Bạn sẽ làm gì khi tình yêu tan vỡ?

Thảo luận trong 'Lời phật dạy'

Tags: Add Tags
  1. admin

    admin Administrator Staff Member

    Tình yêu là đề tài muôn thuở, nó tồn tại hầu như ở mọi ngõ ngách trên trái đất này, nơi nào cũng có những người đang yêu nhau. Tình yêu là một phần quan trọng của cuộc sống, giúp cho con người thêm yêu đời và làm cuộc sống càng thêm thú vị hơn.

    Thuở mới yêu hầu như ai cũng lãng mạn, dành cho nhau những lời ngọt ngào, cử chỉ âu yếm, thể hiện sự quan tâm, lo lắng vô điều kiện, khiến đối phương phải rung động, và nó trở thành chất liệu gắn kết vào nhau như “chim liền cánh, cây liền cành”. Họ luôn có cảm giác rằng, gần bao nhiêu cũng không đủ, vẫn còn xa: “Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng: Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!” – Xuân Diệu. Họ muốn cả thế giới đều biết rằng họ đang yêu nhau. Họ bay bổng với những ước mơ, tận hưởng những cung bậc cảm xúc ngọt ngào mà tình yêu mang đến …

    Nhưng có một điều ít ai nghĩ tới là: bản chất của tình yêu là vô thường, nó cũng luôn thay đổi như mọi sự vật hiện tượng trên cuộc đời. Đó là một trong ba hình thái của vô thường mà Phật đã dạy: tâm vô thường. “Ông hoàng thơ tình” cũng đã từng lo sợ sự “vô thường” của tình yêu được thể hiện qua hai câu thơ trong bài Giục giã:

    Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
    Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn
    ”.​

    Và cũng vì sự đổi thay này đã làm cho con người ta luôn hoang mang, lo sợ, đau khổ cho dù họ đang yêu nhau say đắm, càng say đắm càng lo sợ - sợ phản bội, sợ chia ly. Truyền thuyết về tình yêu của Thần thoại Hy Lạp đã cho chúng ta một thông điệp rằng, tình yêu phải ở trong bóng đêm, trong mê muội, trong cái nghi ngờ, hoang mang và sợ hãi.

    Theo thống kê tại Mỹ, hàng năm gần hai triệu đôi vợ chồng phải ra tòa ly dị. Bên cạnh đó, còn biết bao đôi “vợ chồng” không chính thức, chia tay bằng nhiều cách khác nhau. Nhìn chung “tình yêu tan vỡ” là một điều dễ xảy ra nhất mà cũng lại là vấn đề phức tạp nhất kể từ khi có mặt loài người, và hậu quả của hành động này rất khó lường.

    Không ít những đôi trai gái phải chia tay nhau trong sự hận thù truyền kiếp; nhiều vụ ly hôn mang lại những mất mát đau thương, làm liên lụy đến nhiều người; một số người không chịu nỗi áp lực “khi tình yêu tan vỡ” nên tự tử chết cho xong “cái nợ trần”; có người hận quá nên giết chết người mình yêu để rồi ngồi tù hoặc tự sát chết theo, bỏ lại phía sau biết bao nhiêu buồn tủi cho con cái hoặc cha mẹ, người thân …. Có những trường hợp bi đát hơn là ôm con cùng chết…!

    Bên cạnh đó, có những cách trả thù tình yêu thời @, táo bạo và nguy hiểm: một số người chọn phương án vạch tội nhau ra, bôi xấu nhau đầy rẫy trên các trang mạng, để làm trò cười cho khắp thiên hạ. Có những người chọn phương án rất thấp kém về đạo đức, bằng cách tung những hình ảnh hoặc những thước phim riêng tư, kỷ niệm tình yêu, lên internet như một cách trả thù… Rất hiếm cuộc tình nào được kết thúc trong êm đẹp, có văn hóa!?

    [​IMG]

    Lý Mạc Sầu, người hận tình đến chết, từng có câu nói để đời: “tình là gì, tình là chi, mà ngàn năm trước, ngàn năm sau, nhân loại vẫn khổ đau vì tình”.

