hoặc ở chốn Phật môn thanh tịnh! Đắng lòng hơn khi Pháp nạn này trở thành dịch bệnh mở rộng tràn lan ký sinh nơi cửa Phật với bao điều chướng trái - hệ lụy phát sinh, gây hậu quả khôn lường đến Tín tâm và hình ảnh từ bi - giải thoát vốn có của Đạo Phật. Không ít tu sĩ hiện nay lãng tu thất niệm, xem việc tụng đám như một cái nghề hái lộc nhàn hạ trên sanh-tử vô thường của một kiếp người, trên nỗi đau ly biệt của người thân, trên niềm tin của thập phương Thiện-Tín mà vô tâm định giá công khai hay nhẫn tâm buông lời vòi vĩnh... Than ôi! Thân sống nhờ của đàn na tín thí từ cơm ăn, áo mặc, chốn ngủ, thuốc men lúc ốm đau bệnh tật mà sao chẳng cảm trọng ơn sâu để đáp đền trong muôn một? Còn đâu hạnh nguyện từ bi vô lượng, vô ngã độ sanh mà Chư Phật trao truyền: “Sứ giả Như Lai hành Như Lai sự”? Tìm đâu mật hạnh: “Giác ngộ - Giải thoát”, “Tự giác - Giác tha” ở các vị tu sĩ thời nay?...!

    Tội - Phước phân minh, Nhân - Quả công bằng, bất di bất dịch! Nghiệp gieo phải trả, tùy thời thọ báo, muôn đời như thế! Nếu một đời tạo nghiệp muôn trùng, chẳng tin nhân-quả tội-phước, chẳng màng đạo lý mà sống thuận theo bản năng, nghĩ - nói và hành theo tập khí tham-sân-si của mình thì phút lâm chung, hỏi ai độ được, kể cả Chư Phật? Nếu tu sĩ sống nương cửa Phật, trì ấn lệnh Phật, thọ của đàn na tín thí mà giả tu, phạm Giới, thiền định không chuyên, Phật Pháp mê mờ, mượn Đạo tạo Đời để vinh thân phì da, sặc mùi lợi dưỡng, đắm mê thói tục thì địa ngục sa vào, “tự độ” mình không được, lấy gì “độ tha”? Vậy tụng Kinh khi có giỗ hay tang sự, hỏi ích lợi gì nếu xét suy cặn kẽ, thấu đáo? Phải chăng: tam nghiệp Thân - Khẩu - Ý của chúng ta lúc còn sanh tiền mới chủ phần quyết định thọ báo lành - dữ của mình về sau? Phải chăng: nhờ có thắng duyên gặp Bậc chơn-tu đạo hạnh xuất thế khai thị, hướng hóa thì ta mới được lợi ích, Pháp lạc thật sự trong phút lâm chung, tạ thế?

    Trước tang sự đau buồn, mong mỗi người trong gia đạo cần nên trầm tĩnh, sáng suốt mà thực hiện những điều khuyên dưới đây hầu lợi ích thiết thực cho tất cả, người còn cũng như kẻ mất:

    - Không kèn trống, ca xướng, khóc lóc tỉ tê khiến người sắp mất nhiễu loạn sinh tâm bám víu, chấp thủ… mà đọa lạc không nên. Cần nên liễu rằng: vạn sự do duyên, hợp - tan lẽ thường nên điều quan trọng là khi còn sanh tiền, ta đã hết lòng thương yêu và vuông tròn bổn phận - trách nhiệm với nhau hay chưa? Ta đã cho nhau những điều cao quý mà trên hết là tin sâu nhân-quả, làm lành lánh dữ, hướng Phật tu chơn hay chưa? Từ đó thể hiện tình thương yêu theo đúng tinh thần Phật Pháp đối với không chỉ người sắp ra đi mà cả những ai còn ở lại, khuyên hãy: buông XÃ thân tâm, TU HÀNH chơn chánh, SÁM HỐI tội gieo, chí thành NIỆM PHẬT (THAM THIỀN).

    - Không sát sanh, hại vật để cúng tế trong lễ tang, lễ giỗ mà gieo thêm nghiệp chướng cho mình và người thân (đã mất). Tình thương mà không có đạo lý và trí huệ soi sáng sẽ vô tình “thương quá hóa hại”, chỉ thêm tổn đức mà thôi.

