Chính Đức Phật đã không tìm thấy hạnh phúc trong cung vàng và cuối cùng Ngài đã tìm thấy dưới cội bồ đề, hạnh phúc của sự thấu triệt đời sống, phá tan vô minh và tràn ngập ánh sáng chân lý. Trước nhất, cần nói rõ “con Phật” gồm mọi nhân sinh tin theo và trau dồi dưới ánh sáng Phật pháp- một con đường, đấy là giới tu sĩ xuất gia và cư sĩ tại gia cùng những Phật tử tiềm tàng tiếp cận Phật pháp ở chừng mực nhất định; và khái niệm “hạnh phúc” ở đây xin được xét ở góc độ phàm, theo tâm lý học và quan niệm thông thường của đời sống, chưa xét rốt ráo đến hạnh phúc triệt để của sự giải thoát hoàn toàn- đến bờ giác- hạnh phúc tâm linh mang tính tôn giáo và thuộc về niềm tin tuyệt đối. Tâm lý học hiện đại có một trong nhiều hơn một định nghĩa về HẠNH PHÚC: đấy là trạng thái thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Định nghĩa này được xây dựng trên cơ sở xem con người có hai nhu cầu cơ bản vật chất và tinh thần. Định nghĩa cũng cho biết do sự vận động không ngừng của nhu cầu, thỏa mãn nhu cầu này lại xuất hiện mức nhu cầu mới, và ngưỡng hạnh phúc cần có tăng thêm mãi, cho nên chỉ có và chỉ có thể có hạnh phúc tương đối, con người muốn hạnh phúc – trên cơ sở đã nói- phải “đấu tranh” chạy đua mãi với cuộc sống để thỏa mãn nhu cầu của chính mình và người thân, một cuộc rượt đuổi nghiệt ngã. Không bàn về tính đúng sai, nhưng thấy rõ thực tế cuộc sống đời thường có hiện thực như vậy ở đám đông, cõi phàm. Không cần học nhiều cũng thấy thế gới đã “phát triển” rất nhanh, theo cấp số nhân ở nhiều lĩnh vực, về kinh tế- văn hóa và nói chung, mọi thứ. Tính một cách thô vụng, có người sẽ nghĩ: thiên đường đã đến với nhân loại từ rất lâu mới phải. Từ chỗ thiếu ngũ cốc, rất nhiều quốc gia đã thừa mứa lương thực và tổng sản lượng toàn cầu các loài cây có thể ăn để sống tăng rất nhanh, cái đói tưởng đâu đã là quá khứ. Phương tiện đi lại, liên lạc, giải trí và tiện nghi nói chung tăng nhanh về chất và lượng, tỉ lệ người có học và học vấn cao nhảy vọt trong các cộng đồng, hạ tầng cơ sở hiện đại phủ kín nhiều nơi... Theo định nghĩa tâm lý học đã kể, sự đáp ứng nhu cầu vật chất & tinh thần đã được thực hiện rất tốt, đến mức khó tin. Nhưng trạng thái hạnh phúc, hay nói đơn giản là HẠNH PHÚC, của nhân loại, của các dân tộc, từng cộng đồng và cá nhân có tăng lên không,, tình trạng chung xét một cách lượng tính, có hạnh phúc hơn ngày xưa không: cách đây 20, 50,100... năm? Đây là câu hỏi nhức đầu. Tình trạng tội phạm tăng nhanh về số và tính chất, mức độ. Tỉ lệ ly hôn và nạo phá thai trên số dân nhảy vọt chưa từng thấy. Tham nhũng và bất ổn xã hội sờ đâu cũng đụng... Nguy cơ chiến tranh lơ lửng trên đầu, xung đột khu vực và xung đột có tính chất mới liên quan tín ngưỡng – tôn giáo và dân tộc bùng phát mạnh mẽ. Chưa hết, số người rải rác trên khắp thế giới sống dưới ngưỡng nghèo không giảm nhiều, nạn đói vẫn còn, tình trạng phân hóa xã hội vẫn gay gắt.. hạnh phúc có hơn xưa chăng? Một trong những nguyên nhân có thể thấy như Đức Phật mô tả hình tượng về lòng tham không đáy khi người tham ăn hết mía vẫn lè lưỡi liếm giọt mật còn sót trên lưỡi dao bén để chịu họa đứt lưỡi. Con người chạy đua với chính nhu cầu của mình, cả nhân loại rồng rắn vào cuộc đua, hút kiệt tài nguyên thiên nhiên để cung phụng các ngưỡng mới để có một thứ hạnh phúc như định nghĩa và kết quả... Nhiều đường sá hơn, ô tô nhiều hơn, lương thực nhiều hơn.. nhưng tình thân ái tương thân trong cộng đồng, giữa các quốc gia, người với người không tăng thêm mà giảm đi, càng có nhiều càng thấy ít, bi kịch. Bài toán hạnh phúc đi vào lối khó... Nếu ngày xưa chỉ có gói cơm lạt mang theo, người ta động lòng trắc ẩn dừng lại nhường nửa cho người hành khất lả bên đường, thì có thể ngày nay chiếc ô tô triệu đô vội vã bỏ một người bị nạn trên đường vắng, coi như chuyện thường. Vấn đề nằm ở chỗ đấy. Sự phát triển về vật chất không tương thuộc thuận với sự thăng tiến giá trị nhân văn trong mỗi con người và nhân loại. Càng giàu có, con người lại càng khó tính hơn và hung hãn hơn với đồng loại... Hạnh phúc khó tìm. Phật giáo có điểm tương đồng với Nho giáo ở tinh thần tri túc, biết đủ. Người Phật tử được khuyên chia phần thu hoạch được để làm việc nhân ái và để dành ngoài phần cung cấp cho sự sống còn, có nhiều hơn thì cho đời nhiều hơn. Tinh thần khổ hạnh của người tu đảm bảo cho họ có sự cân bằng trong mọi hoàn cảnh khó khăn về vật chất và áp lực tinh thần. Hạnh phúc của người con Phật không đặt cược vào cuộc chạy đua theo định nghĩa của tâm lý học, nó là hạnh phúc của sự cho đi, khiêm cung, nhẫn nhịn và tiết dục, tri túc toàn diện... Chính Đức Phật đã không tìm thấy hạnh phúc trong cung vàng và cuối cùng Ngài đã tìm thấy dưới cội bồ đề, hạnh phúc của sự thấu triệt đời sống, phá tan vô minh và tràn ngập ánh sáng chân lý. Chính quan niệm về hạnh phúc của Phật giáo đã đảm bảo cho người con Phật được hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh, ở ngay chính cõi phàm tục, và bây giờ, không phải rượt đuổi mệt mỏi để thỏa mãn cơn khát vô cùng tận nhu cầu nhục dục và lòng tham nói chung về tinh thần và vật chất. Nói như thế không hề có ý cho rằng Phật và con của người phủ định coi thường và quay lưng với sự sống vật chất, sự phát triển kinh tế và vận động tiến hóa của đời sống nói chung, chỉ có điều không đặt hạnh phúc vào đấy như đặt cược trong một ván bài. Hạnh phúc của Phật giáo ngược chiều định nghĩa đã kể ở trên: nó là hạnh phúc cho đi, dâng tặng, tri túc các nhu cầu và hạnh phúc vì hạnh phúc của nhân sinh. Và như thế, từ mấy nghìn năm trước, Phật đã có một định nghĩa khác về hạnh phúc, cho hôm nay và mãi mãi... Thành Công - Vườn hoa Phật giáo