    Lời Phật Dạy rằng: “người có một trăm tình yêu là một trăm đau khổ; năm bốn ba hai một tình yêu thì cũng chừng ấy đau khổ. Ai không yêu, người đó bước lên thiên đường một nửa”.

    Dân gian cũng đã nói: “yêu là khổ, không yêu là lỗ, thà chịu khổ chớ không chịu lỗ”.

    Qua đó, kinh nghiệm cá nhân cũng như tập thể, từ người phàm đến bậc thánh luôn khẳng định một điều: “tình yêu là đau khổ”. Mặc dù biết rất rõ như vậy nhưng loài người vẫn sẵn sàng chấp nhận cái thương đau đó và luôn rất mạo hiểm với tình yêu, thậm chí đùa giỡn với nó để rồi ôm hận ngàn đời: “Anh cứ ngỡ chuyện đùa vui tí xíu, có ai ngờ đùa mãi đến điêu linh”.

    Vì vậy, đau khổ vì tình yêu như một căn bệnh muôn thuở của nhân loại. Và từ ngàn xưa, nhiều bậc “lương y”cũng đã tìm nhiều cách để hóa giải “nộc độc tình hoa” này, làm vơi đi phần nào những cảm giác đau đớn do “chất độc tình” phát tác. Thật ra mà nói, việc này không quá quan trọng ở giải pháp mà ở chỗ nhận thức và bản lĩnh nơi mỗi cá nhân con người mà thôi.

    Có những người, biết khổ, nhận thức rất rõ sai lầm, và có giải pháp nhưng vẫn không thoát ra được, chỉ vì không đủ bản lĩnh để ứng dụng. Vậy, mấu chốt căn bản của vấn đề đã được hé lộ: do cố chấp những “ hình bóng ma” ở trong lòng, không dám dứt khoát từ bỏ những kỹ niệm chỉ còn lãng vãng trong ký ức, hằng ngày cớ đau khổ bằng tưởng tượng. Rất có thể hình ảnh thật bây giờ thật đáng sợ và kinh tởm.

    "Hỡi Thượng đế! Tôi cúi đầu trả lại
    Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
    Sầu đã chín, xin người thôi hãy hái
    Nhận tôi đi, dù địa ngục, thiên đàng
    ”. (Huy Cận)
    Do đó, bảo bạn đừng yêu là chuyện không thể. Nói bạn sau khi chia tay cũng vui vẻ bình thường là chuyện nằm mơ. Tôi không dám đá động đến “nỗi khổ riêng tư” của bạn một cách chủ quan như thế mà chỉ chia với bạn một vài mẹo vặt trong vấn đề này.