    - Nếu có duyên lành gặp được BẬC CHƠN TU giới đức tinh nghiêm thì có thể thỉnh đến tư gia để tùy duyên thuyết Pháp khai thị cho toàn thể gia đạo, người còn cũng như đã mất. Đã nói chơn tu thì kế thừa Phật nguyện từ bi vô lượng hóa độ chúng sanh nên chắc chắn vị ấy sẽ VÔ NGÃ - VÔ CẦU mà khai tâm độ chúng theo bản nguyện, tuyệt KHÔNG nhận bất cứ tài vật nào dù trong mọi hoàn cảnh. Dẫu Thiện-Tín có tâm cúng dường vì tang sự nương nhờ thì vị ấy cũng sẽ khước từ thẳng thắn, bởi lòng cầu Đạo chẳng màng sanh tử thì sá gì bã lợi danh lắm mùi tục lụy, huống chi tà tâm - ác nghiệp buôn Kinh bán Phật trên tín tâm, nỗi đau sanh-tử biệt ly và giả tạm vô thường của kiếp nhân sinh thì lại càng phải thanh trừng để hộ trì Phật Pháp. Do tâm lượng rộng lớn nên 10 phương Phật lực gia trì, đạo hạnh khai thông, vì vậy diệu dụng hóa độ chúng sanh nói chung, người còn cũng như đã khuất nói riêng, của Bậc chơn tu là “bất khả tư nghì”.

    - Nếu Thiện-Tín gặp tu sĩ hay chùa chiền nào mặc cả, định giá cho “dịch vụ” tụng đám của họ thì xác quyết kẻ ấy là tà sư - giả tu mượn Đạo tạo Đời, khuyên Đại chúng hãy thẳng thắn chất vấn cho ra lẽ Đạo Từ, không nên vì hữu sự đau buồn mà mù quáng tiếp tay cho tà nghiệp buôn Kinh bán Phật của họ thì chẳng những KHÔNG được ích lợi gì cho người thân (đã/sắp mất) mà còn GÁNH cùng cộng nghiệp không hay. Dẫu không đủ duyên lành gặp Bậc chơn tu thì cũng đừng nhắm mắt rước Tà sư vào gia đạo mà lợi bất cập hại chẳng lành.

    - Thay vào đó, tất cả hãy dốc lòng vun bồi thiện căn, gieo trồng phước đức (Pháp thí, giúp người hoạn nạn…), trưởng dưỡng Từ tâm, trì trai, niệm Phật - tham thiền rồi hồi hướng cho trước là toàn thể Pháp giới chúng sanh, sau là người còn cũng như đã khuất trong gia đạo, Cửu Huyền Thất Tổ nội - ngoại hai bên sớm tỏ ngộ Phật tâm, tu hành chơn chánh, kiến Tự Tánh Phật thì không gì quý bằng. Thiết nghĩ, đây mới là điều trọng yếu thiết thực nhất ta có thể làm cho những người thân yêu đã/sắp mất; cũng là ươm mầm Phật chủng, giữ gìn Huệ mạng cho tất cả mai sau. Hãy nhớ lòng Từ vô lượng, hạnh nguyện vô biên độ tận chúng sanh của thập phương Chư Phật; nhớ điển tích Ngài Mục-Kiền-Liên cứu mẹ bị đọa lạc nơi ngục A Tỳ; Ngài Xá-Lợi-Phất trở về độ mẹ lúc sắp Niết Bàn cùng bao gương Hiếu Hạnh của các bậc Cổ-Đức, Tiền-nhân mà soi lòng, ghi nhớ và noi theo.
    *** TÓM LẠI

    Đừng để người thân sắp ra đi ta mới tỏ bày hiếu nghĩa, thương yêu mà lúc sanh tiền hãy vuông tròn bổn phận, khuyến hóa tu hành, dọn đường thăng hóa thiện lành mai sau!

    Đừng để đợi đến phút lâm chung mới hồi tâm, sám hối, niệm Phật.

    Thân Người khó được, Phật Pháp khó nghe nên những ai đã xuất gia tu Đạo thì hãy trực tâm hành trì chơn chánh, sẽ lợi lạc cho tất cả! Đừng tà tâm buôn Kinh bán Phật, lạm dụng Phật Pháp để mượn Đạo tạo Đời mà sẽ bị đọa lạc muôn kiếp về sau!

    Hiếu hạnh của người tu Phật chơn chánh mới là thù thắng, rốt ráo, viên mãn!

    Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

    Diệu nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
    Diệu nam mô A Di Đà Phật _()_
    Cổ Tự chơn ngôn: Cổ cổ diệu hám yết đế hồng tát đa, hám tát đa hồng diệu thiên, hám ưu tát đa, hám ưu mưu ni A Di Đà Phật. Cổ cổ diệu hám án a ác a vạn diệu huệ tát đa ác, hám a hật hồng, hám ưu tát đa hồng ưu tà không hồng hật Phật mật diệu cổ từ A Di Đà Phật _()_
    Nguồn Internet​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người