U buồn và cô đơn sẽ chẳng còn khi ta mở tâm mình

Thảo luận trong 'Tin phật giáo mỗi ngày'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Khi chúng ta cô đơn là chúng ta đòi hỏi. Tức là bản ngã đang trỗi dậy, tham chấp đang bừng lên. Chỉ có một cách để diệt trừ nỗi cô đơn. Đó chính là chúng ta mở lòng thương tới tất cả mọi người, coi họ như người thân của ta. Lòng ta lúc này sẽ thấy bình an hơn thay vì những lời nói cay nghiệt hay ánh mắt độc ác.

    Ngày nay, sống trong xã hội hiện đại, con người được đáp ứng đầy đủ về mặt vật chất nhưng lại thiếu hụt đi những giá trị về tinh thần. Khao khát có được mọi thứ khiến chúng ta nuôi dưỡng mãi một nỗi niềm sâu kín trong lòng. Đó chính là nỗi cô đơn.

    “So với cái mênh mông của vũ trụ
    Thì nỗi buồn của hạt bụi có là chi”

    Cô là một mình về mặt không gian. Đơn cũng là một mình nhưng về mặt thời gian. Chúng ta lúc nào cũng nghĩ mình rất cô đơn nhưng nào có phải như vậy.

    Chúng ta ăn cơm, hạt gạo có được là do người nông dân trồng trọt, chăm sóc. Chúng ta hít thở bầu không khí trong lành là do nhân viên môi trường quét sạch đường phố và ươm trồng cây xanh. Như thế, chúng ta vẫn nằm trong mối tương quan qua lại với nhau. Vậy tại sao chúng ta vẫn luôn than trách mình cô đơn?

    Cô đơn theo cách hiểu hiện nay là không có ai đoái hoài, không ai quan tâm, không ai lắng nghe tiếng nói từ trái tim của mình. Ngồi buồn rồi khóc, rồi than thân trách phận. Chúng ta luôn có thói quen đòi hỏi sự quan tâm từ người khác. Hay nói cách khác đó là lối sống của sự ích kỷ: Lúc nào chúng ta cũng muốn có được sự quan tâm, yêu thương, ngọt ngào từ những người xung quanh.

    Bởi vậy, cô đơn không phải là trạng thái khi chúng ta ăn một mình, ở một mình. Mà đó là cảm giác buồn tủi, cảm giác lẻ loi, cảm giác khó chịu khi không có ai quan tâm, không ai lắng nghe những tâm tư, nỗi niềm trong trái tim yếu đuối của chúng ta. Ở nơi phố thị nhộn nhịp, người cô đơn lúc nào cũng thấy mình lạc lõng và bơ vơ. Hay giữa chốn phồn hoa đông người qua lại, họ lầm lũi bước đi như những người vô hình.

    [​IMG]

    Từ khi sinh ra, chúng ta đã bắt đầu biết quan sát thế giới xung quanh, biết ngắm nhìn bầu trời xanh mây trắng, biết cảm nhận hơi ấm của người thân. Chính thói quen từ nhỏ này đã làm chúng ta hoàn toàn bị lệ thuộc vào môi trường sống bên ngoài. Vậy nên khi môi trường đó bị thiếu đi hoặc không thể tiếp tục diễn ra giống như ngày xưa thì chúng ta sẽ phản ứng lại ngay với nó.

    Ngày nay, khi cô đơn chúng ta luôn có xu hướng lao vào những thú vui của trần thế. Như việc đi xem phim, tìm đến các tụ điểm vui chơi thác loạn, lên Facebook, zalo, vào các trang mạng xã hội để tán gẫu với bạn bè. Chỉ với một mục đích duy nhất, đó là thỏa lấp đi nỗi cô đơn đang bủa vây trong lòng.

    Những việc làm như vậy giống như một ly nước chúng ta uống giữa sa mạc. Sa mạc còn mênh mông lắm, chúng ta chỉ vừa uống một ly nước nhỏ. Chúng khiến ta dễ chịu sảng khoái, mát mẻ nhưng chỉ là nhất thời. Đi tiếp một đoạn rồi cảm giác khát bỏng nơi cổ họng lại trở lại và dữ dội hơn lúc trước.

