Vì sao người lương thiện cả đời gặp nỗi buồn và trắc trở? Thầy : Con có thể nói cho Thầy biết một chút về nỗi khổ của con không? Em gái : Khi con khổ, con thấy buồn và cô độc… Thầy : Khổ là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, có nhiều cách để khổ. Ở làng Mai, chúng ta phải học cách khổ. Đau khổ là một phần của cuộc sống. Quan trọng là chúng ta có biết cách khổ hay không. Nếu chúng ta biết cách khổ, chúng ta sẽ khổ ít hơn. Và chúng ta có thể sử dụng nỗi khổ của mình để tạo ra hạnh phúc. Cũng giống như bùn và sen. Nếu chúng ta biết cách sử dụng bùn thì chúng ta có thể trồng lên được những bông sen đẹp. Vì vậy mà những người không biết cách khổ, họ khổ rất nhiều. Họ chìm ngập trong những đau khổ của mình. Trong khi đó, những người biết cách khổ sẽ khổ ít hơn. Chúng ta có thể sử dụng bùn của khổ đau để tạo ra những bông hoa hạnh phúc. Mọi người ai cũng khổ hết, kể cả Bụt, kể cả Thầy. Nhưng những người tu tập như chúng ta thì sẽ biết cách khổ và vì vậy cho nên chúng ta không than phiền. Đau khổ giúp chúng ta hiểu và cảm thông nhiều hơn, vì đau khổ cũng có ích như bùn vậy. Bùn không vô dụng đâu, nó rất có ích, vì chúng ta có thể trồng được những bông sen từ bùn. Vì vậy, nếu con đang có một nỗi khổ thì có lẽ con nên tự hỏi rằng mình có thể được lợi ích gì từ nỗi khổ này ? Có một sự cô đơn trong chúng ta. Nỗi cô đơn này không dễ chịu chút nào nhưng chắc chắn có một nguyên do vì sao mà mình cảm thấy cô đơn. Chúng ta nghĩ rằng mình cô đơn vì mọi người xung quanh mình quá bận rộn, ba mẹ đều bận rộn, ai cũng bận rộn và không có ai hiểu được nỗi khổ của mình. Rất nhiều người trong chúng ta cũng có cảm giác cô đơn này. Nhưng nếu chúng ta biết thiền quán, chúng ta sẽ nhìn sâu vào nỗi cô đơn và chúng ta có thể hiểu được nhiều điều. Nam Mô A Di Đà Phật Chúng ta hiểu rằng cha đang quá bận rộn, cha cũng có những lo lắng của cha và mẹ cũng có những vấn đề riêng tư của mẹ. Và có lẽ họ không có khả năng giải quyết những điều đó, vì vậy cho nên họ không đủ thời gian để chăm sóc chúng ta và không thấy được những cô đơn, đau khổ của chúng ta. Vì vậy mà đôi khi họ nói một điều gì đó làm cho chúng ta cảm thấy khổ và cô đơn hơn. Những hiểu biết này có thể làm an dịu và làm chúng ta bớt khổ. Vì vậy thực tập là để mang lại nhiều hiểu biết và từ bi hơn. Một khi mà hiểu biết và từ bi có mặt thì chúng ta sẽ bớt đau khổ đi nhiều. Và khi đó chúng ta có thể giúp những người xung quanh ta bớt khổ. Nếu chúng ta biết cách sống cho tươi mát, nhẹ nhàng, vui vẻ và lân mẫn, nếu chúng ta biết mỉm cười và hoan hỉ trong những lúc khó khăn thì chúng ta có thể giúp được cả cho người lớn. Đây là một việc mà con cần học. Như vậy, đau khổ là một phần của cuộc sống và chúng ta phải học cách khổ. Nghĩa là thực tập niệm, định và nhìn sâu để hiểu. Làm được như vậy thì chúng ta sẽ không còn khổ nữa và những người xung quanh chúng ta cũng vậy. Giống như thầy đã chia sẻ với với một bạn gái đã hỏi trước con, khi mình nhìn vào một đứa con trai hay một đứa con gái đã làm một điều không dễ thương với mình mà mình thấy được nỗi