Chùa Bồng Lai

Thảo luận trong 'Đền chùa Phú Thọ'

Tags: Add Tags
  1. HueNhan

    HueNhan Member

    Chùa Bồng Lai

    [​IMG]

    Địa Điểm: Chùa Bồng Lai tọa lạc tại thôn Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

    Chùa Bồng Lai còn có tên gọi khác là Chùa Hà Thạch. Chùa được xây dựng trên một quả đồi có hình dáng một con voi. Từ đây có thể nhìn bao quát bốn phía. Chùa Bồng Lai quay hướng Tây Nam nhìn ra sông Hồng. Đến gần chùa Bồng Lai, ngay từ đê sông Hồng ta có thể chiêm ngưỡng một hòn đảo "Bồng Lai tiên cảnh" giữa đồng lúa xanh, gần đó là nhà thờ và những nếp nhà cổ kính thấp thoáng sau những đám lá cây cổ thụ, bồng bềnh ẩn hiện giữa nền trời xanh biếc.

    [​IMG]

    Lịch Sử: Tương truyền, chùa Bồng Lai được làm vào đời Trần, do ông Đỗ Nguyên Cảnh tổ chức nhân dân xây dựng. Ông Đỗ Nguyên Cảnh, một vị tướng của Trịnh Doanh, là người Hà Thạch, thấy dân làng không hoà thuận lắm bèn đem quân về đóng ở Xuân Lũng, ông cho gọi các thợ cả đến bàn bạc rồi đêm đến mới điều quân về làng tựu xà xếp cột dựng chùa, chọn hướng Thao Giang để tránh việc làng tranh cãi. Ông ra lệnh mỗi đầu xà, đầu cột đều phải đệm vải tấm để việc dựng được nhanh chóng và bí mật. Vì vậy chỉ qua một đêm. Sáng ra dân làng bỗng thấy một ngôi chùa đồ sộ như có phép thần thông biến hóa. Từ đó chùa rất được sự ái mộ của tăng ni phật tử và dân trong vùng, họ đều cho rằng chùa do trời dựng.

    Kiến Trúc: Chùa Bồng Lai gồm 2 toà kiến trúc hình chữ Đinh 丁. Chùa có cổng tam quan, sân chùa lát bằng gạch đỏ, bên tả sân là ngôi nhà 3 gian mới xây, bên hữu dựng hàng bia đá. Tiền đường gồm 5 gian, kết cấu kiến trúc theo kiểu quá giang gối tường bố trụ. Toà thứ hai kiến trúc thượng điện 5 gian có kết cấu vì kèo câu đầu và trụ báng chống nóc.

    Thượng điện chùa Bồng Lai còn lại tương đối nguyên vẹn các thành phần kiến trúc cũ. Tất cả có 20 cột gỗ lớn nhỏ, cột cái cao 3,6 m, chu vi 1,25 m, cột con cao 2,5 m, chu vi 1,0m, thân cột được sơn son và vẽ hình rồng cuốn. Đáng chú ý là còn hai vì kèo của thế kỷ 17, lần trùng tu lớn thời Chính Hòa.

    Trong chùa còn nhiều tảng kê chân cột, chất lượng bằng đá xanh mịn hạt, hình vuông mỗi cạnh 0,4 m, trên mặt trạm khắc một bông sen hai lớp, mỗi lớp 18 cánh, vòng tròn trong cùng là nơi để tiếp xúc với chân cột. Đây là những hòn kê từ lần trùng tu lớn ở thế kỷ 17. Chiếc bệ được làm bằng đất nung duy nhất còn lại trên đất Phú Thọ được coi là nghệ thuật trang trí Phật giáo thời đại Lý Trần. Bệ được thiết kế giật cấp 3 tầng. Kết cấu bệ gồm các viên đất nung có kích cỡ khác nhau được lắp vào nhau, mỗi mặt là một khối hình trang trí nổi, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật bệ đất nung hoàn chỉnh. Các họa tiết trang trí gồm: Hoa cúc, hoa văn cánh sen, hoa hải đường và trang trí hình con ly đang trong tư thế vờn mây. Nhìn chung đây là chiếc bệ đất nung quí hiếm còn sót lại của chùa Bồng Lai.

    Chùa Bồng Lai có hơn 200 pho tượng tròn làm bằng chất liệu gỗ và đất, kỹ thuật tạo dáng đẹp, sơn thếp hài hòa, được bài trí ở 2 tòa trên các bệ xây giật cấp cao dần về phía trong. Các pho tượng chùa Bồng Lai đều được các nghệ nhân tạc với kỹ thuật cao, tràn đầy tâm hồn dù chất lượng bằng gỗ hay đất cũng được phủ sơn nhiều lớp, bên ngoài thếp vàng, thếp bạc cẩn thận, xứng đáng là những pho tượng có tiếng là đẹp xưa nay. Tượng được bài trí cân đối hài hòa từ tòa tiền đường vào thượng điện. Dáng tượng đẹp, đạt tới trình độ Phật tính cao bởi nghệ thuật tạo tượng còn khá nguyên vẹn của thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

    Chùa Bồng Lai để lại một dấu tích khang trang với quy mô bề thế bên bờ sông Hồng, phong cảnh hữu tình, đã một thời là trung tâm sinh hoạt của cư dân trong vùng. Chùa Bồng Lai đã được Bộ văn hóa thông tin cấp “Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa” cấp quốc gia.
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ bài viết đến mọi người