Chúng ta có thể dùng chánh niệm để tiếp xúc với những hạt giống trong kho tàng tâm thức của mình, theo dõi đường đi nẻo về của tâm ý, dẫn đường cho tác ý đối với thế gian bên ngoài. Chánh niệm là sự ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại và sống với giờ phút hiện tại. Bởi vì trong đời sống hàng ngày, chúng ta không thực sự sống trong giây phút hiện tại. Như vậy Chánh niệm là pháp môn phổ biến thực dụng trong Ðạo Phật. Chúng ta có thể dùng chánh niệm để tiếp xúc với những hạt giống trong kho tàng tâm thức của mình, theo dõi đường đi nẻo về của tâm ý, dẫn đường cho tác ý đối với thế gian bên ngoài. 1. Dùng chánh niệm tiếp cận và nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong tâm thức. Như Ðức Phật đã dạy: trong Tàng thức của con người có đủ các loại hạt giống: nào là hạt giống thù hận, hạt giống yêu thương, hạt giống khổ đau và cũng có hạt giống hạnh phúc, có hạt giống si mê cũng có hạt giống trí tuệ... cho nên chúng ta dùng chánh niệm để nhận diện, tiếp xúc và nuôi dưỡng những hạt giống của niềm vui, của hạnh phúc, của từ bi, của trí tuệ, của Niết bàn... Chúng ta cũng như người làm vườn phải biết chọn giống mà gieo trồng và vun đắp để vườn tâm của chúng ta trổ toàn hoa thơm quả ngọt. 2. Dùng chánh niệm để theo dõi trạng thái của tâm ý. Trong nhà Phật có câu “tâm viên ý mã” là ví tâm như con khỉ, ý như con ngựa luôn chạy nhảy lăng xăng. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm dẫn dắt ta đến một thế giới đầy khổ đau hệ lụy, ý có thể dẫn ta vào ngục thẳm A tỳ. Do đó, chúng ta phải thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để không đi lầm vào những nơi đầy hiểm nạn ấy. Thí dụ, khi nghe một câu chuyện, thấy một sự kiện thì ta liền tác ý; nếu có chánh niệm thì ta liền nhận diện tác ý đó là thiện hay là bất thiện. Nếu tác ý đó tốt thì ta nuôi dưỡng, xấu thì ta buông bỏ. Do đó, chánh niệm có khả năng soi sáng cho nẻo đi đường về của tâm ý. Khi chúng ta nuôi dưỡng, duy trì những ý niệm thiện lành, trong sáng an lạc, thì lời nói, việc làm của chúng ta cũng thiện lành, an lạc thanh tịnh. Chúng sẽ đem lại lợi ích, an lành hạnh phúc cho mình và mọi nguời xung quanh. 3. Kiểm tra hành động cơ thể qua chánh niệm. Bất cứ những cử chỉ hành động của chúng ta nó đều là sự phản ánh của tư duy hay sự vui, buồn, giận, thương, ghét... chánh niệm hay vọng niệm của chính mình. Khi chánh niệm có mặt thì ta biết mình đang nghĩ gì, làm gì, tâm ở trạng thái nào, tức ta biết được tâm. Chúng ta sẽ nhận ra và điều phục được tham sân si khi chúng sanh khởi. Vì vậy có chánh niệm mới quán chiếu được tâm qua hành động của thân và kịp thời ngăn chặn những hành động bất thiện. 4. Chánh niệm giúp ta sống một cách sâu sắc khôn ngoan. Do vì đời sống hiện nay quá phức tạp, rộn ràng nên chúng ta dễ bị buồn phiền bực bội. Cho nên chánh niệm được xem là phương thuốc giúp chúng ta trừ hẳn những cơn phiền muộn đó, nó có khả năng nhìn sâu tận gốc rễ của những đối tượng quán chiếu, nghĩa là tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình. Chánh niệm giúp chúng ta sống an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Chánh niệm không những có khả năng nhận diện được những gì trong bốn lĩnh vực của cơ thể, tâm hành và đối tượng của tâm mà khi thực hành chánh niệm chúng ta có thể nhìn sâu, nhìn kỹ vào trong lòng thực tại để chuyển hóa cái tưởng (tri giác) của ta từ từ mất đi tính sai lầm của nó. Khi thấy rõ bản chất của khổ đau thì chúng ta sẽ thoát khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc ngay trong hiện tại. Phương pháp chánh niệm cũng là pháp môn phản quan tự kỷ, nghĩa là nhìn lại chính bản thân mình, để thấy mình đang nghĩ gì, đang nói gì, đang làm gì, đó là cách đưa mình về chánh niệm.