khổ trong cô bé hay cậu bé đó và mình thấy tội nghiệp, thấy thương thì mình sẽ không còn khổ vì giận nữa. Mình chỉ còn muốn nói hoặc làm một cái gì đó để giúp cô bé, cậu bé đó bớt khổ mà thôi. Vì vậy, chúng ta phải học cách làm sao để bớt khổ và xử lý khổ đau cho giỏi. Hiểu được nỗi khổ mang lại cho chúng ta lòng từ bi và tình thương. Lòng từ bi và tình thương làm cho chúng ta tươi vui, thoải mái hơn, đồng thời, tình thương và lòng từ bi cũng chuyển hóa những cơn giận, sự cô đơn và tâm trạng lo lắng bất an trong ta. Chúng ta đừng mong cho những nỗi khổ, niềm đau hoàn toàn biến mất. Nếu đau khổ hoàn toàn biến mất thì hạnh phúc cũng sẽ không còn. Cũng giống như bùn vậy, nếu chúng ta tìm cách quét sạch bùn ra khỏi thế giới này thì hoa sen cũng không bao giờ xuất hiện nữa. Những nỗi khổ niềm đau cũng tương tự như vậy. Dù sao thì cũng cần có đau khổ. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta lại đến đây để học cách ôm ấp, xử lý những đau khổ của mình, học cách để bớt khổ và học cách tận dụng đau khổ để chế tác ra những bông hoa hạnh phúc. Rất là tuyệt vời nếu chúng ta có thể nói về sự hữu ích và mặt tích cực của khổ đau. Thầy : Thầy nghĩ là có một số chuyện mà con có thể làm. Khi mà những đứa bạn không muốn chơi với mình, các bạn loại mình ra là vì các bạn chưa thấy được con người mình. Mình có thể đóng góp rất nhiều vào những trò chơi, vào niềm vui của các bạn. Chúng ta ai cũng có tài năng, chúng ta có thể tham gia, có thể góp phần vào niềm vui và hạnh phúc của các bạn. Thầy nghĩ con nên thực tập để tươi vui như một bông hoa bằng phương pháp thiền sỏi. Thở vào, con thấy con là một bông hoa, thở ra, con thấy con tươi mát. Những bài thiền tập như vậy giúp chúng ta hồi phục lại cái đẹp và sự tươi mát trong con người mình. Thở vào, con thấy con là nước tĩnh lặng. Thở ra, con cảm thấy yên tĩnh và bình an. Chúng ta sẽ thực tập như vậy và chúng ta có được sự bình an, có được vẻ đẹp trong tự thân, và chẳng bao lâu sau người ta sẽ thấy được rằng: "À, chơi với cô bé này rất là dễ chịu vì cô ta dịu dàng, tươi mát, có nhiều bình an và nhiều điều đẹp đẽ trong cô". Khi các bạn loại cô bé ra thì cô bé cũng không giận mà vẫn có thể mỉm cười. Cô bé vẫn vui vẻ dù cho các bạn không cho cô bé nhập bọn. Từ từ, các bạn sẽ thấy rằng nếu có cô bé này trong nhóm thì sẽ làm cho nhóm vui vẻ, hạnh phúc hơn. Vì thế, mọi thứ tùy thuộc rất nhiều vào chúng ta mà không phải vào những người kia. Nhóm người đó đã không cho mình chơi chung bởi vì họ chưa thấy được những giá trị, vẻ đẹp và sự bình an của mình. Do đó mà sự thực tập sẽ giúp chúng ta dễ thương hơn, tươi mát hơn, bình an hơn, vững chãi hơn, vui vẻ hơn và chắc chắn là người ta sẽ muốn có chúng ta chơi chung trong nhóm. Có thể trong nhóm đó có những người hơi bạo động hay có nhiều giận hờn, sợ hãi… vì vậy mà trong nhóm cũng có nhiều khổ đau. Và khi chúng ta gia nhập vào nhóm đó thì chúng ta có thể giúp họ bớt khổ đau và có nhiều niềm vui hơn. Vì vậy cho nên sự thực tập quan trọng biết chừng nào. Tất cả tùy thuộc vào chúng ta nhiều hơn vào những người kia.