Với những số phận không may mắc phải căn bệnh “ma ám”, món quà ý nghĩa nhất trong mùa lễ Vu Lan chỉ đơn giản là được ăn một bữa cơm cùng con cháu, một câu hỏi thăm sức khỏe, hay chỉ cần được nghe tiếng con gọi… “bố ơi”! “Ngày nào cũng nấu cơm chờ con đến…” Vào phòng cụ Nguyễn Thị Túc (85 tuổi, quê Thanh Hóa) trong Trại phong Quả Cảm (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), trò chuyện được giây lát, cụ vồn vã mời tôi bữa cơm trưa. Cụ bảo: “Cụ nấu cơm rồi, nấu nhiều lắm. Nếu không ngại hãy ăn bữa cơm với cụ cho vui”. Ngày nào cụ Nguyễn Thị Túc cũng nấu một nồi cơm đầy, chỉ để mong con cháu đến ăn cùng mình Mở nồi cơm điện đã cắm sẵn, tôi hỏi cụ sao một mình lại nấu nhiều vậy? Cụ cầm chiếc khăn ố vàng quệt nước mắt bảo rằng, cụ nấu nhiều cơm sẵn để nhỡ may con cháu cụ đến thăm thì có cơm ăn. Hôm nào cũng vậy, cơm sẵn, thức ăn nhiều để chờ các con ghé qua. “Nấu để đấy, nếu con cháu không qua thì tối cụ ăn tiếp. Hoặc có các chị nào từ thiện về đây chơi, khách thập phương đến thăm, họ ngồi ăn cùng cụ cho vui”, cụ nói. Năm 20 tuổi cụ lấy chồng. Nhưng được gần 1 năm thì cụ phát bệnh. Người chồng ghê sợ đuổi cụ về nhà ngoại và đi lấy vợ khác. Sau đó, cụ đi điều trị và thành người ở xóm phong này. Đến trại phong, cụ gặp một người đàn ông cùng hoàn cảnh, cũng bị vợ bỏ. Họ đến với nhau, căn phòng nhỏ bớt quạnh hiu khi đứa con gái của họ chào đời. Lớn lên, con gái đi lấy chồng. Cụ ông mất, bà lủi thủi một mình sống qua ngày. “Con gái lấy chồng ở ngay Bắc Ninh này thôi, nhưng nó bận quá, việc cơ quan, việc gia đình, con cái nên thỉnh thoảng mới vào thăm cụ được. Tôi cũng chẳng dám mong muốn gì nhiều, chỉ cần thỉnh thoảng chúng đến chơi thôi”, cụ Túc chia sẻ. Với cụ Túc, được ăn cơm với con cháu là món quà lớn nhất Cụ vui vẻ khoe, mới cách đây một tuần, con cháu cụ vào thăm, còn mua cho cụ rất nhiều thứ. Nhưng cụ không màng đến các món quà, cụ chỉ vui mừng vì các cháu đến nấu cơm và ăn bữa cơm, trò chuyện với cụ. Hỏi cụ về lễ Vu Lan, cụ bảo, mấy năm trước, cứ gần vào đến ngày làm lễ, con gái bà thường vào trước 2 ngày. Cụ móm mém nói rằng, cụ không trách con, bởi con gái đi lấy chồng là con nhà người ta và cũng có nhiều việc gia đình cần phải làm. “Nhiều người cả đời chẳng có ai đến thăm, cụ được như vậy đã là may mắn rồi. Thỉnh thoảng chúng đến thôi nhưng cụ hài lòng vì con cái không hắt hủi. Mùa lễ Vu Lan này, cụ chỉ mong, con cháu lại đến chơi, đến ăn cùng cụ một bữa cơm. Thế sẽ vui hơn là những món quà và món tiền được gửi đến mà chẳng thấy mặt chúng đâu…”, cụ nói. “Chỉ cần được nghe con gọi “bố ơi” “Lễ Vu Lan ư? Báo hiếu ư? Nói thật, nếu như tôi chẳng có đứa con nào, có lẽ tôi lại sống thanh thản hơn. Đến ngày cưới xin, Tết Nguyên đán, giỗ ông bà… chúng còn chẳng màng tới tôi, huống hồ là những ngày này”. Đó là câu nói đầy ám ảnh của ông Vũ Văn T. (70 tuổi) – bệnh nhân sống gần 40 năm ở Trại phong Quả Cảm này khi chia sẻ với phóng viên về câu chuyện đời mình. Ông Võ Văn T. buồn rầu chia sẻ về cuộc đời mình Quê ông ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Năm ông lên 8 tuổi, ông bị chính bố đẻ của mình bỏ rơi ở Bệnh viện Bạch Mai khi biết ông bị bệnh phong. “Khi bác sĩ đưa cho bố tôi kết luận, ông hốt hoảng, rùng mình nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, ghê sợ. Sau ánh mắt vô cảm ấy, ông nói đừng theo ông về nhà nữa. Rồi ông cứ thế đi thẳng về nhà và không thấy quay lại”, ông kể lại. Sau này, sức khỏe ổn định, ông lấy vợ và sinh được 4 người con. Những năm tháng ấy, để nuôi các con, ông chẳng nề hà bất cứ việc gì. Rồi bệnh tái phát, dù những cơn đau thường xuyên hành hạ, gặm nhấm thân thể, nhưng nhìn các con khôn lớn, ông lại làm quần quật như chưa hề có bệnh tật trong người. Đến khi các con lớn hơn, ông chết lặng nhận ra rằng, càng ngày mình càng như người thừa trong gia đình. Ông vào trại phong Quả Cảm để điều trị. Ông nói: “Người đời xa lánh đã đành, đằng này… Vào đây là tôi muốn giải thoát cho tất cả. Mà trên hết là chính là giải thoát cho bản thân. Chẳng còn những xì xèo, chẳng còn lườm nguýt, sự ghẻ lạnh”. Ông buồn bã chia sẻ, hồi ông chưa chia đất, chia nhà cho các con, thỉnh thoảng các con ông có ghé qua chơi. Nhưng từ sau khi mỗi đứa một mảnh đất, mỗi đứa đã có một bìa đỏ thì tuyệt nhiên chẳng thấy mặt ai. Hiện ông có 15 đứa cháu và 8 chắt. Dù từ nhà đến trại phong chỉ khoảng 10km, nhưng đến nay ông cũng chẳng biết mặt các cháu dâu, cháu rể mình thế nào. Trại phong Quả Cảm, những ngày này vẫn tĩnh lặng, hắt hiu “Đã lâu lắm rồi, chẳng có đứa nào đến thăm tôi. Ngày lễ tết, giỗ ông bà, đám cưới các cháu, có ai nhớ tới tôi đâu. Các mùa Vu Lan trước, hay mùa Vu Lan này cũng vậy thôi…”, ông buồn bã nói. Đoạn ông chỉ tay về phía một bà cụ (75 tuổi, quê ở Hải Phòng) ở cạnh phòng ông, thủ thỉ rằng, bà ấy được con cái rất quan tâm. Mới đây, các con của bà ấy đến đón về nhà dự đám cưới. Các ngày lễ, ngày Tết hay bất cứ công việc gì, bà ấy đều được con cháu đón đưa. Bà ấy còn vừa hồ hởi khoe, đến rằm tháng 7 này, chúng nó sẽ làm một cái lễ và sẽ lại đến đón bà về cùng vui. Ông bảo, mùa Vu Lan, sẽ có nhiều người tự hào, hạnh phúc khi ai đó còn cha mẹ hoặc được các con quan tâm, báo hiếu. Nhưng với ông, mỗi lần nghĩ về cha mẹ, về con cái, về gia đình, ông lại buồn đến thắt lòng. Hỏi ông có về nhà hay muốn con cháu đến chơi không, ông nói : “Về làm gì? Với tôi, nhà bây giờ như cái nhà trọ, về nhà tôi thấy không quen. Còn mong chúng đến ư? Ai chẳng mong chứ. Chẳng cần phải vào mùa báo hiếu, chỉ cần một năm đôi lần chúng đến, đến chốc lát thôi cũng được và tôi cũng chỉ cần được nghe tiếng con gọi “Bố ơi”, thế là quá đủ. Nhưng có lẽ đó chỉ là mong ước…”. Cảm động về câu chuyện đời của ông, tôi giơ máy ảnh xin ông một tấm hình. Ông xua tay nhất định không cho chụp. Lúc đầu, ông còn nói rằng, vì ông quá xấu, chân tay què, cụt nên ông không muốn chụp hình. Rồi ông lại thủ thỉ rằng, ông sợ các con đọc được, nhìn thấy hình của ông lại trách và quan trọng hơn, ông sợ mọi người nhìn thấy ông trên báo lại xì xèo, rồi lại khổ đến các con… Theo Ong Lý (danviet.vn)