    Khi chúng ta tránh né, trốn chạy nỗi buồn tủi như vậy chỉ có tác dụng trong chốc lát mà thôi. Trong Kinh, Đức Phật đã chỉ ra rằng việc giải quyết những nỗi phiền não, buồn phiền trong lòng bằng cách tránh né cũng giống như người nhổ cỏ chỉ nhổ ngọn mà không nhổ tận gốc. Chúng không khác gì những tảng đá lớn đè lên cỏ. Ta đè nén nỗi cô đơn, phiền não xuống, để gồng mình chịu đựng cho nó qua đi nhưng lòng ta đâu có thoải mái?! Đến khi bùng phát thì nó tăng lên với cường độ mạnh của sự phẫn nộ.

    Cảm xúc vui buồn cũng giống như thủy triều, lúc lên lúc xuống chứ không có lúc nào bình lặng. Cho nên cô đơn cũng không thật có. Nó là cảm giác nhất thời, mà trong kinh gọi là cảm thọ. Cảm thọ có hai xu hướng chính là lạc thọ và khổ thọ.

    Chính vì chúng ta không thể thay đổi được môi trường sống và cũng chẳng thế nào né tránh mãi nỗi cô đơn nên cần tùy thuận theo duyên để tìm sự an lạc. Cách tốt nhất mà chúng ta nên làm và tập từng ngày. Đó là trải lòng ra để đem niềm vui cho người khác mà không trông mong sự báo đáp, không vì lợi ích cá nhân. Đây gọi là tâm Từ.

    Khi chúng ta mở lòng giúp người khác được an lạc nó cũng giống như dòng nước mát, một cơn mưa đã làm cho tất cả cỏ cây được tươi mát. Cho nên tâm hồn của chúng ta không vướng bận những nỗi giận dữ, hờn ghen trong cuộc sống này. Tâm Từ giúp chúng ta hóa giải nỗi cô đơn.
    Tuy nhiên, thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta chưa hội đủ. Bởi vậy chúng ta lúc nào cũng phải nỗ lực rèn luyện để gạt bỏ bớt những tham chấp của cá nhân. Là người tu học, chúng ta càng hiểu rõ hơn về sự cộng nghiệp. Khi người vui thì ta cũng vui. Ta hòa mình vào trong niềm vui, ngập tràn trong hạnh phúc của người khác. Ngay tại khoảnh khắc ấy ta sẽ không cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, cô đơn. Bởi niềm vui trong cuộc sống lớn vô cùng khi ta biết sống chan hòa với mọi người.

    Khi chúng ta cô đơn là chúng ta đòi hỏi. Tức là bản ngã đang trỗi dậy, tham chấp đang bừng lên. Chỉ có một cách để diệt trừ nỗi cô đơn. Đó chính là chúng ta mở lòng thương tới tất cả mọi người, coi họ như người thân của ta. Lòng ta lúc này sẽ thấy bình an hơn thay vì những lời nói cay nghiệt hay ánh mắt độc ác.

    “Ai nói gì thì mình cứ nghe,
    Nghe sâu, hiểu thấu, thương nhiều,
    Buồn chi mà ba bốn bữa để tâm tư héo sầu
    Ta cười, ta thở thật sâu,
    U buồn tan biến thật mau”

    Khi đối diện với biến cố cuộc đời và trải qua những thăng trầm, biến cố đó chúng ta sẽ nhận ra rằng việc phán xét người khác cũng chính là đang phán xét chính bản thân mình. Và việc này sẽ tự biến ta thành người cô đơn ngay tại nơi chan chứa tình người nhất.
    Hãy buông xuống…
    Buông xuống tới đâu ta sẽ bình yên tới đó.
    Hạnh phúc sẽ được thiết lập khi không có cái tôi. Không chấp vào suy nghĩ của bản thân. Và khi đó ta sẽ bình yên và không còn cô đơn.
    Nguyễn Linh Chi
    Theo Phatgiao.org.vn
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người