Đức Phật có dạy rằng: "Tu trăm năm mới chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng"... Vợ chồng kiếp này sống với nhau hạnh phúc tức là tích phúc báo cho chính mình... Trước đây có một cô gái và một chàng trai đã thề nguyện sẽ nên duyên vợ chồng. Nhưng một thời gian sau, chàng trai đột nhiên đi lấy vợ. Cô gái vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Một hôm, cô đến ngôi chùa cổ mà trước đây hai người thường hay đến với dáng vẻ buồn rầu, ủ rũ. Vị ni cô thấy vậy liền hỏi cô: “Thí chủ lần này đến đây một mình lại mang vẻ mặt bi thương như vậy, chắc hẳn đã có chuyện đau buồn xảy ra?” Cô gái được người hỏi đến chuyện thì như mở tấm lòng, kể hết lại chuyện tình duyên giữa hai người họ. Cuối cùng, cô cũng hỏi vị ni cô vì sao mà hai người đã có tình cảm sâu đậm như vậy mà cuối cùng vẫn không nên duyên được với nhau. Vị ni cô nói: “Người xuất hiện trong cuộc đời mỗi người đều không phải là ngẫu nhiên. Hai người buông tay nhau thì chỉ trong nháy mắt nhưng nắm tay thì phải mất hàng trăm, ngàn năm. Vô luận là thí chủ gặp ai thì người đó đều là người nên xuất hiện trong cuộc đời, cũng không hề ngẫu nhiên. Hết thảy đều là duyên phận.” Kỳ thực, đời người chính là một chuyến lữ hành. Thân thể của mỗi người chẳng qua chỉ là nhà khách của linh hồn. Trong luân hồi đời đời kiếp kiếp thì kiếp này cũng chính là lữ khách mà thôi. Hai người phải có rất rất nhiều duyên phận mới có thể gặp nhau trên một con đường, gặp nhau ở một nơi, gặp rồi lại đi và lại gặp … Cũng có những người mà ở trên thế gian này nơi gặp nhau không phải là ở trên đường, mà là ở trong lòng. Cũng có một loại tình cảm không phải là luôn luôn ở bên nhau mà yên lặng làm bạn của nhau. Suy cho cùng, kiếp này gặp nhau, hết thảy đều là duyên phận! Phật gia cũng có câu rằng: Kiếp trước phải có năm trăm lần ngoái đầu nhìn lại mới đổi được một chút gặp thoáng qua trong kiếp này. Kiếp này gặp nhau đã là duyên phận thì hà cớ gì phải đi oán hận, làm kẻ thù của nhau? Duyên khởi, duyên diệt, duyên tụ, duyên tán, hết thảy đều là thiên ý, chúng ta nên quý trọng! “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!” Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người. Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ. Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng. Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống. Vợ chồng chung sống vui vầy, hạnh phúc, không những giúp gia đình yên ổn, còn tích phúc, tích đức đời đời. Vậy vợ chồng nên đối xử với nhau như nào? Trách nhiệm của chồng với vợ: 1- Người chồng phải biết thương yêu tôn trọng vợ là chất liệu làm nên hạnh phúc gia đình, do đó người chồng phải biết quan tâm nói những lời khen ngợi, về tài năng và đức hạnh của vợ mình. 2. Người chồng không nên khinh thường và hà hiếp vợ, nghĩa là biết thương yêu và không nên coi vợ như người giúp việc muốn mắng chửi đánh đập lúc nào cũng được, gây ra cảnh bạo hành trong gia đình, như hiện nay chúng ta đã thường thấy. 3. Người chồng luôn thương yêu quý mến vợ như người bạn và một lòng sống thủy chung, đó là yếu tố chính để bảo vệ hạnh phúc tình yêu lứa đôi. Một gia đình thật sự an vui hạnh phúc là biết san sẻ cho nhau bằng trái tim yêu thương và có hiểu biết. 4. Người chồng phải nên tin tưởng và giao quyền cho vợ, vì người phụ nữ thường quản lý, quán xuyến sắp xếp ổn định việc nhà giỏi hơn đàn ông, do đó chồng phải tin tưởng tuyệt đối giao quyền cho vợ. Bổn phận vợ đối với chồng như sau: 1- Người vợ luôn một lòng chung thủy với chồng để được sống yêu thương và hiểu biết. 2- Quán xuyến và xử lý việc nhà một cách tốt đẹp. 3- Gần gũi, đối đãi tốt với họ hàng thân thuộc, khách khứa và những người giúp việc thay chồng. 4- Biết chi tiêu mua sắm đúng mức và gìn giữ tiền bạc tài sản cho gia đình. 5- Luôn chu toàn tốt đẹp trong mọi công việc. Tình cảm con người thật sự bao la không ngần mé, phải được xuất phát từ tình yêu thương chân thật bằng trái tim hiểu biết nên dễ cảm thông và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu ngoài sự quan hệ tình dục ra, chúng ta còn có trách nhiệm bổn phận đối với việc nuôi dạy con cái. Cho nên trong tình yêu cần có sự hy sinh, bao dung và độ lượng, nâng đỡ và sẻ chia, rồi còn phải tha thứ và cảm thông cho nhau. Tình yêu chân thật là phương thuốc tinh thần mầu nhiệm xoa dịu các nỗi đau bất hạnh, để chúng ta vững vàng vượt qua những phiền muộn khổ đau của cuộc đời. Để khám phá ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình, và để sống cho những điều mà chúng ta cho là ý nghĩa nhất phù hợp với lòng người. Theo Phụ nữ today