Trong kinh đức Phật thường dạy: tài trí, công danh, giàu sang, phú quý là quả, mà tu tập bố thí tài vật là nhân; thông minh, trí tụê là quả, tu tập bố thí pháp là nhân; cơ thể khỏe mạnh, tuổi thọ lâu dài là quả, tu hạnh bố thí sự không sợ hãi (vô úy thí) là nhân. Ở đời, không ai là không hy vọng mình được giàu sang phú quý, có địa vị quyền chức, được thông minh, trí tụê và có sức khỏe, sống lâu. Ai cũng mong muốn như vậy, thế nhưng họ chẳng biết tu nhân. Không có nhân thì làm sao có quả? Cho nên, chúng ta muốn có được quả báo như ý thì nhất định phải biết tu nhân. Cái nhân tốt thì nhất định có quả báo tốt, mà cái nhân xấu thì nhất định có quả báo xấu. Đó là đạo lý, là chân lý, là sự thật không thay đổi. Chúng ta thấy, hiện nay ở ngoài xã hội có không ít người giàu sang phú quý. Quan sát kỹ, chúng ta thấy họ cũng không có chỗ nào hơn người ta, họ cũng giống như những người bình thường khác. Thế tại sao ở trong xã hội họ lại có địa vị, được mọi người tôn trọng? Tại sao họ lại được giàu sang phú quý? Người đời nhìn thấy hiện tượng như vậy thì cảm thấy rất bất bình. Cho rằng ông trời không công bằng. Tại sao ta cũng có trí tụê, có năng lực hơn hẳn họ mà ta lại không có địa vị, không có quyền chức, không được giàu sang, ngược lại hằng ngày phải gánh chịu cuộc sống nghèo nàn, cực khổ? Vì chúng ta chỉ nhìn thấy những hiện tượng trước mắt, không nhìn thấy được nhân duyên trong quá khứ và tương lai, cho nên mới nảy sinh những ý tưởng bất bình như vậy. Nếu như con người có thể thấy biết được quá khứ, hiện tại và tương lai, thì tâm của họ nhất định rất bình tĩnh. Vì sao? Vì họ hiểu được rằng, quả báo được giàu sang phú quý trong đời này là do trong đời trước người ta đã tu cái nhân thiện; còn tuy rằng đời nay có trí tụê, có năng lực mà vẫn chịu nghèo khổ, bần cùng là do trong quá khứ không gieo trồng phước thiện. Cho nên, tu nhân gì thì được quả nấy, đó chính là cái điều mà ông bà mình hay nói ‘trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu’, định luật nhân quả báo ứng ấy không hề thay đổi. Có người hỏi rằng: đời trước tôi không tu tập hạnh bố thí tài vật, trong đời này không thể giàu sang phú quý, vật chất đầy đủ hay sao? Xin trả lời: nhất định là như vậy. Biết được đạo lý này thì ngay bây giờ phải bắt đầu nổ lực tu học đúng như pháp, vài năm sau, nhất định sẽ thấy quả báo hiện tiền. Những sự việc ghi lại trong sách “Liễu phàm tứ huấn” là một bằng chứng. Sự thật trong cuộc đời này có rất nhiều người tu hành và đạt được quả báo giống như tiên sinh Liễu phàm. Chỉ là cư sĩ Liễu phàm đem sự việc tu hành của bản thân mình ghi lại thành sách; còn những người khác, họ cũng tu tập và đạt được kết quả như tiên sinh Liễu phàm, thậm chí còn đạt được quả báo thù thắng vi diệu hơn nữa, nhưng những người này không viết lại thành sách mà thôi. Nếu như chúng ta quan sát kỹ, thì từ xưa đến nay, trong nước cũng như nước ngoài, đâu đâu cũng có sự thật quả báo nhãn tiền. Đủ biết đó là sự thật, không phải điều hư vọng. Cho nên, chúng ta bất tất phải ngưỡng mộ những người giàu sang phú quý, mà quan trọng hơn hết là phải nhận thức vấn đề nhân quả ấy để nổ lực tu hành. Nếu như không biết nỗ lực bỏ ác làm lành, thì dù có giàu sang phú quý cách mấy cũng khó mà duy trì được lâu dài. Từ xưa đến nay, những gia đình phú quý khó có ai giàu được cả ba đời, thậm chí trong một đời cũng khó mà duy trì. Cho nên ông bà mình mới nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Những việc như vậy chúng ta thấy trong xã hội hiện tại rất nhiều. Có người làm ăn phát đạt, tiền tài bạc tỷ, địa vị cao sang, nhưng không được mấy năm, tất cả đều tiêu tan hết; họ vi phạm pháp luật và bị truy tố. Vấn đề nhân quả trong đó rất phức tạp. Được làm ăn phát đạt một thời gian như vậy là do trong quá khứ họ đã gieo trồng cái nhân thiện. Nhưng họ không thể duy trì được là bởi vì mê muội, vô tri, ngang tàng làm điều tội lỗi, cho nên mới tán gia bại sản chỉ trong chớp mắt. Đó là điều thật đáng tiếc. Những sự việc như vậy diễn ra trước mắt là một bài học cho tất cả chúng ta. Thấy những người thành công, chúng ta cần phải học tập; thấy người thất bại, chúng ta phải tỉnh ngộ, quyết không đi theo con đường sai lầm của họ. Đó mới là người thật sự thông minh, biết bỏ ác làm lành, tích lũy công đức, sáng tạo một ngày mai tươi sáng. Cần phải có con mắt tinh tế, biết nhìn xa trông rộng mới có thể tiếp nhận được lời dạy dỗ của đức Thế tôn: “Tu phước nhưng không nhận phước đức”, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta tận tâm tận lực tu phước nhưng không hưởng thụ phước, đó mới là phước báo vô lượng! Vì sao tu phước mà không hưởng phước mới là phước lớn? Trong nhà Phật thường nói: “Nguyện đem công đức này, trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh”. Có nghĩa là lấy cái công đức tu tập đó cầu nguyện được sanh sang cõi Tịnh, thì chắc chắn được sanh trong thượng phẩm, mau sớm thành Phật, điều đó không phải là phước đức không thể nghĩ bàn sao? Nếu như chỉ lo hưởng phước, thì không dễ gì thoát khỏi ba cõi. Hưởng phước mà biết tu tạo thêm phước, thì tương lai có thể được hưởng phước báo sanh lên cõi trời hoặc cõi người; còn nếu hưởng phước mà không lo tu tạo thêm phước, thì ngay trong đời này tuổi thọ ngắn ngủi, và đời sau thì không được làm người. Vì vậy mà trong kinh đức Phật thường nói “Thật đáng thương thay”. Chúng ta phải biết tỉnh ngộ, phải nhận thức đúng đắn và học tập theo những lời Phật dạy để bản thân, gia đình và sự nghiệp, tất cả đều được tốt đẹp, như ý. Phật pháp có thể giúp chúng ta làm được như vậy. Điều đó đuợc gọi là “Phật ở khắp nơi, có cầu sẽ ứng”. Trích Tâm Không Vướng Bận Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư Việt dịch: Thích Nguyên Hùng