Vào đúng ngày Phật đản, phú ông chuẩn bị lễ vật chu đáo, không quản công sức tự trèo núi cao ngàn bậc để dâng lễ cúng Phật. Trong lòng ông chắc mẩm rằng lần này sẽ được Thần Phật phù hộ, nhưng chuyện không ngờ đã xảy ra. Để được Đức Phật phù hộ độ trì, con người chỉ chăm chú vào lễ vật thịnh soạn hay công cán bỏ ra, mà quên mất một điều rất quan trọng khác. (Ảnh: Internet) Ngôi chùa mà phú ông họ Chu này cất công mang lễ vật tới dâng Phật được cho là rất thiêng, nằm tít trên núi cao. Họ Chu bình thường rất chăm chỉ đi lễ chùa, và lần này thành tâm lên núi lễ Phật để cầu được phù hộ độ trì. Ông trèo hết bậc này tới bậc kia, nửa ngày rồi mới đi được lưng chừng núi. Mệt mỏi, nắng gắt, mồ hôi chảy ướt đẫm áo, nhưng họ Chu vẫn quyết tâm giữ gìn lễ vật dâng lên Đức Phật để tới bằng được ngôi chùa trên đỉnh. Đến lúc mệt quá rồi, họ Chu bèn tạm nghỉ, đặt đồ lễ lên chiếc bàn mang theo. Họ Chu tuy mệt nhưng vẫn rất hứng khởi, trong lòng chắc mẩm sẽ được Phật độ trì vì mình không quản khó nhọc tới thành tâm làm lễ. Đúng lúc đó xuất hiện một người ăn mày rách rưới. Ăn mày lân la tới gần và bày tỏ rằng cũng muốn lên núi lễ Phật xin cứu khỏi cảnh khốn khổ này. Họ Chu thấy vậy cảnh giác, sai gia nhân canh chừng cẩn thận đồ lễ. Cuối cùng họ Chu cũng tới được chùa thiêng, sắp bày lễ dâng Phật rồi kính cẩn chắp tay lễ lạy, cầu xin. Xong nghi lễ họ Chu thấy hết mệt hẳn, tinh thần phấn chấn nghĩ rằng mình sẽ được Đức Phật phù hộ độ trì vì lòng thành kính. Vừa hay khi ra khỏi cửa lại chạm trán người ăn mày lúc nọ. Ăn mày nhìn rất thảm thương, đói lả, giơ tay run run cầu cứu: “Xin ngài làm ơn làm phúc bố thí chút gì để tôi ăn. Tôi nhịn đói đã mấy ngày nay, hãy thương xót tôi mà rủ lòng từ bi. Đồ cũng lễ của ngài nhiều quá, tôi chỉ cần một chút thôi là đủ rồi”. Tuy nhiên họ Chu nhìn thấy ăn mày quá bẩn thỉu, nhếch nhác, tỏ thái độ coi thường: “Tránh ra chỗ khác đi, đồ hôi thối bẩn thỉu, đừng làm vấy bẩn đồ cúng lễ của ta. Ta mang đồ này về cho vợ con ăn chứ loại như nhà người sao mà được đụng vào?”. Ăn mày vẫn tiếp tục cầu xin, quỳ gối xuống nài nỉ: “Xin ngài hãy rủ lòng thương bố thí cho chút đồ ăn thôi, tôi đói quá rồi, tôi không thể sống nữa nếu không có gì để ăn”. Họ Chu thấy vậy sợ ăn mày nhảy vào cướp đồ cúng lễ nên vội vàng thu gom hết rồi xuống núi. Người ăn mày đói lả, đêm đó qua đời. Còn họ Chu về nhà hí hửng tưởng rằng mình đã được Đức Phật phù hộ độ trì, nhưng mọi việc lại không như mong đợi. Công việc làm ăn ngày một tệ, sức khỏe kém đi, gia đình lục đục. Họ Chu thấy rất oan uổng, lại chạy lên núi và vào chùa, đứng trước tượng Phật mà trách rằng:“Nghe nói chùa này thiêng lắm, thành tâm cúng lễ là được phù hộ, vậy hóa ra tôi bị lừa rồi”. Khi ấy một sư thầy bước ra, ra dấu chào họ Chu rồi nói: “Vì sao Đức Phật phải giúp thí chủ?”. Họ Chu đáp: “Ta không quản đường xá xa xôi núi cao hiểm trở, tự mình mang bao lễ vật đến dâng Đức Phật, vậy mà những điều cầu xin cỏn con thôi Ngài cũng không giúp ta là sao?”. Sư thầy mỉm cười đáp rằng: “Thí chủ tự nghĩ mình thành tâm lễ Phật, nhưng tâm của thí chủ thực chất chỉ mong cầu tài, cầu danh và bình an, không hề có tâm từ bi lương thiện khi tới gặp Ngài. Thí chủ chắc chưa quên người ăn mày rách rưới mấy tháng trước? Nếu thí chỉ thực tâm hướng Phật, sẽ không để người này chết vì đói và rét đêm hôm đó. Đức Phật chỉ chứng cho tấm lòng từ bi lương thiện của con người, mâm cao cỗ đầy lễ vật sang trọng hà có ích gì đâu? Gặp người khốn khó mà không cứu giúp, không xứng được Đức Phật phù hộ độ trì”. Thần Phật chỉ xét tâm con người, một người lương thiện không cần sắp lễ cao mâm đầy vẫn được chứng nếu thành tâm hướng Phật. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho con người ngày nay, giúp họ hiểu hơn về hàm nghĩa chân chính của lòng “tín Phật”. Theo minhbao.net