    • Khi bạn là nạn nhân của kẻ phản bội thì bạn phải suy nghĩ thật thấu tình đạt lý, phải suy nghĩ trong tỉnh táo và bình lặng của tâm hồn, tuyệt đối không bao giờ nghĩ đến cái chết. Khi bị phản bội, ai nghĩ đến cái chết và tìm đến cái chết là hành động ngu ngốc nhất, dại khờ nhất, uổng phí nhất trong một kiếp người. Tại sao phải chết vì một kẻ phản bội? Hắn có đáng để được hy sinh cái quý giá nhất trần gian này không, đó mà mạng sống. Một kẻ bạc tình là đáng khả ố, chúng ta chỉ xem hắn như một “cọng rác” bên đường thì hà cớ gì phải đau khổ vì “cọng rác” đó. Chúng ta có nên khổ vì hắn ta không? Thậm chí bây giờ, hắn đang vui vẻ với người khác một cách trơ trẽn, cố chọc tức mình bằng những biểu hiện xấu xa như thế thì mình có nên oằn oại để hắn cười thỏa thích trên chiến thắng đầy tội lỗi, trong khi đó người chung thủy hiền lành như ta phải chịu làm kẻ chiến bại thê thảm, họ không còn thương mình thì mình cũng nên thương cái thân tội nghiệp của mình chứ, tại sao lại phải trở thành kẻ đồng lõa với hành động hèn hạ của kẻ phản bội? …Muốn chết thì phải chết đúng nghĩa, hy sinh cao thượng, hy sinh để được thiên hạ tôn thờ, như bà Trưng, bà Triệu, Lê Lai, Lê Lợi… Nghĩ đến đó bạn liền có một sức mạnh tiềm tàng được bật dậy trong tâm trí và rất có thể bạn sẽ đứng dậy rất mạnh mẽ, đầy tự tin và dũng khí. Nỗi khổ sẽ được quẳng lại ở phía sau lưng trong tích tắc.
    • Khi chia tay, dù lỗi thuộc về ai, bạn vẫn cảm thấy đau nhói trong lòng, khổ đau dằn vặt. Nhưng khi nhìn thật kỹ lại niềm đau nỗi khổ ấy nó là cái “quái” gì? Thật ra, nó không là gì cả, nó chỉ là ý niệm, là chuỗi suy nghĩ đến những hình ảnh về mối tình đã qua, luôn tái hiện lại một cách liên tục trong đầu. Nếu mãi tác ý vào nó, bạn sẽ chết bởi nó, mặc dù nó không thật tí nào. Vì vậy, thay gì nghĩ đến đau khổ bạn nên thay đổi cảm xúc tồi tệ đó, bằng cách tư duy theo hướng lạc quan, dẫn cảm xúc mình đến những hình ảnh vui, yêu đời hoặc tìm cho mình một tình cảm mới để nương tựa: cha mẹ, bạn bè, người thân…là những hình ảnh chưa làm khổ ta hoặc cho ta nhiều cảm giác an lành. Nhờ hướng tâm đến cảm xúc mới thì nỗi đau về tình yêu cũ được nhẹ dần và có thể biến mất. Đây là cách tự cứu mình rất hữu hiệu.
    • Quán chiếu được lời Phật dạy, tham ái là nguyên nhân đau khổ, vì mọi thứ tình yêu đều không bền chắc, nó vốn giả tạm vô thường. và nghĩ sâu hơn thế nữa: bản thân chính mình còn chưa gìn giữ được lâu bền thì huống gì là những cái quanh ta; hoặc một khi cái chết đến ta có giữ được những thứ đó không, và muốn giữ có được không? Mọi việc chỉ là “dòng đời bến tạm vô tình gặp nhau”, vì duyên và nợ mà đến, hết duyên nợ thì tự đi, mọi việc nên tùy nghiệp. Nhờ nghĩ đúng theo quy luật, lòng ta được tỏ sáng, như tự giác ngộ đươc lẽ thật cuộc đời, ngay đó liền hết đau khổ.
    • Vì hai ta từng thương yêu nhau tha thiết, từng trao cho nhau biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp thì đừng chia tay nhau trong hận thù. Điều này rất tương phản trong tình yêu và trái đạo lý của con người. Cho nên, thay vì thù ghét nhau, hãm hại nhau, bôi nhọ danh dự của nhau, chúng ta hãy cảm ơn nhau dù không đi trọn một con đường nhưng cả hai điều đã giúp nhau đi hết một đoạn đường, không còn tình thì cũng còn nghĩa, không là người yêu thì cũng là bạn của nhau, vẫn còn nhiều lý do và cơ hội để nhìn nhau. Đây là nét văn hóa ứng xử rất đẹp, rất nhân văn đối với việc không còn giữ được tình yêu của nhau.
    Đây là những điều then chốt trong việc cứu mình một cách khôn ngoan “khi tình yêu tan vỡ” được góp nhặt lại từ các bài giảng của đại đức Thích Phước Tiến, trong loạt bài nói về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Xin được gửi đến các bạn, nhất là những ai đang có tâm sự buồn về tình cảm riêng tư của mình.

    Chúc bạn luôn bình tĩnh, sáng suốt, mạnh mẽ, tự tin để vượt qua nỗi buồn một cách khôn ngoan, và chữa lành vết thương lòng một cách nhanh chóng nhất. Thân mến!
    Chuyên mục Lời Phật Dạy - Theo Tuvientuongvan.com
    Theo SKCĐ​
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người